Một trong những vấn đề ban đầu khi sử dụng composite là hiện tượng rò rỉ vi mô do sự co của nhựa khi trùng hợp. Vấn đề này đã được giải quyết nhờ sự ra đời của ‘kỹ thuật xoi mòn acid’ bởi Buonocore vào năm 1955. Kỹ thuật xoi mòn acid sử dụng sự kết hợp của acid để xoi mòn răng và một chất dán để cải thiện khả năng lưu giữ của composite đối với răng.
Các thuật ngữ
Chất xoi mòn: là một loại acid hòa tan một cách có chọn lọc cấu trúc răng. Chúng còn được gọi là chất điều hòa (conditioners). Chất xoi mòn phổ biến nhất là acid phosphoric 37%.
Primer (Chất lót): là các monomer ưa nước thường được chứa trong dung môi. Do bản chất ưa nước, chúng có thể xâm nhập vào cấu trúc răng ẩm, đặc biệt là ngà răng và lưới collagen của nó, do đó cải thiện được liên kết. Chúng đóng vai trò như một cầu nối kết nối cấu trúc răng với chất dán. Dung môi được sử dụng là aceton, ethanol hoặc nước. Một số chất lót được sử dụng mà không có dung môi.
Chất dán: thường là các monomer kỵ nước. Có tính kỵ nước nên chúng không làm ướt răng dẫn đến khí bám vào, ức chế không khí và do đó liên kết trở nên kém đi. Vì vậy, chúng phải được sử dụng kết hợp với primer để tạo thành liên kết với cấu trúc răng. Chất dán liên kết composite với primer, từ đó thẩm thấu và liên kết với cấu trúc răng, hoàn thành trình tự liên kết.
Kỹ thuật xoi mòn bằng acid
Kỹ thuật xoi mòn acid đầu tiên được phát triển để cải thiện khả năng lưu giữ ở men răng. Các chất dán đầu tiên dường như không liên kết với ngà răng. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng
- Ngà không thể được xoi mòn như men
- Acid xoi mòn ngà răng sẽ gây ra tổn thương cho tủy răng
Một lý do giải thích cho độ bền liên kết với ngà răng thấp là do tính kỵ nước của các loại chất dán thế hệ đầu. Năm 1979, Fusyama đã chứng minh rằng ngà răng có thể được xoi mòn mà không gây ra bất kỳ tác hại đáng kể nào cho tủy răng. Điều này cùng với sự phát triển của các chất dán ưa nước đã cải thiện đáng kể độ bền liên kết với ngà răng. Kỹ thuật xoi mòn bằng acid cùng với việc áp dụng các chất dán hiện tại là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện liên kết giữa nhựa và cấu trúc răng.
Chất xoi mòn/điều hòa (etchant/conditioner)
Các chất xoi mòn có bản chất acid. Chúng có thể được phân loại như sau:
- Vô cơ (ví dụ: phosphoric, acid nitric, v.v.)
- Hữu cơ (ví dụ: maleic, citric, ethylenediamine-tetracetic (EDTA), v.v.)
- Cao phân tử (ví dụ: acid polyacrylic).
Chất xoi mòn được sử dụng nhiều nhất là acid phosphoric 37%. Nó có thể được cung cấp dưới dạng gel hoặc chất lỏng trong suốt hoặc có màu. Chổi được sử dụng để bôi chất xoi mòn lên răng hoặc acid được chứa trong một ống tiêm để đặt trực tiếp lên men. Một loại acid khác được sử dụng là acid maleic 10%.

Cơ chế hoạt động trên men
1. Nó tạo ra các lỗ rỗng nhỏ bằng cách xoi mòn men, tức là bằng cách hòa tan có chọn lọc các rod centers của men, hoặc các vùng ngoại vi, hoặc cả hai.

2. Sự xoi mòn làm tăng diện tích bề mặt.
3. Men được xoi mòn có năng lượng bề mặt cao, cho phép nhựa thấm ướt bề mặt răng tốt hơn và thâm nhập vào các lỗ rỗng nhỏ. Khi được polyme hóa, nó tạo thành các ‘đuôi’ nhựa tạo thành liên kết cơ học với men.

Cơ chế hoạt động trên ngà
1. Loại bỏ lớp mùn và mở một phần ống ngà.
2. Xoi mòn nhẹ ở gian ống ngà.

Quy trình
Răng được làm sạch và đánh bóng bằng pumice trước khi xoi mòn. Sau đó, acid phosphoric được bôi lên men răng rồi đến ngà răng (kỹ thuật này còn được gọi là kỹ thuật total-etch). Ban đầu thời gian đặt là 60 giây nhưng bây giờ đã chứng minh được rằng 15 giây là hợp lý. Thời gian xoi mòn cũng phụ thuộc vào đặc tính của răng, ví dụ răng có hàm lượng fluoride cao và răng sữa đòi hỏi thời gian xoi mòn lâu hơn (để tạo ra bề mặt răng được xoi mòn tương tự thì acid maleic 10% cần thời gian ít nhất là 60 giây). Acid cùng với các khoáng chất hòa tan phải được rửa bằng nước trong 15 giây và làm khô bề mặt men bằng hơi. Sau khi làm khô, men sẽ có màu trắng, mờ.

Bề mặt này phải được giữ sạch và khô cho đến khi đặt composite. Việc tiếp xúc với nước bọt hoặc máu ngay sau đó cũng có thể ngăn cản sự hình thành đuôi nhựa và làm giảm nghiêm trọng độ bền của liên kết.
Tránh làm khô ngà răng
Nên tránh hút ẩm (làm khô quá mức) ngà răng. Sự hút ẩm có thể dẫn đến sự sụp đổ mạng lưới collagen (Hình 11.21A) hoặc mạng lưới tạo thành một lớp dày đặc dẫn đến các tác nhân liên kết khó thâm nhập.

Lưới collagen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp lai. Các monomer thâm nhập và vướng vào các sợi collagen của ngà răng đã khử khoáng trên bề mặt, tạo ra một lớp lai sau quá trình trùng hợp. Lớp lai cùng với các đuôi nhựa tạo thành cơ chế chính cho sự kết dính của composite với ngà răng. Sau khi làm khô men răng, ngà răng có thể được làm ẩm nhẹ bằng bông và sau đó thấm khô.

Chất dán men
Đây là những chất dán ra đời sớm nhất. Composite nhớt nên không liên kết tốt với lớp men xoi mòn. Chất dán men đã giúp cải thiện liên kết bằng cách chảy vào tất cả các lỗ rỗng của men được xoi mòn và tạo ra sự lưu giữ cơ học. (Những chất dán chỉ tương tác với men đã được thay thế bằng các tác nhân liên kết với cả men răng và ngà răng)
Thành phần
Chúng là loại nhựa không chất độn tương tự như phần nền của nhựa composite, được pha loãng bởi các monomer khác để giảm độ nhớt.
Độ bền dán
Độ bền liên kết với men nằm trong khoảng từ 16 MPa (230 Psi) đến 22 MPa (3200 Psi). Làm khô men bằng hơi ấm hoặc sử dụng chất cồn để rửa có thể làm tăng độ bền liên kết.
Hệ thống dán men/ngà
Thuật ngữ dán ngà răng không còn phù hợp nữa vì các chất dán hiện tại liên kết với cả men răng và ngà răng. Do sự xoi mòn acid, hiện tượng rò rỉ hoặc mất khả năng lưu giữ không còn là mối nguy hiểm ở bề mặt nhựa và men răng. Vấn đề nằm ở giao diện nhựa và ngà răng/xê măng. Vì vậy, cần có thêm các tác nhân có thể liên kết với ngà răng. Việc phát triển các tác nhân sẽ bám vào ngà răng khó khăn hơn vì
- Ngà không đồng nhất.
- Hàm lượng nước cao cản trở sự kết dính. Bản chất hình ống của nó cung cấp một bề mặt diện tích thay đổi.
- Sự hiện diện của một lớp mùn trên bề mặt ngà răng (Lớp mùn là lớp mảnh vụn bám chặt vào ngà răng và lấp đầy các ống sau khi tạo xoang). Lý tưởng nhất là chất kết dính nên có đặc tính ưa nước để làm ướt bề mặt, cho phép nó xâm nhập vào các lỗ rỗng trong ngà răng cũng như phản ứng với các thành phần hữu cơ / vô cơ.
Nhựa có tính kỵ nước, do đó, chất dán nên chứa cả phần ưa nước và kỵ nước. Phần ưa nước liên kết với canxi trong tinh thể hydroxyapatite hoặc với collagen. Phần kỵ nước liên kết với nhựa.
Các tác nhân dùng liên kết với ngà răng được sản xuất và chứa trong một hoặc nhiều chai có chứa chất xoi mòn/ primer/ và chất kết dính tùy thuộc vào thế hệ
Sự phát triển của chất dán ngà — các thế hệ khác nhau
Hệ thống dán trong nha khoa bắt đầu vào năm 1955 bởi Buonocore do sự tìm thấy lợi ích của việc xoi mòn acid. Với công nghệ thay đổi, chất dán nha khoa đã phát triển từ hệ thống không xoi mòn ngà thành total-etch (thế hệ thứ 4 và thứ 5) và sang hệ thống self-etch (thế hệ thứ 6, thứ 7 và thứ 8) và chi tiết của chúng được thể hiện trong bảng dưới. Mỗi thế hệ đã cố gắng giảm số lượng lọ, giảm thiểu số lượng bước, cung cấp các kỹ thuật sử dụng nhanh hơn và cải tiến hóa học để tạo điều kiện cho liên kết bền chặt hơn.


Thế hệ đầu tiên
Hệ thống dán thế hệ đầu tiên được tạo ra bởi Buonocore vào năm 1956, người đã chứng minh rằng nhựa dimethacrylate acid glycerophosphoric (NPG-GMA) sẽ liên kết với ngà răng được xoi mòn acid. Các chất dán này được thiết kế để liên kết ion với hydroxyapatite hoặc cho liên kết cộng hóa trị với collagen. Tuy nhiên, ngâm trong nước sẽ làm giảm độ bền dán này rất nhiều. Sau 9 năm, Bowen đã sử dụng một chất kết nối để khắc phục vấn đề này. Ông đã giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng NPG-GMA như một chất lót, nơi một đầu sẽ liên kết với ngà răng và đầu kia sẽ trùng hợp với nhựa composite. Nhìn chung, thế hệ này cho kết quả rất kém cũng như độ bền liên kết thấp trong khoảng 1–3 MPa.
Thế hệ thứ hai
Thế hệ thứ hai của chất dán ngà đã được giới thiệu vào cuối những năm 1970. Thế hệ thứ 2 chủ yếu sử dụng phosphate polyme hóa được thêm vào nhựa bis-GMA để thúc đẩy liên kết với canxi trong cấu trúc răng đã được khoáng hóa. Cơ chế liên kết bao gồm sự hình thành liên kết ion giữa các nhóm canxi và chlorophosphat. Liên kết ion này sẽ nhanh chóng bị phân hủy khi ngâm trong nước (nước bọt) và thậm chí cả nước trong chính ngà răng, và gây ra hiện tượng mất kết dính và hoặc hình thành microleakage. Lớp mùn vẫn không được loại bỏ, và điều này làm cho độ bền liên kết của thế hệ thứ 2 tương đối yếu và không đáng tin cậy . Lớp mùn gồm các mảnh vụn vô cơ còn sót lại trên bề mặt ngà răng do quá trình tạo xoang bằng tay khoan. Thế hệ này không còn được sử dụng nữa, chủ yếu là do các nỗ lực liên kết không thành công với lớp mùn. Độ bền liên kết: 4–6 Mpa.
Thế hệ thứ ba
Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, các chất dán thế hệ thứ ba đã được giới thiệu. Thế hệ thứ ba đã giới thiệu một thay đổi rất quan trọng: quá trình ăn mòn ngà răng bằng acid nhằm sửa đổi hoặc loại bỏ một phần lớp mùn. Điều này làm mở ống ngà và cho phép đặt một lớp lót sau khi rửa sạch hoàn toàn acid. Mặc dù phương pháp này đạt được độ kết dính cao hơn, nhưng nó vẫn được coi là gây tranh cãi vì có cảm giác rằng ngà răng không nên bị ăn mòn. Sau khi tạo lớp lót, một loại nhựa không chất độn sẽ được đặt trên cả ngà răng và men răng. Mối liên kết yếu của thế hệ này là do nhựa không thâm nhập vào lớp mùn một cách hiệu quả, theo Tao và cộng sự năm 1988.
Thế hệ thứ tư
Trong những năm 1980 và 1990, các chất dán thế hệ thứ tư đã được giới thiệu. Vật liệu thế hệ thứ tư là vật liệu đầu tiên loại bỏ hoàn toàn lớp mùn và vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng trong liên kết với ngà răng. Trong thế hệ này, ba thành phần chính (etchant, primer và bonding) thường được đựng trong các lọ riêng biệt và được dùng theo thứ tự. Khái niệm về kỹ thuật total-etch và độ ẩm ngà là dấu hiệu nhận biết của thế hệ thứ 4, trong đó ngà răng và men răng được xoi mòn cùng lúc với acid phosphoric (H3PO3) trong khoảng thời gian từ 15–20 giây. Tuy nhiên, bề mặt phải được giữ ẩm để tránh sự sụp đổ collagen. Việc dùng chất lót ưa nước có thể thâm nhập vào mạng lưới collagen tạo thành lớp lai. Lớp lai được hình thành do nhựa thâm nhập vào bề mặt ngà răng và men răng. Mục tiêu của lớp lai là tạo ra độ bền liên kết cao và bịt các ống ngà. Độ bền dán nằm trong khoảng từ thấp đến trung bình 20 MPa và giảm đáng kể rò rỉ ở bờ so với các hệ thống trước đó. Hệ thống này rất khó thực hiện và đòi hỏi một kỹ thuật xoi mòn có kiểm soát, tiếp theo là dùng hai hoặc nhiều chất khác trên cả men răng và ngà răng. Các hệ thống này rất hiệu quả khi được sử dụng đúng cách, được theo dõi lâm sàng lâu dài và linh hoạt nhất trong tất cả các loại chất dán, vì chúng có thể được sử dụng cho hầu hết mọi hình thức phục hồi (trực tiếp, gián tiếp, tự trùng hợp, trùng hợp kép hoặc quang trùng hợp). Các hệ thống này vẫn là tiêu chuẩn để đánh giá các hệ thống mới hơn. Tuy nhiên, các hệ thống này có thể gây lẫn lộn và tốn thời gian với rất nhiều lọ và các bước sử dụng. Do đó, các nha sĩ yêu cầu một hệ thống dán được đơn giản hóa.
Thế hệ thứ năm
Trong những năm 1990 và trong thập kỷ đang diễn ra, các hệ thống dán thế hệ thứ năm đã tìm cách đơn giản hóa quá trình dán từ thế hệ thứ 4. Ngoài ra, cần phải có một cách để ngăn chặn sự sụp đổ collagen của ngà răng và để giảm thiểu hoặc loại bỏ sự nhạy cảm sau khi trám. Vì vậy, phương pháp phổ biến nhất là “hệ thống 1 lọ” – kết hợp chất lót và chất dán thành một dung dịch đồng thời vẫn dùng 35 đến 37% acid phosphoric trong 15–20 giây. Loại keo etch and rinse này cho thấy sự liên kết cơ học giống với thế hệ thứ 4 và cho thấy các giá trị độ bền liên kết cao với ngà răng. Hệ thống kết dính này dễ bị thủy phân hơn theo thời gian so với thế hệ thứ tư. Điều này là do lớp lót có xu hướng ưa nước. Tuy nhiên, ở thế hệ thứ tư, lớp lót ưa nước được bao phủ bởi một lớp nhựa kỵ nước hơn nên ít hút nước hơn. Không phải tất cả các chất dán thế hệ thứ 5 đều tương thích với vật liệu trùng hợp kép, tự trùng hợp. pH thấp hơn của lớp bị ức chế bởi oxy, hoặc các monomer trong một số sản phẩm đơn giản, có tính acid quá cao và do đó khử hoạt hóa amin bậc ba trong vật liệu composite hóa trùng hợp (amin này là 1 tác nhân giúp giải phóng gốc tự do trong nhựa).
Một số nghiên cứu dài hạn chỉ ra rằng keo dán thế hệ thứ 5 đạt được độ kết dính lâm sàng cao. Tuy nhiên, liên kết giữa chất trám nhựa với ngà răng dễ bị thoái hóa bởi nước. Độ bền liên kết ngà răng là 3 đến 25 MPa.

Thế hệ thứ sáu
Các hệ thống liên kết thế hệ thứ sáu được giới thiệu vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 còn được gọi là “chất lót self-etch”, là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ. Thế hệ thứ sáu đã tìm cách loại bỏ bước xoi mòn hoặc đưa nó về mặt hóa học vào trong các bước khác:
- Chất lót self-etch + chất dán: 2 lọ – 2 bước: chất lót có tính acid được dùng trước, sau đó là chất dán
- Chất dán self-etch: 2 lọ – 1 bước: chất lót có tính acid và chất dán; mỗi lọ lấy 1 giọt, trộn rồi bôi lên răng.
- Sau đó, chất trám nhựa được phủ lên bề mặt răng.
Ưu điểm lớn nhất của thế hệ thứ sáu là hiệu quả của chúng dường như ít phụ thuộc vào trạng thái ẩm của ngà răng. Thật không may, những đánh giá đầu tiên cho thấy liên kết với ngà răng thì đủ nhưng liên kết với men răng kém hiệu quả hơn. Điều này có thể là do hệ thống thế hệ thứ sáu bao gồm một dung dịch acid có độ pH thấp, không đủ để xoi mòn men đúng cách. Để khắc phục vấn đề này, nên xoi mòn men trước bằng acid phosphoric truyền thống trước khi sử dụng. Tuy nhiên, những người sử dụng kỹ thuật này nên cẩn thận để chỉ giới hạn acid phosphoric trong men răng. Việc ăn mòn thêm ngà răng bằng acid phosphoric có thể tạo ra tình trạng “ăn mòn quá mức”, khử khoáng quá sâu để các lớp lót có thể thâm nhập hoàn toàn. Dữ liệu chỉ ra rằng chất dán thế hệ thứ 6 sẽ bám dính tốt vào ngà răng (41 MPa sau 24 giờ), liên kết với men răng yếu hơn ít nhất 25% so với hệ thống dán thế hệ thứ 4 và thứ 5. Một số bác sĩ lâm sàng có uy tín đã sử dụng thế hệ thứ 6 để liên kết với ngà răng sau khi xoi mòn men một cách chọn lọc.

Thế hệ thứ bảy
Thế hệ thứ bảy được giới thiệu vào cuối năm 1999 và đầu năm 2005. Thế hệ thứ bảy hoặc hệ thống self-etch một lọ thể hiện sự đơn giản hóa mới nhất. Với hệ thống này, tất cả các thành phần cần thiết nằm trong một lọ duy nhất. Điều này đơn giản hóa đáng kể quy trình dán vì có thể đạt được độ bền liên kết nhất quán trong khi loại bỏ hoàn toàn các lỗi thường gặp. Tuy nhiên, việc kết hợp tất cả các chất cần thiết cho vào một lọ và duy trì ổn định trong một khoảng thời gian hợp lý, đặt ra một thách thức đáng kể. Các chất dán có tính acid này có một lượng nước đáng kể và có thể dễ bị thủy phân và phân hủy hóa học. Hơn nữa, sau khi được polyme hóa, chúng thường ưa nước hơn hệ thống self-etch hai bước; tình trạng này làm cho chúng dễ bị hấp thụ nước, hạn chế độ sâu của nhựa thấm vào răng và tạo ra một số khoảng trống.
Ưu điểm của thế hệ này là không cần bất kỳ sự pha trộn nào và độ bền của liên kết là nhất quán. Tuy nhiên, thế hệ thứ bảy đã được chứng minh là có độ bền liên kết ban đầu và lâu dài thấp nhất so với bất kỳ loại keo dán nào trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, chúng có tính acid, và điều này đã được chứng minh là phản ứng bất lợi với hệ thống khơi mào composite.
Ví dụ bao gồm iBond (Heraeus Kulzer), G bond (GC), Xeno IV (Dentsply) (nền glass ionomer), Clearfil S3 (Curare). Tuy nhiên thiếu các nghiên cứu thiếu khoa học về tính hiệu quả của các hệ thống mới hơn này.

Thế hệ thứ tám
Vào năm 2010, voco America đã giới thiệu voco futurabond DC là chất dán thế hệ thứ 8, có chứa chất độn nano. Việc bổ sung các chất độn nano với kích thước hạt trung bình 12nm làm tăng khả năng thâm nhập của các monomer và tăng độ dày lớp lai, do đó cải thiện các tính chất cơ học của hệ thống liên kết. Chất dán nano là dung dịch chứa chất độn nano, tạo ra độ bền liên kết men răng và ngà răng tốt hơn, khả năng hấp thụ ứng suất và thời hạn sử dụng lâu hơn. Người ta quan sát thấy rằng các chất dán có chất độn tạo ra độ bền liên kết in vitro cao hơn. Những chất dán tự xoi mòn này có một monomer ưa nước có tính acid và có thể dễ dàng sử dụng trên lớp men xoi mòn sau khi bị nhiễm nước bọt hoặc hơi ẩm. Loại chất độn nano và phương pháp kết hợp các hạt này ảnh hưởng đến độ nhớt kết dính và khả năng thâm nhập của monomer nhựa vào không gian sợi collagen. Chất độn nano, với kích thước lớn hơn 15–20 nm hoặc hàm lượng hơn 1,0 phần trăm trọng lượng đều có thể làm tăng độ nhớt của chất dán và có thể gây ra sự tích tụ của chất độn trên lớp bề mặt ẩm. Các cụm này có thể hoạt động như các lỗ hổng có thể tạo ra các vết nứt và làm giảm độ bền của liên kết.
Hệ thống dán Universal
Một trong những điểm mới gần đây là sự ra đời của chất dán universal, đã được sử dụng từ năm 2011 trong thực hành lâm sàng. Các sản phẩm mới này được gọi là chất dán “đa chế độ” hoặc “đa mục đích” vì chúng có thể được sử dụng làm chất dán tự xoi mòn (SE), chất dán xoi mòn và rửa (ER) hoặc như chất dán SE trên ngà răng và ER trên men (thường được gọi là “xoi mòn men chọn lọc”).
Một trong những nhược điểm chính của chất dán SE là chúng không có khả năng xoi mòn men răng như axit photphoric, gây ra tỷ lệ đổi màu rìa miếng trám do độ axit thấp hơn của chúng. Sự suy thoái của chất dán SE cũng được cho là do hàm lượng axit của nó làm tăng tính ưa nước của lớp dán và dẫn đến hút nước. Vì vậy, hiệu suất lâu dài của chất dán một bước kém hơn, đặc biệt là khi so sánh với phương pháp ER ba bước tiêu chuẩn vàng. Để khắc phục điểm yếu của các thế hệ keo dán SE một bước trước đây, các loại keo dán universal đã được phát triển cho phép xoi mòn men trước bằng axit photphoric trong phương pháp total etch hoặc etch-selective để đạt được liên kết men tốt nhất.
Thành phần của chất dán đa năng khác với các hệ thống SE hiện tại bởi sự kết hợp của các monome có khả năng tạo ra liên kết hóa học và vi cơ với răng. Hầu hết các chất dán này đều chứa các monome cacboxylat và/hoặc photphat đặc biệt, liên kết ion với canxi trong hydroxyapatit, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả liên kết. Tất cả các chất dán universal đều sử dụng các este photphat (R-O-PO3H2) làm monome chức năng. Trên thực tế, các este photphat tạo thành xương sống của hầu như tất cả các hệ thống universal hiện nay và cho phép chúng làm được nhiều việc. Các monome này có nhiều đặc tính tích cực, bao gồm khả năng liên kết hóa học với kim loại, zirconia, và với các mô răng thông qua việc hình thành các muối Ca++ không hòa tan. Ngoài ra, bản chất axit của chúng (chúng là các este của axit photphoric) mang lại cho chúng tiềm năng xoi mòn và khử khoáng các mô răng, điều này khiến chúng trở thành lựa chọn tốt để sử dụng trong các chất kết dính tự xoi mòn, xoi mòn chọn lọc, total etch. Este phosphat này là chất được sử dụng trong công thức của nhiều chất dán phổ biến hiện nay, đã thực sự được tổng hợp cách đây hơn 30 năm. Vào đầu những năm 1980, các nhà hóa học tại Kuraray (Osaka, Nhật Bản) đã tổng hợp monome chức năng kết dính 10-MDP (methacryloyloxy-decyl-dihydrogen-phosphate). Một trong những ứng dụng thực tế đầu tiên của monome mới này là việc sử dụng nó trong xi măng nhựa Panavia ™ của công ty. Panavia tỏ ra đặc biệt tốt trong việc liên kết với kim loại, và thành công của nó đã dẫn đến việc sử dụng monome MDP trong hầu như tất cả các chất kết dính Kuraray sau này. 10-MDP có nhiều thuộc tính tích cực khiến nó trở nên phù hợp để sử dụng trong chất kết dính đa năng. Nó là một monome chức năng lưỡng tính đa năng với một đầu là nhóm methacrylate kỵ nước (có khả năng liên kết hóa học với các chất trám và xi măng nền methacrylate) và đầu kia là nhóm photphat phân cực ưa nước (có khả năng liên kết hóa học với mô răng, kim loại, và zirconia). Chỉ riêng thuộc tính này đã khiến nó được sử dụng trong chất kết dính “universal”. Hơn nữa, chuỗi carbon dài của monome khiến nó khá kỵ nước. 10-MDP là chất kỵ nước nhất trong số tất cả các monome chức năng thường được sử dụng trong chất kết dính nha khoa. Điều này có thể quan trọng về tính bền, vì sự thủy phân của bề mặt dán theo thời gian được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố liên kết. Nó có ý nghĩa rằng, một khi chúng được trùng hợp, các monome kết dính ngăn cản sự hấp thu của nước. Bản chất kỵ nước của 10-MDP cũng làm cho nó tương đối ổn định trong dung dịch, điều này quan trọng về thời hạn sử dụng. Ngoài ra, 10-MDP là một trong số ít monome được sử dụng trong nha khoa dán đã được chứng minh là thực sự liên kết hóa học với các mô răng thông qua liên kết ion với canxi có trong hydroxyapatite (Ca10 [PO4] 6 [OH] 2). Các muối MDP-canxi ổn định được hình thành trong quá trình phản ứng và lắng đọng trong các lớp nano tự hình thành với các mức độ và chất lượng khác nhau tùy thuộc vào hệ thống kết dính. Loại tương tác phân tử và tự tổ chức này, cùng với bản chất tương đối kỵ nước của 10-MDP được polyme hóa, giúp giải thích tại sao monome này tỏ ra rất hiệu quả trong việc tạo ra các bề mặt kết dính có khả năng chống phân hủy sinh học (J. Oxman, nhà hóa học, 3M ESPE, Personal Communication). Khi bằng sáng chế của Kuraray về 10-MDP hết hạn (khoảng năm 2003) các nhà sản xuất khác bắt đầu khám phá tiềm năng của nó. Vào tháng 10 năm 2009, Bisco, Inc. đã giới thiệu một loại chất lót zirconia chuyên dụng, Z-Prime ™, sử dụng sự kết hợp của 10-MDP và biphenyl dimethacrylate (BPDM) trong công thức của nó (C. Suh, Bisco, Inc., Personal Communication). Việc sử dụng secondary ion mass spectrometry (SIMS) tại Đại học Northwestern đã cho thấy bằng chứng về liên kết hóa học thực tế giữa 10-MDP trong Z-Prime và zirconia và sản phẩm đã nhận được đánh giá rất tốt để sử dụng làm chất lót chuyên dụng cho zirconia. Hai năm sau khi giới thiệu Z-Prime, 3M ESPE đã giới thiệu chất dán “universal” đầu tiên (Scotchbond Universal), loại keo này cũng sử dụng 10-MDP trong công thức của nó (J. Fundingsland, 3M ESPE, Personal Communication). Sản phẩm này được tiếp nối ngay sau đó bởi Bisco’s All-Bond Universal®, cũng có monomer 10-MDP. Ngoài 10-MDP, các este phốt phát khác như PENTA-P (dipentaerythritol penta acrylate monophosphate) và GPDM (glycero-phosphate dimethacrylate) cũng có vẻ là những lựa chọn thay thế khả thi.
Chỉ định sử dụng chất dán
1. Để kết dính composite vào cấu trúc răng.
2. Liên kết composite với sứ và các kim loại khác nhau như amalgam, hợp kim.
3. Giảm độ nhạy cảm của bề mặt ngà hoặc chân răng bị lộ ra ngoài.
4. Kết dính với veneers sứ.
Chống chỉ định: Việc dán keo không nên thực hiện ngay sau khi tẩy trắng răng. Bạn nên đợi ít nhất một tuần sau quy trình này.
Nguồn:
- Manappallil, J. J. (2016). Basic dental materials. Jaypee.
- Migliau, G. (2017). Classification review of DENTAL ADHESIVE systems: From the IV generation to the universal type. Annali Di Stomatologia, 8(1), 1. https://doi.org/10.11138/ads/2017.8.1.001
- Alex, Gary. (2015). Universal Adhesives: The Next Evolution in Adhesive Dentistry?. Compendium. 36.