1. Tóm tắt
Mỗi lần nha sĩ đặt implant, một loạt các quyết định được đưa ra liên quan đến việc lựa chọn implant. Trong đó, cấu trúc implant vĩ mô và vi mô thì được quyết định bởi các nhà sản xuất. Có các biến số liên quan đến bệnh nhân như giải phẫu, ý định phục hình, thời gian chịu lực, khoảng phục hình và các yếu tố quan trọng khác. Các tiêu chí liên quan đến nha sĩ như sở thích về thương hiệu, chi phí, kinh nghiệm, trình độ học vấn, tiếp xúc với thị trường và số lượng implant có sẵn trong kho cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn.
Sự khác biệt giữa các implant bao gồm hình dạng, kiểu ren, thiết kế xuyên niêm mạc và kết nối phục hình, cùng nhau tạo nên thiết kế vĩ mô của chúng. Mỗi yếu tố này có thể được thiết kế để tác động đến các hiệu suất lâm sàng khác nhau của implant như độ ổn định ban đầu, độ ổn định của xương mào, độ bền gãy của implant, lựa chọn abutment, khả năng triển khai quy trình làm việc kỹ thuật số, yêu cầu ghép xương và tính thẩm mỹ. Kết cấu, thành phần và xử lý bề mặt cũng làm thay đổi các tùy chọn implant nhưng được coi là thiết kế vi mô nên không được đưa vào bài đánh giá này.
Phân loại và phân tích các đặc điểm thiết kế của implant sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng ưu tiên và lựa chọn các đặc điểm thiết kế mà tạo điều kiện thuận lợi trong từng tình huống lâm sàng. Các bác sĩ nên biết về các lựa chọn và, khi có thể, nên cố gắng lựa chọn implant phù hợp nhất cho từng chỉ định cụ thể để tối ưu hóa hiệu quả và kết quả. Cần phải nhận ra rõ ràng rằng việc lựa chọn implant riêng lẻ sẽ không đảm bảo thành công cũng như không gây ra thất bại nếu không có các cân nhắc phẫu thuật và phục hình khác. Bài báo này sẽ xem xét các đặc điểm thiết kế vĩ mô và đề xuất các hướng dẫn lâm sàng để lựa chọn implant phù hợp.
2. Giới thiệu
Implant là một lựa chọn điều trị có thể dự đoán được để thay thế răng đã mất theo quan điểm chức năng và thẩm mỹ (Jung et al. 2012; Jung et al. 2018). Thị trường implant đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong những thập kỷ qua. Các thương hiệu mới, vật liệu và thiết kế khác nhau, mỗi loại đều có mục tiêu thành công lâu dài. Osseosource.com (www.osseosource.com) theo dõi hàng trăm nhà sản xuất implant với hơn 2.000 thiết kế implant được sản xuất trên toàn thế giới (Jokstad & Ganeles 2018).
Quá trình tích hợp xương đòi hỏi implant phải được cố định đủ chặt trong xương để các quy trình điều hòa cytokine và tế bào phức tạp được diễn ra tại bề mặt implant. Thiết kế implant là yếu tố cơ học sinh học được hiểu kỹ và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (Terheyden và cộng sự 2012; Albrektsson và cộng sự 1981). Các thiết bị này được sản xuất để tối ưu hóa thành công lâm sàng, tập trung vào việc tăng cường sự ổn định ban đầu, ổn định mào xương, tối ưu hóa kết quả lâm sàng, thẩm mỹ và giảm yêu cầu ghép xương. Cũng cần phải thừa nhận rằng nhiều tính năng khác nhau được tích hợp vào nhiều loại implant có thể chỉ liên quan đến tiếp thị và định hướng kinh doanh, thay vì dựa trên bằng chứng.
Nhiều hình dạng và thiết kế implant khác nhau đã được sản xuất và được nghiên cứu trong tài liệu. Các biến thể giữa các thiết kế bao gồm phương pháp kết nối abutment, chuyển tiếp chuyển bệ so chuyển tiếp phẳng, ngang xương so với ngang mô, thiết kế thuôn so với hình trụ, mẫu ren và những thứ khác (Abuhussein et al. 2010; Atieh et al. 2018; Jung et al. 2018). Tuy nhiên, việc lựa chọn implant cho từng trường hợp kết hợp nhiều hơn các tiêu chí liên quan đến implant. Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân hoặc vị trí như thời điểm đặt implant, giao thức chịu lực, vùng thẩm mỹ hoặc không thẩm mỹ, giải phẫu mô cứng và mô mềm, khoảng phục hình, tính khả dụng của các thành phần phục hình và phục hình một hoặc nhiều răng ảnh hưởng đến việc lựa chọn thiết kế implant cụ thể. Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật cũng là một yếu tố quyết định quan trọng. Các bác sĩ lâm sàng nên biết các đặc điểm thuận lợi và bất lợi của từng thiết kế implant để lựa chọn nhằm tăng khả năng thành công của điều trị. Bài viết này tập trung vào các đặc điểm thiết kế macro của implant kim loại.
3. Implant thuôn so với song song
Việc lập kế hoạch phục hình implant thường đòi hỏi phải đối diện với giải phẫu đầy thách thức. Việc đặt implant có thể bị hạn chế bởi các cấu trúc quan trọng liền kề như chân răng, ống TK xương hàm dưới và lỗ cằm, động mạch lưỡi và xoang hàm trên. Hơn nữa, các biến thể giải phẫu tự nhiên như lõm mặt ngoài hoặc lõm mặt lưỡi ở ổ răng có thể hạn chế xương có sẵn để đặt implant. Xương có thể bị hạn chế thêm do tiêu xương ổ sau bệnh nha chu, bệnh lý quanh chóp do hoại tử tủy và phá hủy ổ răng hoặc tiêu xương ổ răng liên quan đến mất răng. Các hạn chế về vị trí implant do các cấu trúc giải phẫu liền kề nhấn mạnh đến nhu cầu lập kế hoạch implant trước phẫu thuật phù hợp. Implant có khả năng tồn tại lâu dài tốt nhất khi có ít nhất 1,5-2,0 mm xương sống bao quanh implant, đảm bảo duy trì mô cứng và mô mềm lâu dài (Monje và cộng sự, 2019).
Có một số lựa chọn để tối đa hóa xương ổ răng có sẵn trong khi giảm thiểu nhu cầu ghép xương cũng như tránh làm hỏng các cấu trúc tại chỗ. Trong số đó, các bác sĩ lâm sàng có tùy chọn đặt implant hình trụ so với hình nón để tránh va chạm với các cấu trúc quan trọng hoặc implant liền kề. Một trong những phương pháp cơ bản hơn để phân loại thiết kế implant là hình dạng của thành ngoài implant là song song (còn gọi là hình trụ) hoặc hình nón. Người ta ước tính rằng có hơn 500 nhà sản xuất implant tạo ra khoảng 4.000 nhãn hiệu implant với nhiều thiết kế khác nhau. Không có trang web theo dõi cụ thể hoặc cơ quan tổ chức nào đăng ký các sản phẩm này. Một trong những trang web cung cấp nhiều thông tin nhất là Osseosource.com, đây là một trang web độc lập tập trung vào việc theo dõi các sản phẩm implant nha khoa. Trang web này liệt kê 1.990 nhãn hiệu và kiểu implant khác nhau. Trong số đó, 1.082 nhãn hiệu có hình trụ (thành song song) và 908 nhãn hiệu có hình nón. Để rõ ràng hơn, Jokstad & Ganeles (2018) gợi ý rằng “Một implant nha khoa thuôn, thường được gọi là ‘hình nón’ […] có thể nhận dạng được bằng cách thể hiện một số điểm hội tụ của thành ngoài implant về phía chóp của thân implant…”
Trong khi hầu hết các implant nha khoa ban đầu được sản xuất đều có hình trụ, thì trong những thập kỷ gần đây đã có xu hướng hướng tới các thiết kế thuôn hơn (Hình 1). Các thiết kế thuôn có thể cung cấp các giá trị mô-men đặt implant và giá trị tần số cộng hưởng (RFA) cao hơn ở các vị trí xương tiêu chuẩn so với các implant hình trụ có kích thước tương tự theo các quy trình khoan tiêu chuẩn (Toyoshima và cộng sự, 2015; Atieh và cộng sự, 2018). Về mặt lý thuyết, đây là một đặc tính hấp dẫn của các implant này đối với các vị trí có mật độ xương thấp. Martinez và cộng sự (2001) đề xuất rằng hình nón có thể giúp các implant trong xương chất lượng kém có độ ổn định tốt hơn để đạt được sự tích hợp xương đáng tin cậy hơn. Y văn không trực tiếp hỗ trợ cho lý thuyết này và không có lợi thế nào đối với thiết kế implant hình trụ hoặc thuôn được chứng minh liên quan đến sự thành công của implant với các giao thức tải thông thường (Jokstad & Ganeles, 2018; Waechter và cộng sự, 2017).

Các giao thức chịu lực sớm và tức thì đòi hỏi mô-men đặt implant cao và giá trị RFA để đạt được sự tích hợp xương thành công (Esposito và cộng sự, 2007, Gallucci và cộng sự, 2018). Phát hiện rằng các implant thuôn cung cấp các giá trị cao hơn cho thấy rằng chúng thường phù hợp hơn với chỉ định lâm sàng này so với các implant hình trụ (Gehrke và cộng sự, 2015). Cần phải thừa nhận rằng chịu lực sớm và tức thì thành công đã được chứng minh với cả implant hình trụ và thuôn, cho thấy rằng trong khi implant thuôn có thể mang lại lợi thế trong trường hợp này, thì chúng không phải là yếu tố cần thiết để thành công (Nicolau và cộng sự, 2013; Kim và cộng sự, 2013). Hai bài đánh giá có hệ thống gần đây (Arieh và cộng sự, 2018; Jokstad & Ganeles, 2018) chỉ ra các yếu tố khác có ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như chất lượng và số lượng xương, và việc khoan xương cũng có thể đóng một vai trò. Các đặc điểm bề mặt implant cũng ảnh hưởng đến sự thành công trong chịu lực sớm và tức thì (El Kholy và cộng sự, 2019).
Các yếu tố thực tế khác có thể liên quan đến việc quyết định giữa implant hình nón và implant hình trụ. Ở hầu hết bệnh nhân và hầu hết các răng, thân răng lâm sàng rộng hơn về phía gần xa và phía ngoài trong so với ở chóp. Hầu hết xương hàm trên và xương hàm dưới hội tụ về phía chóp, tại đó cung vẽ qua các mặt thân răng có chu vi lớn hơn cung vẽ qua chóp. Điều này thường có nghĩa là có thể tích xương lớn hơn ở phía thân so với phía chóp. Do đó, implant hình trụ được đặt vào một gờ xương thon có khả năng xuyên thủng một mảng xương phía ngoài ở chóp cao hơn so với implant hình nón có cùng chiều dài và kích thước thân (Hình 2 và 3).


Trong các khoảng kẽ răng chật hẹp, thiết kế thuôn cung cấp biên an toàn lớn hơn khi đặt implant gần chân răng hiện có (Hình 4). Tương tự như vậy, khi đặt implant nghiêng, sử dụng implant thuôn cho phép tận dụng tối đa xương có sẵn, trong khi implant hình trụ cần phải ngắn hơn để tránh va chạm với răng khác (Hình 5).

Implant hình nón và hình trụ khác nhau về cách chúng siết chặt vào các lỗ khoan xương. Các implant hình trụ gắn vào tấm vỏ xương và luồn vào vị trí dọc theo một khoang song song được chuẩn bị bằng mũi khoan. Giả sử lỗ cắt xương hơi mở rộng quá mức (như thường xảy ra) thì điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật linh hoạt điều chỉnh chiều cao implant bằng cách xoay implant sâu hơn hoặc nông hơn vào lỗ khoan xương mà không làm thay đổi đáng kể mô-men đưa vào hoặc RFI. Các implant thuôn thường được đặt vào các lỗ khoan hình nón để chúng vừa khít hơn với lỗ khoan xương và ít có thể điều chỉnh độ sâu hơn mà không mất độ ổn định (đặt nông hơn) hoặc nén xương (đặt sâu hơn) (Hình 6). Ngoài ra, nếu xảy ra tình trạng nén xương quá mức, chủ yếu xảy ra với các implant thuôn, quá trình lành thương chậm lại, có thể xảy ra tình trạng mất xương, gãy xương hoặc gãy implant (Hình 7) (Tabassum et al. 2011, Jimbo et al. 2014; Barone et al. 2016).

Một lợi ích ngẫu nhiên của việc đặt sâu hơn trong đường cắt xương đối với implant thuôn là chúng dẫn đến việc đặt chính xác hơn trong quá trình phẫu thuật có hướng dẫn tĩnh so với implant hình trụ (El Kholy và cộng sự, 2019). Điều này đúng trong mọi chiều đo lường bao gồm vị trí body và độ lệch góc. Các tác giả suy đoán rằng thiết kế vĩ mô của implant có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của quy trình.
4. Mẫu ren
Các ren implant có một số chức năng trong nha khoa implant. Chúng hướng dẫn implant vào đúng vị trí và cung cấp sự ổn định ban đầu, kết nối implant với xương xung quanh lỗ cắt xương. Kết hợp với hình dạng implant và các thông số cắt xương, chúng ảnh hưởng đến môi trường vi mô xương ban đầu bằng cách truyền lực, độ căng và lực nén đến xương mào và xương tủy. Chúng có thể tạo ra các vi buồng (khoảng rỗng chứa đầy máu) bên trong xương ổ răng để thúc đẩy quá trình hình thành xương (Gehrke và cộng sự, 2014). Khi các implant được tích hợp hoàn toàn, chúng có thể hỗ trợ duy trì các điều kiện cân bằng nội môi bằng cách hướng lực nhai vào xương xung quanh (Abuhussein và cộng sự, 2010). Các mẫu ren implant có thể được mô tả theo thuật ngữ kỹ thuật áp dụng cho mô tả về vít. Bao gồm hình dạng ren- thread geometry, góc mặt – face angle, bước ren – thread pitch, độ sâu ren – thread depth và độ xoắn ren – thread helix (Hình 8) (Geng et al. 2004). Có thể tìm thấy giải thích chi tiết về thiết kế ren trong Abuhussein et al. (2010).

Các mẫu ren xâm lấn (ren sâu, bước ren rộng, có thể kết hợp với thân hình côn) cũng đã được nghiên cứu để tăng độ ổn định ban đầu. Ngay cả khi có bằng chứng hạn chế về hiệu quả dài hạn, các đặc điểm này có thể có giá trị đối với các giao thức tải tức thì hoặc sớm vì chúng làm tăng tiếp xúc xương với implant do diện tích bề mặt lớn hơn (Gehrke và cộng sự 2015; McCullough & Klokkevold 2017). Abuhussein và cộng sự (2010) đã báo cáo những phát hiện tương tự. Các tác giả quan sát thấy rằng chất lượng xương tốt, implant dài hoặc có đường kính rộng, nhiều ren hơn, bước ren nhỏ hơn, ren sâu và góc xoắn ren giảm nên được sử dụng để tăng độ ổn định ban đầu. Các chiến lược thiết kế này có liên quan đến việc tăng bề mặt implant tiếp xúc với xương.
Tương tự như vậy, nếu implant trong điều kiện có ít xương, chẳng hạn như implant tức thì hoặc sớm, thì việc tăng diện tích bề mặt chóp của implant về mặt logic sẽ cải thiện khả năng của bác sĩ phẫu thuật trong việc đạt được sự ổn định ban đầu và ghép đồng thời xung quanh implant. Hình 9 cho thấy một tình huống lâm sàng trong đó việc implant sớm được lên kế hoạch khoảng 6 tuần sau khi nhổ răng, cho phép mô mềm lành lại, nhưng xương ổ răng hầu như chưa lành. Giao thức điều trị này được ghi chép đầy đủ để cung cấp kết quả thẩm mỹ ổn định lâu dài nhưng yêu cầu implant phải được cấy với độ ổn định ban đầu đủ (Chappuis và cộng sự, 2018).

5. Kết nối Implant/Abutment
Ba kết nối implant khác nhau đã được mô tả trong y văn với các đặc tính sinh học và cơ học khác nhau: ngoài, trong và hình nón. Kết nối ngoài thường là một hình lục giác tiêu chuẩn ngoài (EH) trên platform implant, nơi abutment kết nối. Các kết nối trong bao gồm nhiều hình thái bên trong khác nhau bao gồm hình lục giác trong [IE], hình bát giác trong và hình ba thùy trong. Các đặc điểm bên trong này thường được tạo ra bằng kết nối trong song song hoặc hình nón (Hình 10) (Caricasulo et al. 2018).

Các kết nối ngoài là thiết kế ban đầu cho các implant tích hợp xương được Brånemark giới thiệu như một phương pháp đưa và siết chặt implant vào lỗ khoan xương. Chúng có một hình lục giác ngoài ở phần cổ kết nối với abutment (Hình 11a). Với thiết kế này, vít chịu nhiều tải hơn vít của kết nối trong và có nhiều khả năng bị lỏng vít và biến chứng sinh học hơn. Vì kết nối này phụ thuộc nhiều vào vít nên abutment cho thấy nhiều chuyển động hơn so với abutment trong kết nối trong. Điều này dẫn đến khe hở lớn hơn, nơi bị vi khuẩn xâm chiếm. Những implant này dễ bị mất xương, đặc biệt là khi được đặt dưới mào xương (Koutouzis 2019). Điều này làm cho thiết kế implant này ít thuận lợi hơn cho dạng nhịp vói không được nẹp trong một cung đầy đủ.

Các kết nối trong được phát triển để giảm thiểu những biến chứng. Thiết kế phổ biến nhất là thiết kế trong hình lục giác, nơi một abutment có thành song song được kết nối vào một hình lục giác bên trong implant, để tránh ma sát giữa các thành phần (Hình 11b) (Koutouzis 2019). Điều này dẫn đến việc truyền ít tải lực hơn đến vít, ngay cả khi đường kính implant giảm. Điều này bảo vệ xương ở vai implant khỏi chuyển động vi mô của abutment, về mặt lý thuyết hỗ trợ duy trì xương và giảm tần suất lỏng vít.
Các kết nối trong hình nón là một sự phát triển của thiết kế để giảm rò rỉ vi mô do các khe hở nhỏ trong giao diện implant-abutment, cũng như các chuyển động vi mô trong quá trình chịu lực. Giao diện thuôn giữa trụ implant và abutment tạo ra độ ma sát cao, tạo ra kết nối ổn định (Hình 11c-d) (Zipprich và cộng sự, 2018). Tính ổn định rất quan trọng đối với các kết nối vì chuyển động nhìn thấy ở mức abutment, bất kể kích thước khe hở nhỏ, đều ảnh hưởng đến tính ổn định của xương mào (Hermann và cộng sự, 2001 a). Một nghiên cứu trước đây cho thấy mất xương viền ít hơn khi sử dụng các kết nối trong hình nón (Gultekin và cộng sự, 2013). Kết nối này dường như cũng phân tán tải tốt hơn tại giao diện implant/abutment, giúp giảm tỷ lệ biến chứng như lỏng hoặc gãy vít (Caricasulo và cộng sự, 2018).
Ngoài kết nối implant-abutment, đường kính của abutment cũng là chủ đề nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây. Các abutment implant lục giác ngoài chuyển tiếp phẳng (PM) và abutment phục hình được sử dụng làm thiết kế ban đầu trong nha khoa implant. Y văn đã biết rõ rằng sau khi đặt implant, quá trình tiêu xương sẽ xảy ra để thiết lập khoảng sinh học thích hợp (Berglundh & Lindhe 1996; Hermann và cộng sự 2001 b). Quá trình tái tạo xương mào xương này được gọi là “saucerization” (Hình 12), trong đó ngang xương viền được ổn định ở mức 1,5-2 mm bên dưới mối nối implant-abutment (Albrektson và cộng sự 1986). Khe hở siêu nhỏ giữa implant và abutment bị vi khuẩn xâm chiếm và do gần xương nên có thể dẫn đến mất xương (Hình 13a, c và e) (Hermann và cộng sự 2001a; Hermann và cộng sự 2001 b; Koutouzis 2019). Khái niệm chuyển tiếp chuyển bệ (PS) lần đầu tiên được Lazzara & Porter (2006) giới thiệu một cách tình cờ và dường như bảo tồn xương viền quanh implant trong implant lục giác ngoài. Nó dựa trên lý thuyết cho rằng việc sử dụng platform implant có đường kính lớn hơn abutment tương ứng sẽ cung cấp không gian ngang cho chiều rộng sinh học, làm giảm sự tiêu xương theo chiều dọc (Hình 13b, d và f). Nó cũng sẽ dịch chuyển khe hở nhỏ và tình trạng viêm về phía giữa, ra khỏi xương và phân phối ứng suất cơ sinh học về phía trục trung tâm của implant (Maeda và cộng sự 2007). Có nhiều đánh giá có hệ thống so sánh PM và PS ở ngang xương viền quanh implant hỗ trợ cho lý thuyết này, với implant PS cho thấy mất xương viền ít hơn (marginal bone loss – MBL) (Annibali và cộng sự 2012; Monje & Pommer 2015; Strietzel và cộng sự 2015; Caricasulo và cộng sự 2018). Theo hầu hết các tài liệu hiện tại, sự kết hợp giữa kết nối hình nón với chuyển tiếp chuyển bệ là có lợi nhất cho sự ổn định sinh học và cơ học.


Khi đặt các implant gần nhau trong vùng thẩm mỹ, sự hiện diện của gai nướu là mối quan tâm chính. Các kết nối implant và kích thước platform có tác động trực tiếp đến các kết quả thẩm mỹ này (Ramanauskaite và cộng sự 2018). Tarnow và cộng sự (2000) đã đánh giá tác động của khoảng cách giữa các implant đến chiều cao của đỉnh xương giữa các implant bằng cách đặt implant EH với PM. Các tác giả báo cáo rằng các implant được đặt với khoảng cách giữa các implant ≤ 3 mm cho thấy mất xương mào (chiều cao) nhiều hơn vì thành phần nằm ngang của quá trình saucerization của mỗi implant chồng lên nhau. Và tệ hơn, khi chiều cao của xương mào giảm, chiều cao của gai nướu cũng giảm, dẫn đến “hình tam giác đen” (Hình 14a-c). Các nghiên cứu với implant PS đã chỉ ra nguy cơ mất xương kẽ thấp hơn và kết quả có thể dự đoán được hơn khi đặt các implant gần nhau ở vùng thẩm mỹ (Hình 15a-d) (Rodríguez-Ciurana và cộng sự 2009; Levine và cộng sự 2021). Rivara và cộng sự (2020) đã báo cáo rằng các implant gần nhau ở vùng răng cối nhỏ cho thấy không có sự khác biệt giữa khoảng cách giữa các implant là 2 mm và 3 mm đối với kết quả lâm sàng, chụp X-quang và thẩm mỹ khi sử dụng platform chuyển bệ ở tháng thứ 12. Do đó, khi đặt implant gần nhau ở vùng phía trước, kết nối hình nón với chuyển tiếp chuyển bệ nên là lựa chọn đầu tiên. Ở phía sau, có nhiều khả năng đạt được khoảng cách giữa các implant > 3 mm, bảo tồn xương giữa các răng và gai nướu với implant không phải PS (Hình 16).



6. Ngang xương/Ngang mô
Một đặc điểm phân biệt chính giữa các thiết kế macro implant là ngang mô (TL) so với ngang xương (BL). Với implant TL, có một cổ giúp di chuyển khe hở vi mô hơn 1,5 mm so với mào xương. Implant ngang xương được thiết kế để đặt ở ngang hoặc dưới đỉnh xương ổ răng (Buser và cộng sự 1997; Sasada & Cochran 2017).
Các implant ở ngang mô và ngang xương chuyển tiếp chuyển bệ với các kết nối hình nón cho thấy tình trạng mất xương viền (MBL) tương tự nhau theo thời gian (Vouros et al. 2012; Vianna et al. 2018).
Các nghiên cứu về ngang xương và ngang mô cho thấy abutment ít bị lỏng hơn với TL so với implant BL (Levine et al. 2002; Levine et al. 2007). Về lý thuyết, điều này là do cổ ngang mô chấp nhận các lực lệch trục và phân phối chúng lên bề mặt rộng hơn, giải phóng kết nối trong và preload của vít.
Khi lập kế hoạch đặt implant ở vùng thẩm mỹ, implant ở ngang xương có thể có lợi (Hình 17a-b) vì tính linh hoạt cao hơn với các thành phần phục hình và các tùy chọn quản lý mô. Do không có cổ xuyên niêm mạc, implant BL có chuyển bệ có thể được đặt ở các vị trí dưới mào xương, cho phép kiểm soát tốt hơn emergence của mô mềm và tính thẩm mỹ (Linkevicius và cộng sự 2015). Một số nghiên cứu dài hạn cho thấy kết quả thẩm mỹ tốt hơn một chút đối với implant BL so với implant TL (Buser và cộng sự 2013; Buser và cộng sự 2014; Zhao và cộng sự 2016; Siebert và cộng sự 2018; Meijndert và cộng sự 2020). Điều này cũng có thể được giải thích vì độ trong của mô cho phép cổ lộ ra qua niêm mạc (Hình 18a-b) tương tự như cách màu abutment có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của nướu (Jung và cộng sự 2007; Jung và cộng sự 2008). Với nướu dày, khỏe mạnh, implant TL có thể được phục hình với tính thẩm mỹ tuyệt vời (Hình 19a-c). Cả hai loại implant đều cho thấy độ ổn định xương tương tự nhau ở vùng thẩm mỹ (Chappuis et al. 2016).


Ở răng sau, implant TL có thể được sử dụng thường xuyên hơn vì tính thẩm mỹ thường không quá quan trọng (Hình 20a-b). Derks và cộng sự (2016) và Rokn và cộng sự (2017) đã chỉ ra rằng, trong quá trình theo dõi dài hạn, implant có ranh giới phục hình cách mào xương > 1,5 mm ít bị viêm quanh implant hơn so với implant ngang xương. Implant ngang mô có thể có những ưu điểm khi dự kiến sẽ có ứng suất cao, chẳng hạn như phục hình vói hoặc tỷ lệ mão răng/implant cao do chúng phân bổ lực tốt hơn (Chang et al. 2013).

Implant ngắn thường được sử dụng ở phía sau để tránh ống TK xương hàm dưới và xoang hàm trên. Việc bảo tồn xương mào đặc biệt quan trọng đối với implant ngắn vì chiều dài và diện tích bề mặt hạn chế của chúng. Chúng không thể chịu được “sự biến dạng” hoặc mất 1-2 mm xương hỗ trợ. Implant được thiết kế để bảo tồn xương mào nên được sử dụng trong những tình huống này (Hình 21).

Implant ngang xương cũng thành công ở các vùng răng sau. Trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như khoảng cách giữa các răng hạn chế hoặc gần xoang hàm trên, những implant này có thể có lợi thế. Việc không có cổ xuyên niêm mạc cho phép các bác sĩ lâm sàng đặt các implant gần nhau vào các khoảng trống nhỏ hơn (Hình 22a-b). Những implant này có thể chấp nhận sự khác biệt lớn hơn về góc, tránh các cấu trúc giải phẫu quan trọng.

Vai implant là khu vực mà abutment, mô cứng và mô mềm đều tiếp xúc. Nếu bề mặt đánh bóng được đặt dưới mào xương, có thể xảy ra tình trạng mất xương. Bề mặt thô có xu hướng duy trì chiều cao xương mào so với bề mặt đánh bóng. (Shin và cộng sự, 2006; Messias và cộng sự, 2019).
7. Kết luận và khuyến nghị
1. Implant thuôn được chỉ định khi khoảng cách giữa các răng bị hạn chế ở chóp hoặc khi giải phẫu ổ răng có khả năng hình thành lỗ thông.
2. Implant hình trụ dễ điều chỉnh độ sâu đặt theo chiều trên dưới hơn so với implant hình nón.
3. Các implant có độ sâu ren tăng lên và implant thuôn đạt được mô-men đặt implant và phép đo RFI cao hơn, có thể tạo điều kiện cho việc chịu tải sớm và tức thì.
4. Implant chuyển tiếp chuyển bệ duy trì vị trí mào xương tốt hơn so với implant ngang xương kết nối phẳng.
5. Các kết nối trong hình nón làm giảm chuyển động vi mô giúp cải thiện khả năng duy trì xương mào so với các kết nối lục giác ngoài và không hình nón.
6. Trong vùng thẩm mỹ, implant ngang xương thường được ưa chuộng. Khi điều trị kiểu hình nướu mỏng, implant ngang mô bị chống chỉ định.
7. Ở những vùng không thẩm mỹ ở phía sau, implant ngang mô và ngang xương đều được khuyến nghị như nhau với giả định là đặt và phục hình theo trục miễn là đường hoàn tất phục hình cách mào xương 1,5 mm trở lên.
8. Khi lập kế hoạch đặt và phục hình không theo trục, nên sử dụng implant ở ngang xương thay vì implant ngang mô.
Nguồn: Ganeles, Jeffrey & Norkin, Frederic & Dias, Debora & Fava, Philip & Levine, Robert & Aranguren, Liliana. (2021). Implant Shapes and Macro-designs: Advantages and Disadvantages. 17. 44. 10.3290/iti.fi.45624.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/