Tại các sự kiện thể thao, bất kể những điều tốt đẹp có xảy đến với một đội vào cuối trận đấu như thế nào, câu nói vẫn là “Mọi chuyện chưa sáng tỏ cho đến khi kết thúc”. Trong chỉnh nha, mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy rằng việc điều trị đã hoàn tất khi các khí cụ được tháo ra, nhưng một giai đoạn quan trọng vẫn nằm ở phía trước. Chỉnh nha duy trì kiểm soát vị trí răng và khớp cắn phải được tháo gỡ từ từ, không đột ngột, nếu muốn đạt được kết quả tốt lâu dài. Giai đoạn duy trì nên được thêm vào kế hoạch điều trị ban đầu.
1. Tại sao phải chỉnh nha duy trì?
Một số yếu tố có thể được cho là ảnh hưởng đến kết quả lâu dài, bao gồm giới tính, sự tăng trưởng sau điều trị, loại sai lệch, mức độ bất thường trước điều trị và chất lượng của quá trình điều trị chỉnh nha. Hầu hết các kết quả điều trị chỉnh nha có khả năng không ổn định, và do đó chỉnh nha duy trì là cần thiết vì ba lý do chính được tóm tắt trong hình 18.1:

Ngay cả khi răng đã ở vị trí ổn định và không còn mọc thêm nữa, thì việc duy trì vẫn cực kỳ quan trọng cho đến khi hoàn thành việc tổ chức lại mô nướu và mô nha chu. Nếu răng không ổn định (thường xảy ra sau khi nong rộng cung răng đáng kể), thì việc tháo gỡ dần các khí cụ chỉnh nha sẽ không có giá trị gì. Khả năng duy nhất là chấp nhận tái phát hoặc sử dụng biện pháp duy trì vĩnh viễn. Cuối cùng, bất kể tình huống nào, không thể từ bỏ việc chỉnh nha duy trì cho đến khi quá trình tăng trưởng về cơ bản hoàn thành.
Tổ chức lại mô nha chu và mô nướu
Khoảng dây chằng nha chu (PDL) bị dãn rộng và sự đứt đoạn của các bó sợi dây chằng nâng đỡ mỗi răng là những phản ứng bình thường trong quá trình điều trị chỉnh nha. Trên thực tế, những thay đổi này là cần thiết để cho phép sự di chuyển răng xảy ra. Ngay cả khi sự di chuyển của răng dừng lại trước khi khí cụ chỉnh nha được tháo, việc phục hồi cấu trúc nha chu bình thường sẽ không xảy ra nếu răng bị nẹp mạnh vào các răng lân cận, như khi nó được gắn vào một dây cung chỉnh nha cứng. Vì lý do đó, giữ răng bằng dây cung thụ động (passive archwires) không thể được coi là bước khởi đầu của chỉnh nha duy trì. Xương bị nén lại (bone bending) khi mỗi răng bị dịch chuyển do bệnh nhân nhai, điều này lại bị ngăn cản do tác động nẹp của một quá trình chỉnh nha cố định. Một khi răng có thể phản ứng riêng với các lực nhai, sự tái tổ chức của PDL xảy ra trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng, và sự di chuyển nhẹ khi tháo khí cụ sẽ biến mất. Sự sắp xếp lại khoảng dây chằng nha chu này rất quan trọng đối với sự ổn định vì vai trò của nha chu ở trạng thái cân bằng là kiểm soát vị trí của răng. Răng thường chịu được lực nhai do đặc tính hấp thụ chấn động của hệ thống nha chu.
Quan trọng hơn đối với chỉnh nha, sự mất cân bằng nhỏ nhưng kéo dài trong áp lực môi – má – lưỡi hoặc áp lực từ các sợi nướu sẽ làm răng di chuyển nếu không bị chống lại bởi sự “ổn định chủ động” do dây chằng nha chu. Có vẻ như sự ổn định này được tạo ra bởi cùng một cơ chế tạo lực tạo ra sự mọc răng. Sự phá vỡ dây chằng nha chu do di chuyển răng trong chỉnh nha có thể ít ảnh hưởng đến sự ổn định chống lại lực cắn, nhưng nó làm giảm hoặc loại bỏ sự ổn định chủ động. Điều này có nghĩa là ngay sau khi tháo khí cụ chỉnh nha, răng sẽ không ổn định khi đối mặt với áp lực mô mềm và khớp cắn. Đó là lý do tại sao mọi bệnh nhân đều cần hàm duy trì trong ít nhất vài tháng. Hệ thống các tế bào sợi nướu cũng bị xáo trộn bởi sự di chuyển của răng trong chỉnh nha và phải điều chỉnh lại để phù hợp với vị trí răng mới. Cả sợi collagen và sợi đàn hồi đều có trong nướu, và Reitan đã chỉ ra từ nhiều năm trước rằng quá trình tái tổ chức của cả hai loại này diễn ra chậm hơn so với dây chằng nha chu. Trong vòng 4 đến 6 tháng, hệ thống sợi collagen trong nướu thường đã hoàn tất quá trình tái tổ chức của chúng, nhưng các sợi đàn hồi tái tạo cực kỳ chậm và vẫn có thể làm dịch chuyển răng hơn một năm sau khi tháo khí cụ chỉnh nha. Ở những bệnh nhân bị xoay nghiêm trọng, việc cắt các sợi trên xương quanh răng, trước hoặc ngay thời điểm tháo khí cụ, là một quy trình được khuyến nghị vì nó làm giảm tái phát.
Thời gian để phục hồi mô mềm sau điều trị chỉnh nha này phác thảo các nguyên tắc duy trì chống lại sự mất ổn định bên trong miệng.
Đó là:
• Hướng tái phát tiềm năng có thể được xác định bằng cách so sánh vị trí của răng khi kết thúc điều trị với vị trí ban đầu của chúng. Răng sẽ có xu hướng di chuyển trở lại theo hướng ban đầu, chủ yếu là do độ đàn hồi của sợi nướu nhưng cũng do lực lưỡi – môi không cân bằng.
• Răng cần được duy trì hàng ngày (về cơ bản là toàn thời gian) sau khi điều trị chỉnh nha toàn diện trong 3 đến 4 tháng đầu tiên sau khi tháo khí cụ chỉnh nha cố định. Bởi vì dữ liệu ghi nhận trên khí cụ duy trì Hawley tháo lắp có cảm biến cho thấy, thời gian đeo trung bình là khoảng 8 giờ mỗi ngày và hiếm khi vượt quá 12 giờ nhưng khí cụ duy trì đó có hiệu quả hợp lý nếu đeo ở mức này. Bác sĩ chỉnh nha nên yêu cầu bệnh nhân đeo hàng ngày và nhiều giờ hơn mức họ thực sự mong đợi.
• Để thúc đẩy sự tái tổ chức của PDL, các răng phải được tự do di chuyển riêng lẻ trong quá trình nhai, vì xương ổ răng bị nén để đáp ứng với lực cắn mạnh trong quá trình nhai. Yêu cầu này có thể được đáp ứng bằng khí cụ tháo lắp được đeo thường xuyên trừ khi ăn hoặc bằng khí cụ duy trì cố định không quá cứng.
• Do phản ứng chậm của các sợi nướu, nên tiếp tục duy trì ít nhất 12 tháng nếu ban đầu răng không đều nhưng có thể giảm xuống bán thời gian sau 3 đến 4 tháng. Sau khoảng 12 tháng, có thể ngừng duy trì ở những bệnh nhân đã ngừng tăng trưởng, nhưng việc ngừng sử dụng dần các khí cụ có thể kiểm tra quá trình này và độ ổn định của răng.
• Chính xác hơn, trong trường hợp đã ngừng tăng trưởng, răng sẽ ổn định sau 1 đến 2 năm sau khi điều trị nếu chúng có thể. Một số bệnh nhân ngừng tăng trưởng sẽ cần phải duy trì vĩnh viễn vì áp lực ở môi, má và lưỡi quá lớn để cân bằng.
• Tuy nhiên, những bệnh nhân vẫn còn trong giai đoạn tăng trưởng thường cần được duy trì cho đến khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức thấp đặc trưng ở từng cá nhân.
Những thay đổi về khớp cắn liên quan đến sự tăng trưởng
Quá trình tăng trưởng đặc biệt rắc rối ở những bệnh nhân sai khớp cắn ban đầu là kết quả do mô hình phát triển của xương. Các vấn đề về xương có xu hướng tái phát nếu sự tăng trưởng đang tiếp diễn (Hình 18.2) bởi vì hầu hết bệnh nhân vẫn tiếp tục mô hình tăng trưởng ban đầu của họ. Sự tăng trưởng theo chiều ngang được hoàn thành trước, điều đó có nghĩa là những thay đổi về chiều ngang trong thời gian dài ít gây ra vấn đề về mặt lâm sàng hơn so với những thay đổi từ sự tăng trưởng theo chiều trước sau và tăng trưởng theo chiều dọc.


Điều trị chỉnh nha toàn diện thường được thực hiện ở giai đoạn đầu của bộ răng vĩnh viễn và thời gian điều trị thường từ 18 đến 30 tháng. Điều này có nghĩa là điều trị chỉnh nha chủ động có khả năng kết thúc ở tuổi 14 đến 15, trong khi sự tăng trưởng về phía trước và đặc biệt là theo chiều dọc thường không giảm xuống ngay cả khi trưởng thành cho đến vài năm sau đó. Ở giai đoạn muộn của tuổi vị thành niên, sự phát triển liên tục theo kiểu gây ra vấn đề về khớp cắn sâu hoặc cắn hở Hạng II, Hạng III ngay từ đầu là nguyên nhân chính gây tái phát sau điều trị chỉnh nha và cần được kiểm soát cẩn thận trong quá trình duy trì.
Các nghiên cứu dài hạn về người trưởng thành đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng rất chậm thường tiếp tục trong suốt quá trình trưởng thành, và mô hình tương tự dẫn đến sai khớp cắn ngay từ đầu có thể góp phần làm xấu đi mối quan hệ khớp cắn trong nhiều năm sau khi điều trị chỉnh nha hoàn tất.
2. Chỉnh nha duy trì trong trường hợp tăng trưởng hạng II
Sự tái diễn của tương quan Hạng II là kết quả của sự kết hợp giữa chuyển động của răng (về phía trước ở cung răng trên, lùi về phía sau ở cung hàm dưới hoặc cả hai) và sự tăng trưởng khác biệt của hàm trên so với hàm dưới (Hình 18.3). Đúng như dự đoán, sự di chuyển của răng do các yếu tố nha chu và nướu tại chỗ có thể là một vấn đề quan trọng trong thời gian ngắn, trong khi sự phát triển lệch lạc của xương hàm là một vấn đề dài hạn quan trọng hơn vì nó trực tiếp làm thay đổi vị trí của xương hàm và điều này góp phần định vị lại vị trí răng.

Việc điều trị quá mức các tương quan khớp cắn trong giai đoạn hoàn tất là rất quan trọng trong việc kiểm soát sự di chuyển của răng có thể dẫn đến tái phát Loại II. Ngay cả với khả năng duy trì tốt, sự thay đổi từ 1 đến 2 mm vị trí răng có thể xảy ra sau khi điều trị, đặc biệt nếu sử dụng thun loại II. Sự thay đổi này xảy ra tương đối nhanh sau khi ngừng điều trị chủ động.
Trong điều trị Hạng II, điều quan trọng là không được di chuyển các răng cửa hàm dưới ra phía trước quá xa, nhưng điều này có thể dễ dàng xảy ra với thun đàn hồi Hạng II. Trong tình huống này, áp lực môi sẽ có xu hướng dựng đứng các răng cửa nhô ra, dẫn đến tình trạng chen chúc và cắn sâu khá nhanh và tái phát cả độ cắn phủ, độ cắn chìa như ban đầu. Thường thì điều này xảy ra chỉ trong vài tháng sau khi ngừng đeo khí cụ duy trì toàn thời gian. Theo hướng dẫn chung, nếu răng cửa hàm dưới di chuyển về phía trước nhiều hơn 2 mm trong quá trình điều trị, rất có thể cần phải duy trì răng vĩnh viễn.
Sự tái phát lâu dài chậm hơn xảy ra ở một số bệnh nhân chủ yếu là do sự phát triển khác biệt của xương hàm. Ở những bệnh nhân có sai khớp cắn Loại II, điều này có thể được kiểm soát theo một trong hai cách. Đầu tiên, khí cụ headgear được sử dụng trong điều trị, khi tiếp tục sử dụng nó trong thời gian giảm dần (ví dụ như vào ban đêm) kết hợp với hàm duy trì để giữ răng thẳng hàng. Điều này đòi hỏi phải để lại các khâu ở răng cối lớn thứ nhất. Nó khá khả quan ở những bệnh nhân hợp tác tốt, đã mang khí cụ headgear và sẵn sàng tiếp tục mang nó trong thời gian duy trì, và tương tự với những khí cụ duy trì truyền thống được đeo toàn thời gian từ ban đầu – nhưng việc tuân thủ khí cụ headgear trở thành một vấn đề với tất cả, trừ những bệnh nhân hợp tác nhất .
Phương pháp khác là sử dụng một khí cụ chức năng thuộc loại Activator hoặc Bionator để giữ cả vị trí răng và tương quan khớp cắn (Hình 18.4). Đối với bệnh nhân, khí cụ mang trong miệng này chỉ là một loại khí cụ duy trì khác, và việc điều trị không phải là vấn đề. Nếu bệnh nhân không bị cắn chìa quá mức, như trường hợp khi kết thúc điều trị, thì việc duy trì khớp cắn bằng khí cụ chức năng được thực hiện mà không có bất kỳ sự di chuyển về trước ở hàm dưới; mục đích là để ngăn chặn tình trạng sai khớp cắn hạng II tái phát, chứ không phải điều trị một căn bệnh đã tồn tại.

Một khó khăn tiềm ẩn là khí cụ chức năng sẽ chỉ được mang bán thời gian, thường là chỉ vào ban đêm, và các khí cụ duy trì mang ban ngày cũng sẽ cần thiết để kiểm soát vị trí răng trong vài tháng đầu tiên. Việc sử dụng khí cụ chức năng như một khí cụ duy trì bổ sung ngay từ đầu có ý nghĩa đối với bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về tăng trưởng. Đối với những bệnh nhân có vấn đề ít nghiêm trọng hơn, trong đó sự tăng trưởng tiếp tục có thể hoặc không gây tái phát, có thể hợp lý hơn nếu ban đầu chỉ sử dụng các khí cụ duy trì hàm trên và hàm dưới thông thường và thay thế chúng bằng một khí cụ chức năng để đeo vào ban đêm nếu tái phát bắt đầu xảy ra sau một vài tháng.
Loại hàm duy trì này thường cần thiết trong 24 tháng hoặc hơn sau khi ngừng sử dụng hàm duy trì ban ngày ở những bệnh nhân ban đầu có vấn đề về xương. Nguyên tắc là: tương quan Loại II ban đầu càng nghiêm trọng và bệnh nhân càng trẻ khi kết thúc điều trị thì càng cần thiết sử dụng khí cụ headgear hoặc khí cụ chức năng trong thời gian duy trì. Sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn nhiều để ngăn ngừa tái phát do tăng trưởng hơn là cố gắng sửa chữa nó sau này.
3. Duy trì trong trường hợp tăng trưởng hạng III
Duy trì sau khi điều chỉnh sai khớp cắn hạng III sớm trong giai đoạn mọc răng vĩnh viễn có thể thất bại, vì khả năng tái phát do xương hàm tiếp tục phát triển rất dễ xảy ra và cực kỳ khó kiểm soát (xem Hình 18.3). Tác dụng một lực cản lên hàm dưới bằng một khí cụ chức năng đã được sửa đổi, chẳng hạn như từ hõm cằm, gần như không hiệu quả ở bệnh nhân mắc sai khớp cắn hạng III . Nếu chiều cao các tầng mặt là bình thường hoặc quá mức sau khi điều trị chỉnh nha và tái phát xảy ra do tăng trưởng xương hàm dưới, phẫu thuật chỉnh sửa sau khi tăng trưởng có thể là biện pháp duy nhất. Trong các trường hợp hạng III nhẹ, một khí cụ định vị có thể đủ để duy trì tương quan khớp cắn trong quá trình tăng trưởng sau điều trị.
4. Duy trì sau điều trị cắn sâu
Điều trị các trường hợp có độ cắn phủ quá lớn gần như là một phần thường quy của điều trị chỉnh nha, và do đó, hầu hết bệnh nhân cần kiểm soát độ cắn phủ theo chiều dọc của các răng cửa trong quá trình duy trì để ngăn ngừa tái phát do trồi răng cửa không kiểm soát được. Tất nhiên, sự phát triển sau điều trị ở dạng mặt ngắn sẽ làm cho khả năng tái phát cắn sâu nhiều hơn. Kiểm soát điều này được thực hiện dễ dàng nhất bằng cách sử dụng một khí cụ duy trì hàm trên có thể tháo rời được chế tạo sao cho các răng cửa hàm dưới sẽ chạm vào mặt đế của khí cụ duy trì nếu chúng bắt đầu trượt phía sau các răng cửa hàm trên (Hình 18.5). Nói cách khác, quy trình này là tạo ra một mặt cắn tiềm năng trên khí cụ duy trì mà các răng cửa hàm dưới sẽ tiếp xúc nếu khớpcắn bắt đầu sâu hơn. Khí cụ duy trì không làm hở các răng sau.
Bởi vì sự tăng trưởng theo chiều thẳng đứng tiếp tục vào cuối tuổi thiếu niên, nên thường cần một bộ khí cụ duy trì tháo lắp hàm trên với mặt phẳng cắn trong vài năm sau khi hoàn thành chỉnh nha bằng khí cụ cố định. Độ sâu khớp cắn có thể được duy trì bằng cách chỉ đeo khí cụ duy trì vào ban đêm, sau khi đã đạt được sự ổn định về các mặt khác.

5. Duy trì sau điều trị cắn hở vùng răng trước
Tái phát trong trường hợp khớp cắn hở phía trước có thể xảy ra do bất kỳ sự kết hợp nào giữa tình trạng lún của các răng cửa và sự dài ra của các răng cối lớn. Các thói quen vận động (trong đó mút ngón tay cái là ví dụ điển hình nhất) có thể tạo ra lực xâm lấn lên các răng cửa, đồng thời dẫn đến tư thế hàm bị thay đổi cho phép các răng sau trồi lên. Nếu tật mút ngón tay vẫn tiếp tục sau khi điều trị chỉnh nha, chắc chắn sẽ tái phát. Thói quen dùng lưỡi, đặc biệt là nuốt bằng cách đẩy lưỡi, thường bị cho là nguyên nhân tái phát khớp cắn hở, nhưng bằng chứng hỗ trợ cho lập luận này là không thuyết phục. Ở những bệnh nhân không đặt dị vật vào giữa các răng cửa, khớp cắn hở trở lại hầu như luôn là kết quả của việc kéo dài các răng sau, đặc biệt là răng hàm trên, mà không có bất kỳ bằng chứng nào về sự lún của các răng cửa (Hình 18.6). Do đó, kiểm soát sự mọc của các răng cối hàm trên là chìa khóa để duy trì ở những bệnh nhân có khớp cắn hở.

Phương pháp phổ biến để thực hiện duy trì đó là một khí cụ tháo lắp che phủ khẩu cái (khí cụ duy trì Hawley cải tiến) với các miếng chặn cắn giữa các răng sau để tạo ra khoảng cách vài milimet giữa hai hàm (Hình 18.7). Điều này kéo căng các mô mềm của bệnh nhân để tạo ra một lực chống trồi răng. Như chúng tôi đã lưu ý trước đây, nền nhựa trên khớp cắn (bite blocks) không hiệu quả trong việc làm lún các răng sau, nhưng chúng có khả năng cản trở quá trình mọc răng. Headgear high-pull ở răng hàm trên, kết hợp với khí cụ duy trì tiêu chuẩn có thể tháo rời để duy trì vị trí của răng, cũng có thể có hiệu quả, nhưng khí cụ trong miệng dễ chịu hơn và kiểm soát sự mọc của răng hàm dưới cũng như hàm trên. Sự mọc theo chiều đứng quá mức răng sau thường tiếp tục cho đến cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi đôi mươi, vì vậy việc duy trì răng cũng phải tiếp tục sau khi hoàn thành điều trị chỉnh nha cố định.

Gần đây, nhiều bài báo cáo về điều trị thành công sai khớp cắn hở nhẹ bằng khay trong suốt đã dẫn đến gợi ý rằng khí cụ duy trì trong suốt với chất dẻo dày trên bề mặt khớp cắn có thể hữu ích để duy trì ở những bệnh nhân này. Lý thuyết cho rằng điều này sẽ cung cấp đủ hiệu ứng chặn khớp cắn để ngăn chặn tình trạng mọc răng sau điều trị và sự tuân thủ của bệnh nhân sẽ tốt hơn, nhưng không có dữ liệu xác thực nào. Các trường hợp điều chỉnh khớp cắn hở bằng khay thường cho thấy răng cửa nhô ra ngoài nhiều hơn so với sự di chuyển vào phía sau, và một nghiên cứu gần đây của Đại học Washington đã chỉ ra rằng đây là kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn. Có thể là khớp cắn hở duy trì bằng khay trong suốt cũng sẽ hoạt động chủ yếu bằng cách kích thích trồi răng trước. Cần nhiều thử nghiệm hơn để làm rõ tính hữu ích của chúng trong việc duy trì các ca cắn hở.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
6. Duy trì vị trí thẳng hàng các răng cửa hàm dưới
Sự phát triển liên tục của xương không chỉ ảnh hưởng đến tương quan khớp cắn mà còn có khả năng làm thay đổi vị trí của răng. Nếu hàm dưới phát triển về phía trước hoặc xoay xuống dưới, tác động là kéo các răng cửa hàm dưới vào trong môi, tạo ra lực đẩy chúng ra xa. Vì lý do này, sự tăng trưởng liên tục của xương hàm dưới ở bệnh nhân bình thường hoặc loại III có liên quan chặt chẽ với sự chen chúc của các răng cửa hàm dưới. Răng cửa mọc chen chúc cũng đi kèm với sự xoay xuống dưới và ra sau của hàm dưới được thấy trong các vấn đề về khớp cắn hở do xương (xem Hình 18.3). Một khí cụ duy trì ở vùng răng cửa dưới là cần thiết để ngăn chặn sự phát triển chen chúc cho đến khi sự tăng trưởng giảm xuống ở giai đoạn trưởng thành.
Người ta thường gợi ý rằng nên tiếp tục duy trì chỉnh nha, ít nhất là bán thời gian, cho đến khi răng cối lớn thứ ba mọc vào khớp cắn bình thường hoặc được nhổ bỏ. Hàm ý của hướng dẫn này rằng, lực từ các răng cối lớn thứ ba đang mọc gây ra chen chúc răng cửa ở giai đoạn sau, gần như chắc chắn là không chính xác. Mặt khác, vì răng cối lớn thứ ba mọc hoặc nhổ thường không diễn ra cho đến cuối những năm tuổi thiếu niên, nên hướng dẫn này không phải là một hướng dẫn tồi khi nhấn mạnh vào việc duy trì kéo dài ở những bệnh nhân đang tiếp tục tăng trưởng.
Hầu hết người lớn, bao gồm cả những người đã trải qua điều trị chỉnh nha và từng có răng thẳng hàng hoàn hảo, sẽ có một số răng cửa dưới mọc chen chúc sau 5 năm hoặc lâu hơn. Có vẻ như sự phát triển xương hàm dưới muộn là nguyên nhân chính gây ra xu hướng chen chúc này. Steinness và cộng sự lưu ý rằng mức độ chen chúc của răng cửa dưới ở những người không được điều trị cao hơn gấp ba lần so với những người có khí cụ duy trì cố định trong mặt lưỡi, ghi nhận sự cần thiết phải duy trì những răng này chống lại tình trạng nghiêng mặt trong đi kèm với sự tăng trưởng muộn về phía trước của hàm dưới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cá nhân nào sẽ bị chen chúc sau điều trị không thể dự đoán được từ các đặc điểm của sai khớp cắn ban đầu hoặc các biến số liên quan đến điều trị. Do đó, nên thường xuyên duy trì sự thẳng hàng của răng cửa dưới cho đến khi sự phát triển xương hàm dưới giảm xuống (tức là cho đến cuối tuổi thiếu niên ở bé gái và đầu những năm 20 tuổi ở bé trai).
7. Thời gian chỉnh nha duy trì: Tóm tắt
Cần duy trì cho tất cả các bệnh nhân đã trải qua điều trị bằng khí cụ chỉnh nha cố định để điều chỉnh các bất thường bên trong cung răng. Cụ thể là:
• Duy trì hàng ngày (về cơ bản là toàn thời gian) trong 3 – 4 tháng đầu tiên, ngoại trừ các hàm duy trì tháo lắp không những có thể mà còn phải được tháo ra trong khi ăn, và các hàm duy trì cố định phải đủ linh hoạt để cho phép dịch chuyển từng răng trong quá trình nhai (trừ khi mất xương nha chu hoặc các trường hợp đặc biệt khác cần nẹp cố định).
• Tiếp tục duy trì bán thời gian trong ít nhất 12 tháng để có thời gian tái tạo mô nướu.
• Nếu vẫn còn tăng trưởng đáng kể, tiếp tục duy trì bán thời gian cho đến khi hoàn thành tăng trưởng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là gần như tất cả các bệnh nhân được điều trị ở bộ răng vĩnh viễn giai đoạn sớm sẽ yêu cầu duy trì sự thẳng hàng của răng cửa ít nhất cho đến cuối tuổi thiếu niên, và ở những người ban đầu có sự không cân xứng về xương, việc sử dụng khí cụ chức năng hoặc lực tác động ngoài miệng bán thời gian có thể sẽ cần thiết.
Nguồn: Proffit, W. R., Fields, H. W., Larson, B. E., & Sarver, D. M. (2019). Contemporary Orthodontics. Elsevier.