1. Phì đại nướu do mảng bám / thuốc
Đây là tình trạng các mô nướu phì đại làm che phủ các thân răng lâm sàng, tạo ra vẻ ngoài không thẩm mỹ (Hình 8). Nó thường liên quan đến mảng bám răng và viêm nhiễm nhưng có thể liên quan đến thuốc như phenytoin, cyclosporin và thuốc chặn kênh canxi. Điều trị tình trạng này cần tập trung vào việc vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Đôi khi, phẫu thuật nha chu sẽ là cần thiết để loại bỏ lượng mô mềm phát triển quá mức.

2. Rối loạn mọc răng thụ động
Mọc răng thụ động là một tình trạng bình thường, trong đó viền nướu tụt dần về phía chóp cho tới khoảng mức CEJ sau khi răng đã mọc hoàn toàn. Trong trường hợp viền nướu không giảm xuống mức CEJ, tình trạng này được đặt tên là rối loạn mọc răng thụ động. Bởi vì các mô nướu thất bại trong việc tụt về phía CEJ, răng có vẻ ngắn và vuông (Hình 9). Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều răng hoặc một răng biệt lập. Tỷ lệ mọc răng thụ động biến đổi trong dân số nói chung là khoảng 12%. Tình trạng sinh lý của quá trình mọc răng thụ động có thể tiếp tục ngay cả trong những năm 30 tuổi; do đó, chẩn đoán rối loạn mọc răng thụ động phải được thực hiện theo tuổi. Đỉnh xương ổ răng có thể ở mức CEJ hoặc về phía chóp của nó từ 1 đến 2 mm. Chụp X quang song song sẽ giúp xác định mức độ của mào xương ổ răng ở vùng kẽ, và thăm dò xương sẽ xác định level của nó ở mặt trong và ngoài. 1 phân loại của rối loạn mọc răng thụ động được đề xuất bởi Coslet và cộng sự:
• Loại 1A – nhiều nướu sừng hóa với tương quan xương ổ – CEJ bình thường
• Loại 1B — nhiều nướu sừng hóa với mào xương ổ ở ngang CEJ
• Loại 2A – lượng nướu sừng hóa bình thường và tương quan xương ổ – CEJ bình thường
• Loại 2B — lượng nướu sừng hóa bình thường và mào xương ổ ở ngang CEJ
Hiện tượng rối loạn mọc răng thụ động có thể được giải quyết bằng phẫu thuật nha chu. Quy trình phẫu thuật được lựa chọn phụ thuộc vào kiểu mọc răng thụ động.

3. Trồi xương ổ răng
Sự trồi quá mức của các răng cửa hàm trên với phức hợp nướu của chúng dẫn đến thấy răng nhiều hơn và nướu lộ ra quá mức. Tình trạng này có thể liên quan đến mòn răng ở vùng răng trước hoặc với khớp cắn sâu. Trong những trường hợp có khớp cắn sâu, thường có sự sai lệch về mặt phẳng khớp cắn giữa răng trước và sau (Hình 10). Điều trị tình trạng này có thể là chỉnh nha làm lún các răng liên, phẫu thuật điều chỉnh nha chu có hoặc không có phục hồi, hoặc một kế hoạch điều trị toàn diện liên chuyên khoa.

4. Quá triển XHT theo chiều dọc (Vertical maxillary excess – VME)
Tình trạng này liên quan đến sự phát triển quá mức của hàm trên theo chiều dọc. Nhiều khi nó xuất hiện với hội chứng mặt dài. Sự gia tăng chiều cao của khuôn mặt chủ yếu xuất hiện ở nửa dưới của khuôn mặt, và ngược lại với sự phát triển quá mức của các răng cửa hàm trên, sự hài hòa của mặt phẳng khớp cắn giữa phần trước và phần sau được tìm thấy. Bởi vì mặt phẳng khớp cắn tương đối thấp hơn bình thường, những người bị VME sẽ lộ nướu quá mức với môi dưới che phủ các cạnh cắn của răng nanh hàm trên và răng cối nhỏ (Hình 11). Những phát hiện lâm sàng này có thể đưa bác sĩ lâm sàng chẩn đoán VME, nhưng bệnh này phải được xác nhận bằng kết quả chụp X quang sọ nghiêng. Người ta nhận thấy rằng ở nhóm cười hở nướu, khoảng cách giữa mặt phẳng khẩu cái và rìa cắn răng cửa hàm trên (chiều cao hàm trên) cao hơn khoảng 2 mm so với những người không có cười hở nướu (Hình 12). Trong các trường hợp VME, thông thường, chiều dài của môi trên là bình thường, mặc dù trên lâm sàng, nó có vẻ tương đối ngắn. Một phân loại VME được Garber và Salama đưa ra vào năm 19962 đưa ra 3 mức độ lộ nướu và các phương thức điều trị tương ứng (Bảng 1).



5. Môi trên ngắn
Trong trường hợp này, môi trên ngắn hơn 15 mm, được đo từ subnasale đến viền dưới của môi trên (Hình 13). Điều thú vị là một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp nướu lộ ra quá nhiều, chiều dài môi trên vẫn bình thường mặc dù môi có vẻ ngắn trên lâm sàng.

6. Môi trên tăng động
Tình trạng này thể hiện sự gia tăng hoạt động của các cơ nâng môi trên khi cười. Theo nghiên cứu của Peck và cộng sự, người có phần nướu lộ ra quá mức có cơ nâng môi mạnh hơn đáng kể so với những người có đường cười trung bình. Trong nghiên cứu này, những người có đường viền môi cao nâng môi trên thêm 1 milimet, hoặc hơn gần 20% so với nhóm chứng khi cười. Các phương pháp điều trị được khuyến nghị cho môi trên ngắn và môi trên tăng động là tương tự nhau. Phẫu thuật tạo hình là giải pháp được đưa ra trong một số báo cáo được công bố vào những năm 1970 và 1980 để điều trị các tình trạng như vậy. Kỹ thuật đầu tiên được báo cáo là kỹ thuật lip adhesion được mô tả bởi Rubinstein và Kostianovsky. Trong kỹ thuật này, bám dính bên trong của môi trên bị cắt đứt và một mảnh mô hình elip được lấy ra khỏi vùng bị bóc tách. Sau đó, một bám dính thấp hơn được thiết lập giữa môi trên và các mô mềm của nướu, cách viền nướu rời khoảng 4 mm. Thủ thuật này hạn chế tình trạng nâng môi trên khi cười, hạn chế tình trạng lộ mô nướu. Litton và Fournier vào năm 1979 đã thảo luận và ủng hộ phương thức điều trị này và khuyến nghị rằng nó nên được sử dụng rộng rãi hơn. Sự sửa đổi của họ là tách cơ môi khỏi cấu trúc xương trong trường hợp môi trên ngắn để tăng chiều dài môi.
Năm 1983, Miskinyar, không hài lòng với kỹ thuật trước đó, đã mô tả kỹ thuật cắt bỏ cơ nâng môi hoặc loại bỏ 1 phần. Ellenbogen và Swara đã mô tả kỹ thuật implant spacer vào năm 1984. Hai kỹ thuật này dựa trên cùng một khái niệm về việc cắt cơ nâng môi trên (levator labii superioris) (hoặc một phần của nó) – một trong những cơ quan trọng tham gia vào quá trình hình thành nụ cười. Theo các tác giả, quy trình này làm giảm độ cao của môi trên khi cười. Ellenbogen và Swara đề nghị đặt một chất (silicone, sụn, polyamide hoặc xương turbinate) để ngăn cơ kết nối lại. Một yếu tố quan trọng khác của một miếng đệm như vậy là khả năng hạn chế hoạt động của các cơ nâng. Các báo cáo sau này cho kết quả tốt với một số biến chứng hạn chế nhưng không có theo dõi lâu dài. Một cuộc tìm kiếm tài liệu được thực hiện nhằm tìm kiếm thông tin cập nhật trong lĩnh vực này nhưng chỉ tìm được 1 số lượng nhỏ và không đáng kể các báo cáo hiện tại về các phương pháp này và không có đổi mới thực tế. Trong một công bố gần đây, kỹ thuật lip adhesion ban đầu đã được sử dụng với thời gian theo dõi 8 tháng cho kết quả tốt.
Polo vào năm 2005 đã đề nghị sử dụng phương pháp tiêm botulinum như một phương pháp không phẫu thuật mới để điều trị lộ nướu quá mức. Chất này được tiêm vào vùng môi trên để làm giảm hoạt động của cơ nâng, đặc biệt là nhắm vào cơ nâng môi trên (levator labii superioris). Nhược điểm lớn của kỹ thuật này là tác dụng trong thời gian ngắn, chỉ kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Ngược lại với các lựa chọn điều trị nêu trên, một số trường hợp nướu lộ ra quá nhiều do môi trên ngắn hoặc tăng động có thể được điều trị bằng phẫu thuật nha chu có hoặc không kèm theo phục hồi.
6. Môi trên không đối xứng
Năm 2001, Benson và Laskin đã đánh giá nụ cười của một nhóm 195 đối tượng và phát hiện ra 9% có nụ cười không đối xứng, do môi trên bị nghiêng. Sự không đối xứng này có thể dẫn đến tình trạng hở nướu quá mức và không đối xứng. Khi sự bất đối xứng này chỉ xuất hiện khi cười, (trong hầu hết các trường hợp), nó không thể sửa được. Bắt buộc BN phải chú ýn đến sự bất đối xứng trước khi bắt đầu bất kỳ điều trị nha khoa toàn diện nào.
Một biểu đồ có thể giúp xác định nguyên nhân chính xác của một trường hợp hở nướu quá mức (được trình bày trong Hình 14). Nói chung, các trường hợp lộ quá nhiều nướu có thể có nhiều hơn một nguyên nhân và do đó cần được chẩn đoán cẩn thận và điều trị liên chuyên khoa nên được xem xét. Bệnh nhân cần được tham gia vào suốt quá trình chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị. Cung cấp thông tin cho bệnh nhân là yếu tố then chốt dẫn đến thành công trong điều trị và sự hài lòng của cá nhân.

Nguồn: Silberberg, N., Goldstein, M., & Smidt, A. (2009). Excessive gingival display – etiology, diagnosis, and treatment modalities. Quintessence international (Berlin, Germany : 1985), 40(10), 809–818.