Để hiểu được răng mọc ngầm là gì và liệu có nên điều trị và khi nào cần điều trị, trước tiên chúng ta phải hiểu về sự phát triển bình thường của một bộ răng và khoảng thời gian mà răng mọc và hoàn thiện. Sự phát triển của một đứa trẻ gồm nhiều giai đoạn, đặc điểm khác nhau. Khi đánh giá độ tuổi phát triển của một đứa trẻ, cần phải xem xét tương quan giữa các đặc điểm này và có một giá trị trung bình cho mỗi đặc điểm, mặc dù tốc độ phát triển chung hiếm khi rơi chính xác vào giá trị trung bình này. Tốc độ tăng trưởng và phát triển của trẻ cũng có thể khác nhau đối với từng giai đoạn phát triển.
- Tuổi bản thể (somatic age): Một đứa trẻ có thể cao so với tuổi của nó, do đó tuổi bản thể của nó có thể được coi là cao hơn.
- Tuổi xương: Bằng cách nghiên cứu ảnh chụp X-quang về tiến trình canxi hóa của sụn đầu xương ở bàn tay của một bệnh nhân (X-quang cổ tay) và so sánh điều này với các giá trị dữ liệu trung bình của trẻ em cùng độ tuổi, chúng ta có thể đánh giá tuổi xương của trẻ.
- Tuổi trưởng thành sinh dục: Tuổi trưởng thành sinh dục của trẻ có liên quan tới sự xuất hiện các đặc điểm tình dục sơ cấp và thứ cấp trên cơ thể.
- Tuổi trí tuệ: Điều này được đánh giá bằng các bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ).
- Tuổi hành vi: Đây là sự đánh giá về hành vi và nhận thức về bản thân của trẻ.
Đây là một trong những chỉ số bổ sung cho tuổi theo thời gian (được tính trực tiếp từ ngày ghi trên giấy khai sinh của trẻ). Tất cả những thông số này đều rất cần thiết trong việc đánh giá toàn diện quá trình phát triển của trẻ.
1. Tuổi răng
Tuổi răng là một trong những thông số khác và là một đánh giá đặc biệt và quan trọng để tư vấn về thời điểm điều trị chỉnh nha thích hợp. Các bảng và biểu đồ được trình bày bởi Schour và Massler, Moorrees et al, Nolla, Demirjian và cộng sự, Koyoumdjisky- Kaye và cộng sự, Willems và cộng sự và Liversidge và cộng sự chứng minh các giai đoạn của sự phát triển của răng, từ khi bắt đầu quá trình canxi hóa cho đến khi đóng chóp chân răng và độ tuổi trung bình theo thời gian mà mỗi giai đoạn xảy ra. Các mầm răng bình thường và khỏe mạnh phát triển từ giai đoạn canxi hóa ban đầu đến khi đóng chóp chân răng với tốc độ nhất định cho từng nhóm răng. Điều đó có nghĩa là các răng cửa, răng nanh, răng cối nhỏ, răng cối lớn thứ nhất, thứ hai và thứ ba ở hàm dưới và hàm trên, phân biệt giữa nam và nữ, tất cả đều có thời gian cụ thể riêng để đạt đến các giai đoạn phát triển khác nhau. Những giai đoạn này được xác định bằng thực nghiệm trong các báo cáo kinh điển ở trên. Schour và Massler đã tạo ra một sơ đồ từ trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành, bao gồm 21 bản vẽ liên tiếp, trong đó có các giai đoạn phát triển hàng năm cho đến 12 tuổi cũng như 3 giai đoạn khác cho đến 35 tuổi. Nolla đã sử dụng phương pháp đánh giá bằng X-quang về sự phát triển của răng ở 10 giai đoạn phát triển khác nhau, bắt đầu từ sự hiện diện của mầm răng cho đến khi đóng chóp chân răng. Đánh giá giai đoạn phát triển dựa vào thời gian mọc răng là phương pháp đánh giá tuổi răng không đáng tin cậy. Mặc dù quá trình mọc răng của từng nhóm răng khác nhau thường xảy ra tại một thời điểm cụ thể (khi đã phát triển được một nửa đến hai phần ba chiều dài chân răng), tuy nhiên điều này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tại chỗ, có thể gây ra sự mọc răng sớm hoặc chậm trễ với một sự khác biệt về khoảng thời gian rộng. Điều này có thể đúng ngay cả khi sự phát triển của chân răng có thể vẫn tiếp tục mà không bị cản trở.
Ngược lại, chụp X-quang quanh chóp hoặc chụp phim toàn cảnh là một công cụ chính xác hơn nhiều để đánh giá tuổi răng. Với một số ít trường hợp ngoại lệ, chủ yếu liên quan đến các bệnh lý rõ ràng, sự phát triển của chân răng diễn ra một cách khá ổn định, bất kể sự mọc răng hay sự thay của các răng sữa tương ứng.
Chúng ta hãy lấy trường hợp của một đứa trẻ từ 11-12 tuổi có 4 răng cối lớn vĩnh viễn đầu tiên đã mọc và chỉ có các răng cửa vĩnh viễn, vẫn còn các răng nanh và răng cối sữa trên bộ răng hiện tại. Nếu các bác sĩ chỉ tham khảo biểu đồ mọc răng, họ sẽ lưu ý rằng ở độ tuổi này tất cả các răng nanh và răng cối nhỏ vĩnh viễn lẽ ra đã mọc. Sau đó, họ có thể kết luận rằng 12 chiếc răng sữa đã tồn tại quá thời hạn quy định. Phương pháp điều trị tiếp theo có vẻ hợp lý của trường hợp này sẽ là nhổ tất cả các răng sữa có chọn lọc!
Tuy nhiên, đây là một chẩn đoán quá đơn giản, vì thực sự có hai kết luận có thể xảy ra. Điều hết sức quan trọng là phải nghiên cứu cẩn thận các hình ảnh X quang để phân biệt giữa hai khả năng này và do đó tránh được những tổn hại không cần thiết gây ra cho trẻ và cha mẹ.
Kết luận đầu tiên mà bác sĩ đưa ra thực sự sẽ đúng nếu phim X-quang thể hiện rằng các răng nanh và răng cối nhỏ vĩnh viễn chưa mọc đã phát triển gần hết chiều dài chân răng dự kiến của chúng, cho thấy tuổi răng của trẻ tương ứng với tuổi hiện tại của trẻ. Trong trường hợp này (Hình 1.1), răng sữa không rụng một cách tự nhiên, có lẽ là do sự tiêu chân răng của chúng không đủ tác động đến sự mọc bình thường của răng vĩnh viễn. Những răng vĩnh viễn tương ứng của chúng phải được xác định một cách chính xác là chậm mọc. Phương pháp điều trị hợp lý là nhổ những răng sữa với lý do hiện diện lâu dài hay còn gọi là tồn tại quá lâu trên cung hàm.
Tuy nhiên, có khả năng thứ hai, khi chụp X quang cho thấy chân răng phát triển tương đối ít, tương ứng trên biểu đồ phát triển răng (Hình 1.2) với hình ảnh của một đứa trẻ 9 tuổi. Giấy khai sinh của đứa trẻ ghi tuổi 12 và điều này có thể được chứng thực bằng kích thước và sự phát triển cơ thể và thậm chí bằng mức độ thông minh. Tuy nhiên, răng của bé tương ứng như răng một đứa trẻ nhỏ hơn ba tuổi, do đó xác định tuổi răng là 9. Nhổ răng sữa trong những trường hợp này sẽ là phương pháp điều trị sai lầm, vì người ta mong đợi rằng những chiếc răng này sẽ rụng bình thường ở độ tuổi răng thích hợp. Nhổ răng sớm, với một lý do hoàn toàn khác, có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.


Một thông số bổ sung về sự phát triển của răng cũng phải được xem xét. Mặc dù nhìn chung, răng cửa giữa, răng nanh, răng cối lớn thứ nhất và thứ hai ở hàm trên cho thấy tốc độ phát triển của một bên miệng giống hệt so với bên kia, nhưng điều này có thể không đúng đối với một số răng cụ thể. Có thể có sự khác biệt rõ rệt giữa bên phải và bên trái về tốc độ phát triển của răng cửa bên hàm trên và răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới và ít phổ biến hơn là của răng cối nhỏ thứ hai hàm trên.
Tương tự như cách chúng ta có thể xác định tuổi răng tổng thể của bệnh nhân, những nguyên tắc này cũng giúp chúng ta chẩn đoán tuổi răng của từng răng vĩnh viễn chưa mọc của bệnh nhân. Tuy nhiên, do sự khác biệt về phát triển được tìm thấy trong các nhóm răng khác nhau nên giai đoạn phát triển của một chiếc răng riêng lẻ không thể được sử dụng làm chỉ số cho sự phát triển răng tổng thể và tuổi răng phải được đánh giá bằng cách đánh giá toàn diện, tổng thể. Chỉ khi đó mới có thể đưa ra quyết định dứt khoát.
Đánh giá chính xác tuổi răng là rất quan trọng trong việc quyết định thời điểm điều trị cho bệnh nhân nói chung và điều trị răng ngầm nói riêng.
Bây giờ chúng ta đã có thể xác định các thuật ngữ mà chúng ta sẽ sử dụng trong toàn bộ chủ đề này như sau:
• Răng sữa tồn tại: Thuật ngữ này có ý nghĩa tích cực và đề cập đến một chiếc răng vẫn còn tồn tại, vượt quá thời gian rụng theo trình tự thời gian thông thường do sự vắng mặt hoặc chậm phát triển của răng vĩnh viễn tương ứng. Cần phải chụp X-quang răng vĩnh viễn tương ứng để xác định sự hiện diện và tình trạng phát triển của răng vĩnh viễn chưa mọc.
• Răng sữa tồn tại quá lâu trên cung hàm: Ngược lại, thuật ngữ này mang hàm ý tiêu cực và đề cập đến một răng có răng vĩnh viễn tương ứng chưa mọc có biểu hiện chân răng phát triển vượt quá 2/3 chiều dài cuối cùng dự kiến của nó (Hình 1.3). Ở đây cũng vậy, cần phải chụp X-quang răng vĩnh viễn tương ứng để xác định tình trạng của răng sữa và cách điều trị thích hợp.

• Răng vĩnh viễn mọc chậm: Thuật ngữ này dùng để chỉ một chiếc răng chưa mọc mà chân răng đã phát triển vượt quá 2/3 chiều dài saucùng dự kiến và răng đó có thể mọc tự phát trong khoảng thời gian hợp lý.
• Răng ngầm: Là răng có chân răng phát triển vượt quá 2/3 chiều dài cuối cùng dự kiến nhưng không thể mọc lên trong khoảng thời gian hợp lý.
Khi đánh giá tuổi răng của bệnh nhân, điều quan trọng cần nhấn mạnh là không nên tính đến các răng cửa bên hàm trên, răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới và răng cối lớn thứ ba trong đánh giá này. Quá trình phát triển của những răng này không phải lúc nào cũng phù hợp với những răng khác của bệnh nhân, ổn định hơn về mặt bản thể học. Đây là những chiếc răng thường bị thiếu bẩm sinh nhất trong các trường hợp thiếu răng toàn bộ (hypodontia) hoặc thiếu răng 1 phần (oligodontia). Thật vậy, kích thước nhỏ, hình dạng thân răng biến dạng và sự phát triển muộn của những răng này đều được coi là những dạng vi thể của sự thiếu răng bẩm sinh. Sự khác biệt về thời gian của chúng luôn được thể hiện ở giai đoạn trễ và chúng không bao giờ được thấy ở trạng thái phát triển nhanh hơn về mặt thời gian so với các răng khác. Nếu tuổi răng của từng nhóm răng khác nhau này cao hơn thì tuổi răng của toàn bộ răng cũng vậy.
Vì vậy, tóm lại, chúng ta có thể khẳng định như sau:
• Tất cả các bác sĩ chỉnh nha đều phải nắm rõ độ tuổi mà răng vĩnh viễn thường mọc.
• Răng vĩnh viễn thường mọc khi đã phát triển được khoảng 2/3 chiều dài chân răng sau cùng.
• Phần còn lại của chân răng đạt đến chóp răng khoảng 2.5-3 năm sau khi mọc.
• Xác định chóp răng đã đóng trên phim chụp X quang thường là một cách dễ dàng và chính xác.
• Việc xác định tỷ lệ hoàn chỉnh của chân răng, chưa xác định được chiều dài hoàn chỉnh cuối cùng của chân răng, không phải là một đánh giá có thể được thực hiện một cách chính xác.
Hiện nay đã có các nguyên tắc để đánh giá tuổi răng, chúng ta phải chuyển sang khía cạnh thực tế của việc chuyển các nguyên tắc này thành các thuật ngữ lâm sàng một cách hợp lý, có hệ thống và thống nhất. Cách đơn giản để áp dụng các nguyên tắc trên là chụp X-quang toàn cảnh hoặc khảo sát bằng phim quanh chóp toàn miệng và sau đó kiểm tra từng cung răng từ răng này sang răng khác, riêng lẻ và từ trái sang phải, trên xuống dưới, đánh giá từng răng theo thứ tự. Sau đó, phối hợp tất cả các kết quả riêng lẻ và tính toán con số cuối cùng là tuổi răng của bệnh nhân. Kết luận thu được sẽ phải được so sánh với các giá trị được thấy trên biểu đồ lý tưởng hóa các tiêu chuẩn cho một nhóm dân số nhất định. Mặc dù phương pháp này mang lại độ chính xác cao nhưng nó đòi hỏi thời gian đáng kể và có thể mất khoảng một giờ để đi đến kết luận cuối cùng. Đó là một nỗ lực gian khổ và tẻ nhạt, không phù hợp với các điều kiện hiện có trong thực hành chỉnh nha lâm sàng bận rộn.
Những điều được khuyến nghị là một cách tiếp cận đơn giản, hợp lý nhưng có hệ thống, có thể sử dụng điểm mốc để đạt được kết luận chỉ trong vài phút, ngay cả ở lần khám tư vấn chỉnh nha ban đầu. Phương pháp này sẽ dựa trên cùng một tiêu chí để thiết lập sự phát triển của thân và chân răng, nhưng phải thực hiện theo từng bước, bắt đầu từ một điểm xuất phát khác. ‘Điểm khởi đầu’ của cách tiếp cận có hệ thống này (vì những lý do sẽ được giải thích trong các đoạn sau), được ấn định ở độ tuổi mọc răng giới hạn là 9 tuổi.
2. Đánh giá tuổi răng trên lâm sàng – phương pháp Jerusalem
Có một số tiêu chí để đánh giá sự phát triển của răng khi sử dụng phim X-quang quanh chóp toàn miệng hoặc phim toàn cảnh. Thông tin về độ tuổi xảy ra các giai đoạn phát triển răng khác nhau dựa trên các nghiên cứu ngẫu nhiên cổ điển đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Các số liệu về độ tuổi mọc răng trung bình xảy ra các giai đoạn này được giả định như sau:
1. Những dấu hiệu đầu tiên về sự hiện diện của một răng có thể thấy rõ trên phim X-quang khi bắt đầu canxi hóa các cạnh cắn và đỉnh múi. Sau đó, có thể quan sát thấy sự hình thành của thân răng đã hoàn thiện cũng như mức độ hình thành chân răng (thường được biểu thị bằng phân số), và sau đó đóng chóp hoàn toàn. Vì điều trị chỉnh nha phần lớn là được thực hiện trên một bộ phận trẻ em tương đối lớn tuổi hơn, các giai đoạn hình thành thực tế của chân răng trở thành yếu tố liên quan duy nhất.
2. Độ chính xác mà người ta có thể đánh giá tỉ lệ của độ dài chân răng sau cùng không đầy đủ, không thể đo lường được và chỉ “ước lượng” là không đáng tin cậy và phụ thuộc rất nhiều vào sự biến đổi của từng người quan sát.
3. Giai đoạn phát triển của răng dễ xác định một cách chắc chắn và chính xác nhất là giai đoạn liên quan đến việc đóng chóp chân răng. Chừng nào mà nhú răng ở đầu chân răng vẫn còn rõ ràng, thì chóp chân răng vẫn mở và vỏ biểu mô hình thành chân răng Hertwig đang ở giai đoạn hoạt động nhằm tăng chiều dài chân răng. Tuy nhiên, khi đã đóng hoàn toàn, nhú sẽ biến mất và sẽ thấy một lớp màng cứng liên tục trên phim chụp quanh chóp, bám sát đường viền chân răng. Đây là những dấu hiệu chẩn đoán cụ thể của sự kiện mang tính bước ngoặt đó. Do đó, chóp răng là yếu tố quan trọng nhất mà dựa vào đó hệ thống đánh giá có thể được thực hiện một cách trung thực và dễ dàng về tuổi răng của một bệnh nhân nhất định trên lâm sàng.
4. Từ các nghiên cứu về dân số, chúng ta biết rằng răng vĩnh viễn đầu tiên mọc lên trong miệng là răng cửa giữa hàm dưới, theo sau là răng cối vĩnh viễn đầu tiên và điều này xảy ra ở tuổi 6 tuổi.
5. Sự phát triển chân răng của răng vĩnh viễn được hoàn thành khoảng 2,5-3 năm sau khi răng mọc bình thường. Điều này cho phép kết luận rằng, ở độ tuổi 8,5-9, các răng cửa hàm dưới của trẻ sẽ là những chiếc răng đầu tiên đóng chóp và thường theo sau là bốn răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất. Trong trường hợp này, rõ ràng là 9 tuổi phải là điểm khởi đầu cơ bản để bắt đầu đánh giá tuổi răng của trẻ. Nếu răng cửa hàm dưới hoặc răng cối có biểu hiện đóng chóp răng thì chẩn đoán tạm thời là bệnh nhân có tuổi răng ít nhất là 9 tuổi. Nếu chóp răng vẫn còn hở thì kết luận là trẻ có tuổi răng thấp hơn.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đánh giá này nhằm mục đích xếp hạng sự phát triển răng của một đứa trẻ cụ thể so với mức trung bình giả thuyết ở trên. Răng được đánh giá có hay không mọc bình thường là hoàn toàn không liên quan đến đánh giá này.
Chúng ta hãy kiểm tra hướng dẫn chẩn đoán theo đúng thứ tự của nó (xem thêm Bảng 1.1):
1. Nếu chân răng cửa giữa hàm dưới đã hoàn chỉnh, chúng ta có thể cho rằng bệnh nhân ít nhất 9 tuổi (tuổi răng), tức là con số này được lấy từ 6 tuổi (tuổi mọc răng bình thường được xác định bằng sự phát triển 2/3 chiều dài chân răng), với việc bổ sung 2,5-3 năm tới đóng chóp.
2. Sau đó chúng ta có thể kiểm tra chóp của các răng cối lớn thứ nhất (9-9,5 tuổi).
3. Khi trẻ được 9,5 tuổi, chân răng cửa bên hàm dưới đã phát triển hoàn chỉnh.
4. Những răng tiếp theo trong chuỗi mọc răng dự kiến là răng cửa giữa hàm trên, có chóp đóng cho biết tuổi răng là 10 năm.
5. Bởi vì tốc độ phát triển của chúng có thể thay đổi nên sẽ tốt hơn nếu bỏ qua việc đánh giá răng cửa bên hàm trên tại thời điểm này trong quá trình chẩn đoán và chuyển sang kiểm tra những chiếc răng khác.
6. Chóp răng nanh hàm dưới và răng cối nhỏ thứ nhất đóng (12-13 tuổi).
7. Sau đó là răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên (13-14 tuổi).
8. Giống như răng cửa bên hàm trên, răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới cũng có sự thay đổi về mặt phát triển và việc đánh giá chúng cũng nên được bỏ qua trong thời điểm đánh giá hiện tại.
9. Tiếp theo là răng nanh hàm trên (14-15 tuổi).
10. Giai đoạn phát triển cuối cùng liên quan đến bốn răng cối lớn thứ hai (15 tuổi).
Bảng 1.1 Tuổi đóng chóp của từng loại răng.
9 tuổi | Răng cửa giữa hàm dưới |
9-9.5 tuổi | Răng cối lớn thứ nhất và răng cửa bên hàm dưới |
10 tuổi | Răng cửa giữa hàm trên |
11 tuổi | Răng cửa bên hàm trên |
12-13 tuổi | Răng nanh hàm dưới |
13-14 tuổi | Răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên |
14-15 tuổi | Răng cối nhỏ thứ hai và răng nanh hàm trên |
15 tuổi | Răng cối lớn thứ hai |
Việc xác định chóp răng theo từng giai đoạn sẽ đưa chúng ta đến răng cuối cùng trong trình tự này có chóp đóng (Hình 1.4), biểu thị tuổi răng của bệnh nhân. Sau khi xác định xong, việc quay lại răng cửa bên hàm trên và răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới là rất có giá trị. Nếu chúng phát triển bình thường thì tuổi mọc của chúng lần lượt là 8 năm và 11 năm, với thời điểm đóng chóp lần lượt là 11 và 14 năm. Sự chậm phát triển của từng răng này có thể được đánh giá theo độ tuổi theo các tiêu chí trên về quá trình canxi hóa. Một minh họa cho tình huống này là khi tuổi răng tổng thể được chẩn đoán là 12 tuổi, tuy nhiên răng cửa bên hàm trên bên phải có thể phù hợp với trẻ 9 tuổi và răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới bên trái thậm chí có thể là đặc điểm của trẻ 8 tuổi.
Ngược lại với quá trình khám, đánh giá trên và trong trường hợp độ tuổi mọc răng dưới 9 tuổi thì không có răng vĩnh viễn nào đã phát triển chân răng hoàn chỉnh. Ở đây, các bác sĩ lâm sàng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào ước tính của riêng họ về mức độ phát triển chân răng, mức độ hoàn thiện thân răng ở giai đoạn còn rất trẻ, giai đoạn bắt đầu canxi hóa thân răng (Hình 1.5). Điều này được thực hiện thuận tiện nhất bằng cách làm ngược lại với sự phát triển dự kiến ở tuổi 9 tuổi và lấy đây làm cơ sở để so sánh tình trạng phát triển răng của bệnh nhân, bắt đầu từ răng cửa giữa hàm dưới và răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất.


Để minh họa, ở độ tuổi mọc răng 6 tuổi, chiều dài chân răng cửa giữa hàm dưới và răng cối vĩnh viễn thứ nhất sẽ được phát triển từ 1/2 đến 2/3. Việc xác nhận điều này có thểđến từ một so sánh, được thực hiện với giai đoạn phát triển của các răng khác: các răng cửa giữa hàm trên chưa mọc sẽ đạt đến một nửa chiều dài chân răng, răng nanh hàm dưới sẽ đạt đến một phần ba chiều dài chân răng, răng cối nhỏ thứ nhất có chiều dài bằng 1/4 chân răng, v.v.
Tuy nhiên, như đã lưu ý, có sự khác biệt, đặc biệt là với các răng cửa bên hàm trên, răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới hoặc răng cối lớn thứ ba. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn rõ ràng nhất định. Do đó, nên loại trừ việc xem xét những chiếc răng này khi thực hiện các đánh giá liên quan và điều này không chỉ đơn giản hóa quy trình mà còn góp phần nâng cao tính chính xác của đánh giá kết quả.
Ngoài ra, như đã nêu ở trên, sự phát triển sớm của những răng này dường như không liên quan đến sự phát triển của các răng còn lại. Thật vậy, sự thay đổi riêng lẻ chỉ được thể hiện dưới dạng mọc trễ. Theo đó, tình trạng phát triển của những răng này được coi là bằng chứng xác thực cho việc xác định tuổi răng, nhưng chỉ khi giai đoạn phát triển của chúng được chứng minh là phù hợp với phần còn lại của bộ răng.
Tương tự như vậy, không nên đưa những đặc điểm bất thường vào quá trình tính toán đánh giá tuổi răng. Các răng nhỏ bất thường, răng cối nhỏ hình nón, răng cửa hàm dưới và răng cửa bên hình chêm đều có xu hướng phát triển muộn hơn nhiều so với các răng có hình dạng và kích thước bình thường cùng loại; thực sự, đôi khi phải đến ba hoặc bốn năm sau. Vì vậy, khi chẩn đoán tuổi răng cho bệnh nhân có bất thường về tính chất này, việc xác định chung về răng sẽ chỉ ra rằng chiếc răng bất thường này có thể biểu hiện tuổi răng thấp hơn nhiều. Một bệnh nhân 14 tuổi có bộ răng vĩnh viễn hoàn chỉnh, bao gồm cả răng cối lớn thứ hai, vẫn có thể còn tồn tại răng cối sữa thứ hai hàm dưới. Phim X quang (Hình 1.6) cho thấy chóp của các răng cối lớn thứ nhất, răng cửa giữa và răng cửa bên, răng nanh hàm dưới và răng cối nhỏ sắp đóng, trong khi răng nanh hàm trên và răng cối lớn thứ hai gần như đã đóng lại. Tuy nhiên, răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới chưa mọc có chóp răng hở và giai đoạn phát triển tương đương khoảng 1/4 chiều dài dự kiến của nó, hoặc thậm chí ngắn hơn. Tương ứng, mặc dù chúng tôi có thể đánh giá tuổi răng của bộ răng nói chung là 11-12 tuổi, chúng tôi sẽ phải chỉ ra rằng tuổi răng của răng cối nhỏ thứ hai chưa mọc là khoảng 7 tuổi. Kết luận ở đây, trong bối cảnh của thuật ngữ này rõ ràng là riêng răng cối nhỏ thứ hai, không biểu hiện mọc chậm và răng cối sữa thứ hai không bị giữ lại quá mức. Như vậy, sẽ không thích hợp để nhổ răng sữa vào thời điểm này, mà nên đợi ít nhất vài năm nữa, trong thời gian đó răng có thể sẽ rụng bình thường.

Tóm lại, có bốn thông số khác nhau có thể giải thích sự tồn tại của một số răng sữa không phù hợp với tuổi theo thời gian của bệnh nhân. Mỗi thông số này đều có tác động lâm sàng và việc xác định bệnh nhân là một nhóm cụ thể sẽ quyết định bản chất của việc điều trị:
1. Bộ răng phát triển muộn: Ở tình trạng này, tuổi răng của bệnh nhân phát triển chậm hơn so với tuổi thật. Điều này được thể hiện rõ ràng trên X quang bởi sự hình thành chân răng ít hơn trong toàn bộ hàm răng so với dự kiến ở tuổi theo thời gian. Thông thường, điều này đi kèm về mặt lâm sàng bởi sự hiện diện liên tục và đối xứng của tất cả các răng cối và răng nanh ở cả hai bên hàm. Ở đây, việc nhổ răng sữa là chống chỉ định, vì răng được cho là sẽ tự rụng bình thường khi đạt đến độ tuổi răng thích hợp.
2. Răng phát triển bình thường với răng sữa tồn tại lâu: Trong tình trạng này và mặc dù thực tế là tuổi răng của bệnh nhân tương đương với tuổi theo thời gian, phim chụp X quang cho thấy một hoặc nhiều răng vĩnh viễn, cho thấy chân răng phát triển tốt nhưng vẫn chưa mọc, tức là đã vượt quá thời gian mọc dự kiến. Trong hầu hết các ví dụ về tình trạng này, sự bất thường có xu hướng khu trú ở một vùng duy nhất của bộ răng. Điều này có thể là do mầm răng vĩnh viễn nằm lệch vị trí, chỉ kích thích sự tiêu một phần chân răng của răng sữa phía trên. Sự rụng răng sữa không xảy ra do vẫn còn một phần chân răng hoặc của một chân răng khác chưa tiêu. Thật vậy, đôi khi tình trạng này có thể được tìm thấy đối xứng ở một cung răng hoặc thậm chí ở cả hai cung răng. Trong tình trạng này, phương pháp điều trị được khuyến nghị là nhổ răng sữa tồn tại lâu trên cung hàm.
3. Bộ răng phát triển bình thường với một hoặc nhiều răng vĩnh viễn mọc muộn: Tình trạng này thường gặp liên quan đến răng cửa bên hàm trên và răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới. Việc rụng răng sữa bình thường được cho là sẽ xảy ra khi chân răng vĩnh viễn đạt được 2/3 đến 3/4 chiều dài dự kiến của nó. Theo đó, việc nhổ các răng sữa tương ứng là điều nên tránh.
4. Sự kết hợp của những điều trên: Đôi khi người ta có thể thấy các đặc điểm của cả ba nhóm trên trong một bộ răng. Trong trường hợp như vậy, phương pháp điều trị được khuyến nghị sẽ cần phải đa dạng và chọn lọc, mỗi tình trạng bệnh lý sẽ được điều trị theo cách thích hợp.
Tầm quan trọng của việc chẩn đoán cẩn thận và phân biệt các tình trạng trên không thể bị bỏ qua. Tất cả các khía cạnh của việc lập kế hoạch và thời gian điều trị cho bệnh nhân có răng ngầm phụ thuộc hoàn toàn vào chẩn đoán chính xác.
3. Khi nào răng được xem là mọc ngầm?
Dựa trên các nguyên tắc do Grøn đặt ra, người ta đã chấp nhận rộng rãi rằng, trong những trường hợp bình thường, một răng mọc lên khi chân răng đang phát triển và có khoảng 3/4 chiều dài chân răng cuối cùng. Thông thường, khi mọc lên thì các răng cửa giữa hàm dưới và răng hàm lớn thứ nhất sẽ có chân răng phát triển ít hơn một chút, trong khi đó các răng nanh hàm dưới và răng hàm lớn thứ hai sẽ có chân răng phát triển nhiều hơn một chút. Hiện nay điều này được chấp nhận rộng rãi như một cơ sở chẩn đoán để đánh giá sự mọc răng nói chung.
Vì vậy, khi một răng mọc lên có chân răng phát triển ít hơn (Hình 1.7), sẽ thích hợp nếu gọi nó là răng mọc sớm. (Điều này thường là hậu quả của việc mất sớm một chiếc răng sữa, đặc biệt khi việc nhổ răng được quyết định do sự hiện diện của bệnh lý quanh chóp, điển hình là do sâu răng không được điều trị.)

Ngược lại, nếu một răng chưa mọc có chân răng đã phát triển hoàn thiện hơn thì quá trình mọc răng này phải được coi là đã bị cản trở. (Điều này có thể được gây ra bởi một trong nhiều căn nguyên nào đó, chẳng hạn như sự không tiêu chân răng sữa, hoặc hướng mọc bất thường, sự hiện diện của một răng dư, hoặc tình trạng chen chúc răng, có thể là do nang mọc răng/u răng quá lớn, hoặc bất kỳ dạng bệnh lý mô mềm nào khác hoặc rối loạn trong cơ chế mọc răng). Không nên bỏ qua khả năng của việc không mọc răng cũng có thể là do niêm mạc dày lên sau khi nhổ hoặc sau chấn thương.
Cần lưu ý rằng nếu có tiền sử nhổ một hoặc hai răng cối sữa sớm, chúng ta có thể thấy rằng sẽ có một sự chậm trễ đáng kể trong quá trình mọc răng cối nhỏ, thậm chí là không mọc hoàn toàn, gây ra bởi một niêm mạc dày lên trên răng. Thông thường, trong khoảng thời gian từ một năm trở lên, người ta có thể sờ những chiếc răng này do đường viền khác biệt của chúng hiện rõ và gây ra tình trạng nướu phồng lên. Tuy nhiên, không có bất kì dấu hiệu nào của sự mọc răng.
Nguồn: Becker, A., & Becker, L. C. (2022). Orthodontic treatment of impacted teeth. Wiley-Blackwell.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/