1. Kết nối phục hình
Có nhiều thiết kế khác nhau cho kết nối implant – abutment. Chúng có thể là kiểu kết nối bên ngoài hoặc bên trong dựa vào vị trí của kết nối so với phần thân của implant. Các kết nối phục hình bên ngoài, chủ yếu là hình lục giác. Các kết nối trong có cấu trúc hình học kết nối bên trong thân implant. Cả hai loại kết nối đều có lịch sử sử dụng an toàn và hiệu quả, và đã được ghi chép đầy đủ trong các tài liệu lâm sàng.
Kết nối phục hình có nhiều chức năng. Nó đóng vai trò là điểm nối giữa implant và phục hình, được sử dụng để truyền các lực cần thiết để đặt implant vào xương, và định hướng các phần của phục hình. Trong hầu hết các thiết kế implant hiện đại, phục hình được gắn chặt vào implant bằng vít abutment. Bởi vì tải trọng truyền từ phục hình sang implant tại kết nối nên kết nối phải đủ mạnh để chịu được bất kỳ lực liên quan nào về mặt lâm sàng. Đường kính và tiết diện của implant và vít abutment cũng có ý nghĩa quyết định đến độ bền tổng thể của kết nối phục hình.

Các kết nối ngoài là những kết nối đầu tiên được sử dụng rộng rãi trên implant kiểu vít. Implant Branemark external hex, với hex bên ngoài cao 0,7 mm, được thiết kế để kết nối với 1 ngàm cố định để đặt implant và sau đó kết nối với phần xuyên niêm mạc của phục hồi cho một cung hàm mất răng. Kết nối hex bên ngoài hoạt động tốt cho phương thức điều trị này; tuy nhiên, nó không lý tưởng khi được sử dụng cho các phục hình mão đơn và mất răng bán phần vì vít abutment phải chịu tải trọng bên nhiều hơn so với các phục hình có nẹp, và việc tăng chiều cao của hex bên ngoài (để cung cấp khả năng chống chịu nhiều hơn đối với lực theo hướng bên) làm cản trở abutment góc.
Kết nối trong được phát triển để khắc phục một số trở ngại do sử dụng kết nối ngoài trong những trường hợp bị mất răng bán phần. Mong muốn có được một kết nối implant chắc chắn hơn, ổn định hơn đã dẫn đến sự phát triển của kết nối trong được sử dụng rộng rãi ngày nay. Một trong những thiết kế kết nối trong đầu tiên được áp dụng rộng rãi là kết nối lục giác bên trong với góc 45 độ. Thiết kế hex bên trong vẫn được sử dụng rộng rãi hơn 30 năm sau khi nó được phát triển lần đầu tiên. Thiết kế của kết nối hex bên trong đã giảm thiểu một số thách thức cố hữu của kết nối hex bên ngoài, chẳng hạn như abutment góc và phần vát (lead-in bevel) ổn định kết nối tốt hơn chống lại các lực nghiêng, giảm tỷ lệ nới lỏng vít. Một kết nối trong khác được sử dụng rộng rãi là kết nối implant hình nón. Kết nối hình nón sâu hơn bên trong thân implant, và góc của giao diện abutment nhỏ hơn. khu vực giao diện kết nối cải thiện độ ổn định của trụ, độ vừa vặn và hiệu suất làm kín. Caricasulo và cộng sự đã xem xét ảnh hưởng của kết nối abutment-implant với tình trạng mất xương quanh implant và nhận thấy rằng các kết nối hình nón biểu hiện sự mất xương thấp hơn trong thời gian ngắn và trung bình so với các kết nối ngoài. Quaresma và cộng sự đã tiến hành phân tích implant kết nối lục giác bên trong và implant kết nối hình nón. Họ phát hiện ra rằng implant kết nối hình nón được kết nối với một abutment hình nón vững chắc bên trong, tạo ứng suất thấp hơn lên xương ổ răng và phục hình, và ứng suất lớn hơn lên trụ so với implant kết nối lục giác bên trong. Hansson đã sử dụng phân tích để nghiên cứu sự phân bố của ứng suất trong xương cho các implant kết nối hình nón được đặt ngang xương. Ông phát hiện ra rằng ứng suất cao nhất ở xương do tải trọng theo chiều dọc lan xuống sâu hơn trong xương khi giao diện abutment-implant hình nón. Các kết nối phục hình hình nón cung cấp một kết nối abutment ổn định, ứng suất trên xương thấp hơn khi được đặt ngang với xương viền và khả năng chịu tải trọng theo chiều dọc cao.

2. Ren của implant
2.1. Bước ren
Bước ren (thread pitch) là khoảng cách từ 1 điểm trên 1 ren tới điểm tương ứng trên ren kế cận, theo trục dọc.
Lead là khoảng cách theo chiều dọc trục mà ren xoay hết 1 vòng của chính nó. Đối với ren 1 đầu mối, pitch và lead giống nhau. Với ren nhiều mối, lead gồm nhiều bước ren. Với ren 2 đầu mối, 1 lead là 2 pitch. Với ren 3 đầu mối, 1 lead là 3 lần pitch.


Mặc dù implant tiến xa hơn vào xương sau mỗi vòng quay trên implant nhiều mối, nhưng diện tích bề mặt không tăng lên vì bước ren vẫn giữ nguyên. Bước ren nhỏ hơn làm tăng diện tích bề mặt và được cho là cải thiện sự phân bố ứng suất trong xương. Orsini và cộng sự đã được thử nghiệm implant với bước ren 0,5 mm và 1,7 mm để tích hợp xương sau 0 ngày, 4 và 8 tuần trong mô hình xương chậu ở cừu. Những phát hiện của họ cho thấy rằng neo cơ học ban đầu và sự tích hợp xương sớm trong xương mật độ thấp có thể được cải thiện bằng cách giảm bước ren. Bước ren nhỏ hơn làm tăng sự tiếp xúc giữa xương với implant và độ ổn định ban đầu kể từ thời điểm đặt implant, đồng thời lượng xương mới lắng đọng nhiều hơn và trưởng thành hơn tại bề mặt tiếp xúc. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng, tất cả các yếu tố khác như nhau thì bước ren nhỏ hơn 1,7 mm là tối ưu hơn cho sự ổn định sơ khởi và tích hợp xương.
Tuy nhiên, do sự tương tác giữa bước ren, dạng ren và độ sâu của ren, bước ren tối ưu để phân bố ứng suất trong xương vỏ và xương xốp có thể khác nhau. Hassan và cộng sự đã sử dụng phân tích để khảo sát mức độ ảnh hưởng của số lượng ren trong cổ implant đối với ứng suất tại giao diện xương vỏ – implant. Nhìn chung, phân tích của họ cho thấy ứng suất cao nhất ở xương vỏ ở cổ implant và thấp nhất ở xương xốp bất kể số lượng ren tiếp xúc với xương vỏ. Mặt khác, việc giảm số lượng ren ở cổ dẫn đến giảm ứng suất ở cả hai loại xương. Ứng suất giảm dần trong xương vỏ và giảm đáng kể trong xương xốp khi số ren ở cổ của implant giảm xuống. Kong và cộng sự đã đánh giá tác động của bước ren implant lên ứng suất von Mises tối đa trong xương hàm và phức hợp implant abutment bằng phương pháp finite element. Bước ren được sử dụng trong phân tích nằm trong khoảng từ 0,5 đến 1,6 mm. Kết quả của họ cho thấy rằng dưới lực theo chiều dọc, ứng suất tương đương tối đa trong xương vỏ, xương xốp và phức hợp abutment-implant giảm lần lượt là 6,7%, 55,2% và 22,3% với sự thay đổi của bước ren, và 2,7%, 22,4 % và 13,0% tương ứng dưới lực theo chiều ngoài trong. Khi bước ren vượt quá 0,8 mm, ứng suất tối thiểu đạt được. Dữ liệu của họ chỉ ra rằng xương xốp nhạy cảm với bước ren hơn so với xương vỏ. Bước ren đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ implant nha khoa dưới tải trọng theo chiều dọc hơn là dưới tải trọng ngoài trong và bước ren lớn hơn 0,8 mm là lựa chọn tối ưu cho implant có ren về mặt cơ sinh học.
Trong một phân tích khác được tiến hành để tối ưu hóa và phân tích độ nhạy của các thông số ren implant, Geramizadeh và cộng sự đã phát hiện ra rằng bước ren 0,808 mm trong vùng thân implant là tối ưu để phân bố ứng suất. Tham số bước ren này dành cho ren hình chữ V và phù hợp chặt chẽ với phân tích của Kong và cộng sự. Các thông số bước ren tối ưu có thể thay đổi tùy theo hình dạng ren. Lan và cộng sự đã tiến hành phân tích sức căng của xương ổ răng xung quanh implant với thiết kế ren và bước ren khác nhau ở vùng răng hàm dưới. Phân tích của họ cho thấy bước ren tối ưu là 1,2 mm đối với implant ren tam giác. Implant có ren hình thang với bước ren là 1,6 mm có giá trị ứng suất thấp nhất trong số các implant ren hình thang. Mỗi hình dạng ren có một bước ren tối ưu duy nhất liên quan đến việc tập trung ứng suất xương thấp hơn. Bước ren cũng liên quan đến mô-men xoắn lúc đặt và thời gian cần thiết để đặt implant. Implant với nhiều ren hơn cũng đòi hỏi nhiều vòng quay hơn để đặt implant. Do đó, sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa implant với nhiều ren hơn và việc đặt sẽ cần nhiều lực hơn ở vùng xương dày đặc. Bước ren là một yếu tố ảnh hưởng đến cả độ ổn định chính và sự lành thương ban đầu của vị trí cấy ghép. Nó là một phần của các thông số tổng thể kết hợp với hình dạng ren và độ sâu của ren. Thay đổi bước ren tạo ra sự phân bố ứng suất, độ ổn định sơ khởi, số lượng và chất lượng của sự tích hợp xương.
2.2. Hình dạng ren
Hình dạng ren là một đặc điểm khác có tác dụng phân bố lực vào xương. Các dạng ren trong thiết kế implant nha khoa bao gồm hình vuông, dạng chữ V, dạng trụ và dạng trụ ngược. Những hình dạng ren này không dành riêng cho cấy ghép nha khoa. Chúng đã được điều chỉnh từ các hình dạng ren hiện có được phát triển cho các mục đích khác. Ren dạng chữ V được phát triển cho chỉ định lưu giữ chung. Ren vuông và ren trụ được phát triển để chịu tải nặng liên tục. Ren vuông và ren trụ có sườn của ren truyền lực vào xương, gần vuông góc với trục ren, trong khi trụ ngược có sườn gần vuông góc được định hướng ngược lại so với ren vuông và ren trụ. Các implant đòi hỏi sự cần thiết của một dạng ren được tối ưu hóa cho chức năng lâu dài (truyền tải) dưới các hướng tải trọng khớp cắn, ấn vào (ngược lại với kéo ra). Trụ hoặc ren vuông cung cấp một diện tích bề mặt được tối ưu hóa để truyền tải trọng nén, hướng xuống.

Nhiều thiết kế implant hiện đại sử dụng một ren trụ để truyền tải trọng nén (Hahn Tapered, Inclusive Tapered, Implant Direct) và một số thiết kế đã kết hợp thiết kế ren vuông (Ankylos, Biohorizons). Như với bước ren, hình dạng ren không hoạt động riêng lẻ tại giao diện implant-xương. Các yếu tố khác như hình dạng implant, bước ren, độ sâu ren và loại lực cũng ảnh hưởng đến việc truyền ứng suất đến xương xung quanh. Eraslan và İnan đã tiến hành phân tích 3D về ảnh hưởng của thiết kế ren đối với sự phân bố ứng suất trong vít implant cứng chắc. Họ đã phân tích độ tập trung ứng suất tối đa của các thiết kế ren chữ V, ren trụ, trụ ngược và ren vuông ở các vùng vỏ và xương xốp dưới tác dụng của tải trọng tĩnh 100N lên bề mặt khớp cắn của abutment. Kết quả phân tích của họ cho thấy ứng suất tại xương vỏ (18,3 MPa) cao hơn xương xốp (13,3 MPa), và ứng suất ở ren đầu tiên (18 MPa) cao hơn các ren khác (13,3 MPa). Nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng các thiết kế ren khác nhau không ảnh hưởng đến ứng suất von Mises tại cấu trúc xương nâng đỡ. Tuy nhiên, hình dạng ren đã ảnh hưởng đến ứng suất nén. Geng và cộng sự đã thực hiện phân tích của bốn dạng ren. Họ đã phân tích các dạng ren V, ren mỏng và hai dạng ren vuông có chiều rộng khác nhau dưới tải nghiêng. Kết quả của họ chỉ ra rằng ren chữ V và ren vuông lớn là hình dạng ren tối ưu cho việc cấy implant. Hướng lực ảnh hưởng đến sự phân bố ứng suất của các hình dạng ren được đánh giá trong nghiên cứu này. McAllister và cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá trong 2 năm đối với một implant có ren thay đổi ở vị trí nhổ răng. Kết quả của họ chỉ ra rằng implant ren thay đổi là một lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả ngay lập tức trong điều kiện chịu tải tức thời. Arnhart và cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng, nhằm so sánh hai phiên bản của implant ren thay đổi với thiết kế implant tiêu chuẩn trong các trường hợp chịu tải tức thì trong 36 tháng sau khi đặt. Kết quả của họ cho thấy mức độ xương ổn định hoặc cải thiện khi tái tạo xương trong 3 tháng đầu tiên sau khi đặt. Implant ren thay đổi cho thấy kết quả có thể so sánh với kết quả của implant tiêu chuẩn có ren trụ ngược trong các trường hợp chịu tải tức thì. Phân tich đã cho thấy ứng suất tương tự trong xương giữa các hình dạng ren khác nhau dưới lực cắn và phân bố ứng suất thuận lợi cho ren hình chữ V và hình vuông dưới tải trọng xiên. Các thử nghiệm lâm sàng thực tế trên người đối với các implant chịu tải ngay cho thấy hiệu suất rất tốt của các hình dạng ren biến đổi và trụ ngược sau 3 năm hoạt động. Do các ren của chúng truyền lực đến xương gần như vuông góc với trục implant nên ren trụ và ren vuông có hình dạng ren tối ưu trong điều kiện lực tải theo chiều dọc.
2.3. Độ sâu ren
Độ sâu ren được đo bằng khoảng cách giữa chân và đỉnh ren. Chiều sâu ren ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt chịu lực nén của sườn dưới của ren implant. Ren càng sâu, diện tích bề mặt có sẵn để truyền lực nén đến xương nâng đỡ càng lớn. Độ dày thành implant so với độ sâu ren là điều cần cân nhắc, đặc biệt đối với những implant có đường kính nhỏ, vì việc tăng khoảng cách giữa chân và đỉnh ren sẽ làm mất đi độ dày và sẽ ảnh hưởng đến độ bền của thân implant. Tăng độ sâu ren cũng làm tăng mômen đặt và độ ổn định sơ khởi trong xương mật độ thấp vì nó làm tăng sự tiếp xúc ban đầu của xương với implant. Trong xương đặc hơn, mô-men xoắn tăng lên của implant với độ sâu ren lớn hơn có thể yêu cầu sử dụng bone tap để đặt trụ implant hoàn toàn. Trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của độ sâu ren đến các tính chất cơ học của implant nha khoa, Lee và cộng sự đã thử nghiệm implant với bốn độ sâu ren khác nhau và nhận thấy rằng implant có độ sâu ren sâu hơn có giá trị mômen đặt trung bình cao hơn nhưng không có cường độ nén thấp hơn.
Độ sâu ren trong implant của nghiên cứu này được tăng lên bằng cách tăng đường kính chính của thân implant chứ không phải bằng cách giảm đường kính phụ của implant. Điều này duy trì một tiết diện tương tự và cường độ nén tổng hợp giữa các implant. Đối với implant có độ sâu ren sâu nhất (1,1 mm), việc tăng gấp đôi mật độ xương cũng làm tăng gần gấp đôi mômen đặt cần thiết. Trong một nghiên cứu phân tích về ảnh hưởng của chiều sâu và chiều rộng ren lên trụ implant chịu tải ngay lập tức, Ao và cộng sự đã phát hiện ra rằng chiều sâu ren lớn hơn 0,44 mm và chiều rộng từ 0,19 đến 0,23 mm gây ra ứng suất thấp nhất trong xương có độ đặc vừa phải. Chiều sâu ren có ảnh hưởng lớn hơn chiều rộng đối với ứng suất và độ ổn định sơ khởi của implant so với chiều rộng ren. Lực đặt không phải là một thành phần của nghiên cứu này. Bảng 3.5 cho thấy tương quan trong việc diện tích bề mặt do tăng đường kính chính của implant thay vì giảm đường kính phụ để tăng độ sâu của ren. Một trong hai phương pháp sẽ làm tăng độ sâu ren; tuy nhiên, việc tăng đường kính chính của implant sẽ tạo ra nhiều diện tích bề mặt tiếp xúc với xương hơn và có khả năng tiêu tán lực. Việc giảm đường kính phụ của implant cũng làm giảm độ dày thành và độ bền của implant, và nên tránh.


3. Vùng chóp implant
Vùng chóp của implant có các đặc điểm giúp đặt implant vào xương và bắt đầu sự gắn kết của trụ implant với xương xung quanh. Đầu của implant thuôn nhọn cho phép một phần chiều dài trục của implant đi vào vị trí cấy ghép trước khi nó tiếp xúc với thành của xương. Điều này giúp dễ dàng giữ cho trục implant thẳng hàng với trục của xương ổ và bệnh nhân thoải mái hơn vì không yêu cầu bệnh nhân phải há miệng nhiều. Implant thuôn thường khớp với phần chóp của mũi khoan implant được sử dụng để khoan xương, ngoại trừ một số implant có đường kính nhỏ được thiết kế để đặt sâu hơn vị trí được khoan để cải thiện độ ổn định sơ khởi. Đầu chóp của implant truyền thống phải có hình dạng tròn để giảm thiểu xác suất thủng màng xoang trong quá trình đặt. Đầu chóp trên các implant có đường kính nhỏ thường thuôn đến một điểm nhọn để tiến vào xương bên dưới lỗ khoan mà không cần chuẩn bị thêm ở vị trí đặt.


Vùng chóp có thể có lỗ hoặc khe xuyên qua thân implant để xương bám vào và tăng khả năng neo giữ chống lại lực xoắn, chẳng hạn như lực tháo healing và siết chặt các vít gắn phục hình vào implant. Những tính năng này vẫn còn được tìm thấy trên một số thiết kế implant đang được sử dụng ngày nay, chẳng hạn như Zimmer Screw-Vent; tuy nhiên, việc sử dụng chúng đã giảm dần do implant ngày nay đã có các đặc điểm khác phục vụ cùng mục đích. Thông thường, vùng chóp của implant kết hợp các vùng phẳng hoặc rãnh được sắp xếp theo chu vi trên thân implant và bắt nguồn từ vùng chóp để ổn định implant chống xoay và hỗ trợ việc đưa vào. Trong giai đoạn lành thương, xương sẽ phát triển dựa vào các vùng này, tạo thành một ma trận lồng vào nhau chống lại sự xoay. Các tính năng này cũng giúp cho việc tapping các ren của implant vào thành của ổ xương. Đối với các ren cải tiến, chúng tạo ra các vụn xương nhỏ tích tụ trong các vị trí này thay vì tích tụ ở đáy của implant hoặc bị ép vào thành của ổ xương, dẫn đến khó đặt trụ implant vào chiều sâu hoặc phải tăng lực đặt. Việc kết hợp đặc điểm tạo góc hoặc xoắn ốc ở vùng chóp của implant sẽ cải thiện hơn nữa hiệu suất tapping vì lực cắt được phân bổ trên một vùng lớn hơn.

4. Vật liệu implant
Vật liệu thích hợp cho cấy ghép nha khoa và các thành phần phục hình phải đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Vật liệu phải tương thích sinh học và có khả năng hoạt động ổn định mà không gây tổn thương hoặc thoái hóa xương và các mô xung quanh. Nó cũng phải có độ bền kéo và nén hoàn hảo để chống lại các lực gặp phải trong quá trình hoạt động và sự cố trong thời gian dài. Hơn nữa, vật liệu cấy ghép đòi hỏi độ bền đứt gãy tuyệt vời và khả năng chống mỏi đối với tải trọng theo chu kỳ. Cuối cùng, vật liệu được sử dụng trong cấy ghép nha khoa phải có đủ khả năng chống ăn mòn và mài mòn, và phải có mô đun đàn hồi càng gần với môđun của xương xung quanh càng tốt.
4.1. Tương hợp sinh học
Một số vật liệu thích hợp cho việc cấy ghép theo quan điểm tương thích sinh học. Hiện nay, hợp kim titan, titan tinh khiết thương mại, zirconia (zirconium dioxide, ZrO2) là những vật liệu sinh học đại diện được sử dụng rộng rãi cho cấy ghép nha khoa. Titan tinh khiết thương mại có lịch sử sử dụng lâu nhất và khả năng tương thích sinh học của nó với xương và các mô mềm đã được thiết lập rõ ràng. Hợp kim titan, chủ yếu là titan với nhôm, vanadi, niobi và zirconium khác nhau, cũng thể hiện tính tương hợp sinh học tuyệt vời cho cấy ghép nha khoa. Hợp kim titan thường được sử dụng nhất là titan cấp 5, chứa 6% nhôm và 4% vanadi. Mặc dù không được sử dụng thường xuyên như titan và hợp kim titan, zirconia đã được chứng minh là tương thích sinh học trong ống nghiệm và in vivo; nó có các đặc tính cấu trúc vi mô thú vị; và nó có tính chất dẫn điện.
4.2. Độ bền
Các đặc tính về độ bền kéo, nén và độ bền mỏi khác nhau giữa các vật liệu titan tinh khiết, hợp kim titan và zirconia thương mại. Các thông số kỹ thuật của titan và hợp kim titan được xác định trong thông số kỹ thuật B348.103 tiêu chuẩn ASTM Quốc tế, các thông số kỹ thuật cho titan nguyên chất thương mại được mô tả theo cấp 1 đến cấp 4 và thông số kỹ thuật titan hợp kim được mô tả theo cấp 5 trở lên. Titan cấp 4 mạnh hơn titan cấp 1 gấp đôi và titan cấp 5 mạnh hơn titan cấp 4 hơn 60%. Cấp 23 là dạng titan cấp 5 có độ tinh khiết cao hơn với các đặc tính chống mỏi tốt hơn. Các tính chất cơ học của titan cấp 1, 4, 5 và 23 được tóm tắt trong Bảng 3.6.

Zirconia có cường độ nén lớn hơn nhiều so với titan; tuy nhiên, nó có độ bền kéo tương đối kém và dễ bị uốn cong. Sức bền của vật liệu xác định lượng tải mà vật liệu đó có thể chịu được trước khi bị uốn cong hoặc đứt. Vật liệu cấy ghép bằng titan và zirconia có đủ sức bền tối đa để chống lại các tải trọng liên quan đến lâm sàng miễn là mặt cắt của bộ cấy ghép phải hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều implant thất bại do mỏi hơn là do tải trọng vượt quá sức bền của vật liệu. Độ bền mỏi, là tải trọng theo chu kỳ tối đa mà implant và phục hồi có thể chịu được lặp đi lặp lại mà không bị hỏng hoặc mất chức năng, là đặc tính phù hợp hơn. Độ bền mỏi liên quan đến sức bền vật liệu; tuy nhiên, nó bị ảnh hưởng ở bởi các điều kiện như chiều dài nhịp vói, hướng lực, cùng những điều kiện khác. Điều quan trọng là phải xác định giới hạn mỏi của implant kết hợp với các thành phần phục hình của nó để đảm bảo rằng nó sẽ có đủ sức bền để hoạt động đáng tin cậy. Giới hạn mỏi được thiết lập bằng thử nghiệm động lực học trong ống nghiệm thường phù hợp với tiêu chuẩn ISO 14801 về thử nghiệm tải động đối với implant.
4.3. Kháng mòn
Titan và các hợp kim của nó có khả năng chống ăn mòn vượt trội trong các điều kiện môi trường sinh lý. Chúng tự phát tạo thành lớp film thụ động titan oxit ở bề mặt, chống ăn mòn rất tốt trong môi trường miệng và ngay lập tức tạo lại nếu nó bị hư hỏng hoặc bị loại bỏ bằng các phương tiện cơ học. Zirconia về cơ bản là trơ trong môi trường miệng và không dễ bị ăn mòn kim loại. Tuy nhiên, zirconia dễ bị phân huỷ ở nhiệt độ thấp. Zirconi điôxít có ba trạng thái tinh thể: monoclinic ở nhiệt độ phòng, tetragonal trên 1170 ° C và cubic trên 2100 ° C. Zirconia nha khoa được ổn định ở trạng thái tetragonal bằng cách bổ sung ôxít yttri. Trạng thái tinh thể tetragonal chịu trách nhiệm về độ bền cao và độ dẻo dai đứt gãy của vật liệu Y-TZP (tinh thể tetragonal zirconium dioxide ổn định bằng yttrium). Tiếp xúc với nước có thể biến đổi zirconia từ pha tetragonal mạnh hơn sang pha monoclic yếu hơn, dẫn đến giảm sức mạnh của vùng bị ảnh hưởng. Chú ý cẩn thận đến kỹ thuật được đề nghị khi xử lý và điều chỉnh implant zirconia và phục hình.
4.4. Mô đun đàn hồi
Khi mô-đun đàn hồi của implant và xương xung quanh không khớp nhau, sự truyền ứng suất giữa implant và xương sẽ bị tổn hại. Mô-đun đàn hồi trung bình (một thước đo độ cứng) của xương vỏ dày là khoảng 16 GPa, so với mô-đun trung bình của titan tinh khiết thương mại cấp 4 (105 GPa), cấp 5 (Ti-6Al-4V) (109 GPa), và cấp 23 (Ti-6Al-4V ELI) (114 GPa). Trong khi đó, zirconia rất cứng (200 GPa). Lực tải trên implant zirconia sau khi quá trình tích hợp xương được đề xuất như một biện pháp giảm nhẹ để giảm khả năng mất xương ở mào xương ổ. Tại thời điểm này, hợp kim titan vẫn là vật liệu sinh học tốt nhất để cấy ghép nha khoa. Chúng có sự kết hợp tốt nhất giữa tính tương thích sinh học, sức mạnh, khả năng chống ăn mòn và hiệu suất mỏi khi chịu lực nhai lặp đi lặp lại. Chúng có một lịch sử lâu dài về việc sử dụng an toàn và hiệu quả đã được ghi nhận đầy đủ trong các tài liệu nha khoa, và chúng thích hợp để sử dụng ở mọi vùng trong miệng và mọi phương thức điều trị.
Nguồn: Resnik, R. R., & Misch, C. E. (2021). Misch’s contemporary implant dentistry. Elsevier.