Mình là một người thường xuyên dùng Facebook, lâu lâu lại mở điện thoại lên check notif, mess xem có gì mới không. Đôi lúc “check” rồi lại thấy mình đang lướt vô thức trên newsfeed. Dần dần mình thấy bản thân như 1 cái máy và hình như đang bỏ lỡ điều gì đó trong cuộc sống. Và đến khi đọc được quyển sách này thì mình cảm giác là, mình tìm được lối thoát rồi!
Cal Newport là 1 tác giả mình rất yêu thích với các đầu sách trước đây như Kỹ năng đi trước đam mê, Làm ra làm chơi ra chơi; sách của ông viết rất thực tế và lập luận rõ ràng, mang tính thuyết phục cao. “Lối sống tối giản thời công nghệ số” được bắt đầu với luận điểm: MXH hay các nhà cung cấp công nghệ số hiện nay đều giành rất nhiều tiền bạc và nhân lực để khiến chúng ta phải “nghiện” các nền tảng này. Số phút chúng ta giành cho MXH là số tiền mà các công ty kiếm được. Đồng nghĩa là, chúng ta không hề chủ động khi dùng MXH – chứ không phải chúng ta đang kiểm soát đời mình đâu! Họ thao túng chúng ta bằng 2 hình thức: đưa ra những phần thưởng mà chúng ta không đoán trước được (ví dụ số lượng like là bao nhiêu), và hình thức thứ 2 là thôi thúc tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội (cũng thông qua nút like).
Vậy nếu ai cảm thấy muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của MXH, thì có thể tìm đến chủ nghĩa “Tối giản hóa số”. Theo đó, mỗi ứng dụng có 1 tính năng cốt lõi, và chúng ta chỉ sử dụng tính năng này thôi. Và tính năng đó phải được lựa chọn (giữa vô vàn các công cụ) và phải được tối ưu hóa (có nghĩa là sắp xếp, lên lịch trình sử dụng). Tác giả ủng hộ chủ nghĩa “tối giản số” này vì nó giúp dọn dẹp đời sống – “bạn phải hy sinh bao nhiêu thời gian và sự chú tâm để nhận được lợi ích nhỏ nhặt của việc duy trì sự hiện diện trên Twitter (là thi thoảng kết nối được với 1 người thú vị và nghĩ ra 1 ý tưởng hay ho)?”. Bên cạnh giúp dọn dẹp đời sống, ông còn đề cập đến 1 đường cong hiệu suất, nghĩa là càng thêm công cụ thì hiệu suất sẽ càng đi ngang nếu k được tối ưu hóa (thành ra xài công nghệ càng nhiều thì tốn thêm thời gian chứ không thu lại được bao nhiêu). Và ý tưởng cuối cùng ủng hộ chủ nghĩa này là – chúng ta sẽ thu được sự chủ ý, sống có mục đích hơn.
Để dọn dẹp không gian số, chúng ta cần thực hiện việc này nhanh chóng và dứt khoát (nếu không các công ty sẽ lại bỏ bùa chúng ta). Tác giả đề xuất một chế độ kiêng khem 30 ngày, dùng MXH ít nhất có thể (dừng hoàn toàn, hoặc đề ra quy tắc như sử dụng vào lúc nào, mỗi lần là bao lâu). Trong 30 ngày đó, tự tìm cho mình những hoạt động đem lại sự hài lòng và làm cho cuộc sống ý nghĩa. Sau khi kết thúc 30 ngày, cùng nhìn lại xem các công nghệ nào cần thiết và cách sử dụng như nào thì hiệu quả.
Trong phần 2 của quyển sách, tác giả đưa ra 1 số bước thực hành nhằm giúp chúng ta ổn định, cân bằng cuộc sống thực với cuộc sống số. Các “bài tập” đó có thể là: dành thời gian ở 1 mình (không đem điện thoại theo khi ra ngoài, hoặc cất đt ở đáy balo khi ra ngoài; đi bộ 1 mình để suy ngẫm; tự viết thư cho chính mình); Đừng nhấn nút thích (đại ý rằng, đừng coi MXH là 1 công cụ duy trì kết nối với mọi người, vì kết nối này có chất lượng rất thấp; hãy ra ngoài cùng trò chuyện, đặt khung thời gian bạn rảnh cố định để người khác có thể gọi cho bạn,…); Lấy lại sự thư giãn (trong thời gian rảnh, hãy làm 1 cái gì đó đòi hỏi kỹ năng vật lý như xây, sửa cái gì đó; lên lịch cho các hoạt động giải trí chất lượng thấp); Tham gia vào phong trào kháng lại sự chú ý (bằng các cách như xóa ứng dụng MXH khỏi điện thoại, set up để điện thoại, laptop chỉ làm được 1 việc trong 1 thời điểm, đọc tin tức từ những nguồn chọn lọc thôi – không đọc tràn lan, dùng stupid phone).
Những cách thực hành của tác giả nghe qua thì có vẻ cực đoan và hơi khó thực hiện, nhưng được ông giải thích rất hợp lý và chặt chẽ. Và thực sự ông không bài xích sử dụng công nghệ, mà phải làm chủ để chúng phục vụ cho cuộc sống (ví dụ xóa MXH khỏi điện thoại, nhưng vẫn có thể truy cập trên web, nhằm khiến chúng ta phải lên lịch trình để sử dụng MXH sao cho hiệu quả hơn). Một chút tóm tắt trên đây để các bạn nắm bắt nội dung chính của quyển sách, rồi đưa ra quyết định có nên đọc hay không ^^ vì khi đọc cụ thể chúng ta sẽ nắm bắt ý tưởng của tác giả cũng như các phân tích, lập luận nó rõ ràng hơn.
Chúc cho những ai đang gặp vấn đề về việc sử dụng MXH có thể có những thay đổi tích cực hơn!
(7.5/10)
