Là một người luôn tự hỏi thế giới này hình thành ra sao, con người tồn tại vì mục đích gì nên mình rất thích tìm hiểu về tôn giáo – về lịch sử và triết lý của các tôn giáo nhằm tìm kiếm sự thật, và giải đáp cho những thắc mắc của bản thân. Tuy nhiên vẫn chưa có quyển sách nào làm thỏa mãn những thắc mắc của mình, ví dụ như Moses là ai, ông đã dẫn dắt con dân Do Thái như thế nào, rồi chúa Jesus hay Muhammad đã hình thành nên tôn giáo của họ ra sao, tại sao đạo Hindu lại là 1 tôn giáo quá lớn ở Ấn Độ… Tất cả những thắc mắc đó cứ tích tụ lại dần khi mình đọc những quyển sách khác, bởi chúng viết khá sơ sài và hầu như chỉ sơ lược về các tôn giáo. Và đến khi đọc Lược sử tôn giáo thì mình thực sự quá phấn khích bởi lượng thông tin mà tác giả đưa đến cho mình, nó thật vừa vặn với những gì mình mong muốn!
Lối kể chuyện theo từng tôn giáo, timeline rõ ràng giúp mình hình dung ra sự hình thành và phát triển của các tôn giáo một cách cụ thể nhất. Bản dịch của Nhã Nam rất chỉn chu và dễ hiểu giúp mình tiếp thu dễ dàng và liền mạch hơn. Và điều quan trọng nhất mà mình tìm kiếm khi tìm đọc về tôn giáo đó là bản chất và tư tưởng của các nhà sáng lập đã được truyền tải 1 cách chính xác và thuần khiết nhất. Nó làm mình cảm thấy thỏa mãn và có cái nhìn khách quan hơn với các tôn giáo so với trước khi đọc quyển sách này. Sách đi từ Ấn Độ với Hindu giáo, Phật giáo, đạo Sikh rồi sang đến Trung Đông – châu Âu với Do Thái giáo, Kito giáo,… hay sang đến Nhật Bản với Thần đạo. Những câu chuyện, những giải thích về triết lý trong mỗi tôn giáo đều rất cuốn hút giúp mình hiểu rõ hơn cách mà người xưa nhìn nhận thế giới. Đan xen giữa những câu chuyện là suy nghĩ của tác giả về sự suy diễn, xuyên tạc của những người kế thừa đã khiến tôn giáo bị méo mó ra sao – những phân tích rất khách quan đem lại cho mình sự thông cảm với những tôn giáo đó. Trước khi đọc, mình nghĩ chắc tác giả sẽ có 1 sự ưu ái dành cho Kito giáo hoặc Phật giáo (là những tôn giáo mà mình nghĩ tác giả đang theo), nhưng không – xuyên suốt quyển sách là sự khách quan và khoa học, không hề có sự ưu tiên và bêu xấu tôn giáo khác nào ở đây cả! Mình yêu quyển sách này ở điểm đó! Tuy nhiên, đối với kẻ chỉ muốn tìm hiểu triết lý và tầm nhìn ban đầu của các tôn giáo, thì phần sau quyển sách (nói về sự phát triển và phân nhánh của Kito giáo) làm mình thấy hơi chán và thừa.
Nhưng tóm lại, đây là 1 quyển sách rất hay, dễ đọc và trình bày khoa học. Tác giả hẳn phải có sự nghiên cứu và chắt lọc kỹ lưỡng lắm mới viết được như vậy. Với những ai quan tâm đến lịch sử tôn giáo, triết học, chính trị thì đây là 1 quyển sách mở đầu cơ bản để chúng ta có cái nhìn cởi mở nhất với thế giới này!