Cách đây không lâu mình có đọc được 1 quyển sách về tâm linh có đề cập đến thế giới quan khi nhìn qua lăng kính của vật lý lượng tử. Là 1 người tin vào tâm linh và “Thượng đế” nhưng lại có 1 tinh thần “em yêu khoa học” nên mình cảm thấy rất thú vị khi có thể sử dụng 1 phần khoa học để giải thích những hiện tượng tâm linh. Đó chính là lý do mình đọc quyển sách này, để hiểu rõ hơn về thế giới vật lý quanh mình.
Đọc xong quyển sách, mình có phần hơi hụt hẫng, vì những gì sách đề cập chỉ chủ yếu là về lịch sử phát triển của vật lý – từ quan điểm vật chất ở dạng hạt, sang quan điểm sóng, rồi lại đứng giữa ranh giới giữa sóng và hạt (ở vật lý lượng tử). Điều mình thấy hay là nó đi từng thời điểm, cách kể chuyện của tác giả cũng thú vị có đầu có đuôi, khiến mình muốn tìm hiểu tiếp xem những gì sẽ xảy ra. Đây là 1 quyển sách hay dành cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử và các nhà vật lý học vĩ đại đã có công đưa chúng ta đến những phát triển ngày nay. Còn với những gì mình mong đợi – được tìm hiểu về những quan điểm sâu xa, mang tính triết học, hay những cuộc chiến giữa Einstein và phe Vật lý lượng tử, thì thực sự quyển sách này chưa đề cập đến. Thực ra có đến 2/3 quyển sách là nói về Vật lý cổ điển lận, chỉ 1/3 cuối là nói về Lượng tử, vậy có nên đặt 1 cái tên quá kêu như vậy không nhỉ?
Dù vậy, theo mình đây vẫn là 1 quyển sách nên đọc, nó cho chúng ta thấy được rõ hơn các thành tựu của các nhà khoa học, đồng thời cảm nhận được những “cái tôi” của họ – những cái tôi cần có để phản biện, để bảo vệ lập trường của mình. Chính nhờ vậy chúng ta mới có những cơ sở khoa học vững chắc cho vật lý ngày nay!