Mất tiếp xúc bên (interproximal contact loss – ICL) giữa các phục hình implant và răng liền kề đã được báo cáo. Một số nhà nghiên cứu đã điều tra sự phổ biến của ICL giữa các phục hình implant và răng liền kề. ICL giữa các phục hình implant và răng liền kề là tình trạng không có tiếp xúc giữa phục hình implant và răng liền kề mà trước đó đã được bác sĩ lâm sàng thiết lập. Một nghiên cứu gần đây đã báo cáo rằng độ khít tiếp xúc bên giữa các phục hình implant và răng giảm đáng kể tiếp xúc gần và xa theo thời gian, đặc biệt là ở phía gần. Trong cùng một nghiên cứu, các tác giả đã chỉ ra rằng những thay đổi lớn đã xảy ra trong giai đoạn 3 tháng đầu sau khi gắn răng. ICL có thể tạo ra sự giắt thức ăn, dẫn đến các khiếm khuyết nha chu, sâu tái phát và các biến chứng quanh implant. Các cấu trúc quanh implant dễ bị bệnh lý hơn so với răng tự nhiên.

Nhiều yếu tố sinh lý khác nhau có thể góp phần hình thành các tiếp xúc hở giữa răng và PH trên implant. Những thay đổi về tăng trưởng sọ-mặt xảy ra trong quá trình trưởng thành cần được nhấn mạnh. Điều này rất quan trọng khi lập kế hoạch điều trị implant. Bài báo này nhằm mục đích trình bày sự phổ biến và các yếu tố có thể góp phần gây ra ICL giữa phục hồi implant và răng kế bên. Một mục tiêu bổ sung là đưa ra các khuyến nghị về khả năng phòng ngừa và điều trị biến chứng này.
1. Kết quả
1.1. Mất tiếp xúc bên
Y văn cho thấy tỷ lệ ICL cao giữa các phục hình implant và răng liền kề. Tiếp xúc gần bị ảnh hưởng nhiều hơn phía xa. Bảng 1 cho thấy tỷ lệ ICL giữa các phục hình implant và răng. Các nghiên cứu này được trình bày và so sánh bằng cách cung cấp tỷ lệ ICL, tiếp xúc gần so với xa, hàm trên so với hàm dưới, phía sau so với phía trước, loại nghiên cứu được tiến hành, số lượng đối tượng, độ tuổi của đối tượng và thời gian phân tích ICL cho từng nghiên cứu. Theo xác định của tổng quan tài liệu, ICL ở hàm trên dao động từ 18% đến 66% so với 37% đến 54% ở hàm dưới. Một nghiên cứu gần đây báo cáo rằng trong số những bệnh nhân bị ICL, một tỷ lệ đáng kể (40%) biết về sự hiện diện của ICL và tình trạng giắt thức ăn. Sự nhét thức ăn giữa các răng trên implant và răng liền kề có thể dẫn đến các biến chứng như khiếm khuyết nha chu, sâu răng tái phát và biến chứng quanh implant. Cấu trúc quanh implant dễ bị bệnh lý hơn so với răng tự nhiên.

Các yếu tố sau đây có thể được coi là nguyên nhân gây ra ICL. Năm 1938, Downs đã liệt kê bốn yếu tố sau đây liên quan đến sự di chuyển về phía gần của răng:
- Các yếu tố về cấu tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm trên và xương hàm dưới. Sự phát triển liên tục của xương hàm trên và xương hàm dưới có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của răng.
- Thành phần lực phía trước. DiPietro và Moergeli tuyên bố rằng những bệnh nhân có FMA (góc mặt phẳng Frankfurt-hàm dưới) cao sẽ biểu hiện thành phần lực phía trước cao hơn, tạo ra tỷ lệ ICL cao hơn. Nghiên cứu của họ đã xác nhận sự tồn tại của lực thành phần phía trước. Dựa trên kết luận này, các nhà nghiên cứu khác tuyên bố rằng khi đặt lực lên răng sau, lực nhai được truyền về phía trước qua các điểm tiếp xúc bên và vượt qua đường giữa.
- Downs cho rằng cơ miệng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình di chuyển răng.
- Thiếu khả năng chống lại hai lực ngược chiều (gây ra bởi sự xáo trộn các điểm tiếp xúc bên của răng).
1.2. Các yếu tố bổ sung cho sự xuất hiện của ICL
Mặc dù Downs đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu có tính chất khởi đầu về ICL, các nhà nghiên cứu khác đã đóng góp vào y văn và đề xuất sau các yếu tố gây bệnh bổ sung của ICL. Các yếu tố này có thể được chia thành ba loại cụ thể: nguyên nhân di chuyển răng, nguyên nhân liên quan đến mão răng và nguyên nhân liên quan đến sự hình thành/phát triển xương.
Nguyên nhân di chuyển răng
Moss và Picton cho rằng việc loại bỏ tiếp xúc bên cho phép hệ thống sợi nướu xuyên vách tiếp xúc và tạo ra sự tiếp xúc của các răng gần nhau. Xu và cộng sự phản đối kết luận trên, cho rằng các sợi xuyên vách trong quá trình mọc răng hàm không chịu trách nhiệm khiến răng di chuyển về phía gần và cho rằng sự di chuyển về phía gần của răng có liên quan đến việc tái tạo xương ổ răng và sự phân bổ ứng suất trong xương. Wei và cộng sự đã chứng minh lực nhai lớn trên răng bên cạnh có thể làm tăng sự di chuyển về phía gần. Orban vào năm 1966 cho rằng sự di về phía gần của răng là một quá trình tự nhiên để bù đắp cho sự mài mòn. Quan điểm nhân học nêu rằng có một mối quan hệ trực tiếp giữa lực nhai, sự mòn mặt bên và sự di chuyển về phía gần của răng. Tải lực nhai từ việc nhai thức ăn cứng gây ra sự mài mòn và chịu trách nhiệm cho sự di chuyển của các răng, dẫn đến sự mòn kẽ răng. Sự mài mòn ở phía gần nhanh hơn sự mòn ở phía xa, tạo ra độ lõm ở phía gần.
Nguyên nhân liên quan đến mão răng
Naves và cộng sự, trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi xem xét các giá trị ứng suất, mão răng có nẹp và mão răng có bề mặt tiếp xúc rộng ít ICL hơn. Các yếu tố như vị trí và kích thước của điểm tiếp xúc giữa các răng và chân răng phân kỳ đã được nêu ra là những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hở tam giác nướu, đọng thức ăn và sự do đó tạo tiếp xúc hở.
Nguyên nhân liên quan đến sự hình thành/phát triển xương
Những thay đổi trong phức hợp răng-ổ răng trong quá trình trưởng thành có thể ảnh hưởng đến cung răng và tạo ra ICL. Bệnh nhân từ 25 đến 45 tuổi cho thấy chiều cao mặt trước tăng 1,6 mm. Sự phát triển và tái tạo tiến triển này của xương hàm trên và xương hàm dưới có thể khiến răng dịch chuyển. Forsberg và cộng sự, Tallgren và Solow, và Ainamo và Talari đã chứng minh những thay đổi đáng kể trong hệ thống răng-ổ răng và sự phát triển của ổ răng tiếp tục từ 23 đến 65 tuổi. Răng di theo chiều ngang và chiều dọc. Nhìn chung hàm trên đi xuống dưới vượt quá răng dưới đi lên trên do sự mở rộng của khoang mũi hàm trên. Quá trình răng di chuyển liên quan đến khía cạnh 3D. Sự lắng đọng xương xuống dưới và phía trước trên thành ổ răng phía xa (của răng trên) đi cùng sự tiêu xương của thành gần, buộc răng di chuyển theo hướng về phía trước và phía dưới. Điều này chỉ ra rằng sự di răng không chỉ đơn thuần là bản chất về phía gần. Dastmalchi và cộng sự đã liên hệ sự di gần của răng với độ dày của xê măng liên quan do kích thích chức năng từ sự di gần theo thời gian. Giá trị trung bình theo thời gian lớn hơn đáng kể ở phía xa của răng cối nhỏ và răng cối lớn.
2. Thảo luận
Y văn cho thấy ICL nên được đưa vào như một biến chứng implant có nguy cơ cao. Các nghiên cứu điều tra ICL (Bảng 1) đã được xác định và so sánh, cung cấp tỷ lệ phần trăm ICL, bề mặt gần so với xa, hàm trên so với hàm dưới, sau so với trước, loại nghiên cứu được tiến hành, số lượng bệnh nhân được sử dụng, độ tuổi của bệnh nhân và thời gian phân tích ICL cho mỗi nghiên cứu.
3. Sự phát triển của sọ mặt và ý nghĩa của nó đối với implant tích hợp xương
Người ta tin rằng implant bị cứng khớp. Năm 1972, McNamara đã chứng minh được sự di ra trước-dưới của răng hàm trên và sự dịch chuyển ra trước của implant kim loại ở vùng mũi-hàm trên phía trước. Sự dịch chuyển của răng vượt quá sự dịch chuyển ra trước của implant. Sự khác biệt giữa chúng biểu hiện thành sự dịch chuyển về phía gần của răng thật. Sự dịch chuyển ra sau của răng vượt quá sự dịch chuyển của implant, vốn là rất nhỏ. Sự dịch chuyển này liên quan đến ma trận chức năng, cùng với sự phát triển của xương bù trừ. Xương hàm trên và xương hàm dưới liên tục tái tạo và tái cấu trúc, và răng bị dịch chuyển. Một nghiên cứu gần đây đã điều tra sự phát triển sọ mặt suốt đời và ý nghĩa của nó đối với implant tích hợp xương, kết luận rằng sự phát triển sọ mặt liên tục của người lớn góp phần vào những thay đổi về khớp cắn, trong các tiếp xúc bên giữa các răng implant và răng bên cạnh, và trong những thay đổi về kết quả thẩm mỹ răng trước.
Sự phát triển của sọ mặt nên được cân nhắc cẩn thận trong quá trình lập kế hoạch điều trị cho người lớn để phục hồi implant. Thilander và cộng sự đã chỉ ra bản chất cứng khớp của implant nha khoa, với Sennerby và cộng sự cho rằng sự tồn tại của implant nha khoa ở lợn đang lớn đã ngăn cản sự phát triển thêm của xương ổ răng. Ödman và cộng sự đã chứng minh rằng implant bị cứng khớp trong quá trình phát triển ở lợn con. Những răng mới mọc cao hơn và về phía ngoài hơn so với implant. Các nhà nghiên cứu khác, chẳng hạn như Op Heij và cộng sự, đã chỉ ra rằng tuổi tác không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với việc đặt implant nha khoa ở bệnh nhân vị thành niên. Bishara và cộng sự đã chỉ ra tình trạng chen chúc với sự di chuyển về phía gần của răng khi tuổi tăng lên. Họ đã xác định những thay đổi đáng kể xảy ra ở cả cung răng và những thay đổi về hướng phát triển giữa các giới tính. Ở nam giới, sự phát triển theo cùng một hướng như ở tuổi vị thành niên, và ở nữ giới, sự phát triển theo chiều dọc nhiều hơn. Độ sâu và chiều dài của cung răng giảm dần theo tuổi tác và thường liên quan đến tình trạng chen chúc gia tăng. Người ta đã ghi nhận được sự giảm tới 1,6 mm ở cung hàm trên (0,6 mm ở cung hàm dưới).
Trong một nghiên cứu khác, Bishara và cộng sự phát hiện rằng từ giữa tuổi vị thành niên đến giữa tuổi trưởng thành, tình trạng chen chúc tăng 2,7 mm ở xương hàm dưới và 1,9 mm ở xương hàm trên ở nam giới và 3,5 mm ở xương hàm dưới và 2,0 mm ở xương hàm trên ở nữ giới. Tình trạng chen chúc tăng lên này và những thay đổi về hình dạng cung hàm có thể có tác động đáng kể, đặc biệt là đối với implant một răng ở bệnh nhân có những thay đổi về tăng trưởng cao. Mất nhiều răng có thể dẫn đến ít tăng trưởng ở mặt trước hơn. Vì mất nhiều răng làm giảm sự tăng trưởng theo chiều dọc nên tác động của việc mất một răng đơn lẻ có lẽ là tối thiểu. West và McNamara đã chứng minh rằng răng hàm trên vẫn tiếp tục mọc trong suốt thời kỳ trưởng thành. Họ cho rằng răng hàm trên đã mọc và di chuyển về phía trước trong suốt thời kỳ trưởng thành.
Trong thời kỳ trưởng thành, cả xương hàm trên và xương hàm dưới đều phát triển xuống dưới và về phía trước, xa khỏi nền sọ. Sự thay đổi xảy ra ở vị trí và chiều dài xương hàm dưới theo tuổi tác. Sự phát triển xương hàm dưới theo chiều ngang nhiều hơn ở nam giới, trong khi ở nữ giới, sự phát triển theo chiều dọc nhiều hơn với sự xoay ngược của xương hàm dưới xảy ra. Ngoài ra, ở nam giới, sự phát triển theo chiều dọc nhiều hơn có thể được xác định ở vùng sau của xương hàm trên và xương hàm dưới. Có thể thấy sự thay đổi của xương hàm trên lên tới 5 mm trong khoảng thời gian 60 năm.
Vì nguyên nhân gây ra ICL có vẻ là đa yếu tố nên không thể ngăn ngừa được. Những thay đổi của phức hợp răng-ổ răng có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến ICL..
4. Đề xuất và khuyến nghị
Trong y văn hiện tại, các yếu tố gây bệnh chủ yếu và có thể xảy ra đã được nêu bằng cách chia chúng thành nguyên nhân di chuyển răng, nguyên nhân liên quan đến mão răng và nguyên nhân liên quan đến sự hình thành/phát triển xương. Tuy nhiên, bản chất đa yếu tố của ICL khiến việc phòng ngừa trở nên khó khăn. ICL có thể xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi cắm implant. Các tác giả của bài báo này đề xuất sử dụng hàm duy trì như một biện pháp phòng ngừa ICL. Răng không tiếp xúc với răng bên cạnh khi nghỉ mà tiếp xúc trong quá trình hoạt động và cận chức năng, điều này ảnh hưởng đến các tiếp xúc kẽ răng, giải thích cho việc khuyến nghị bệnh nhân đeo khí cụ khớp cắn để bảo vệ răng và phức hợp nhai. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh một cách khoa học hiệu quả của khí cụ như một biện pháp phòng ngừa ICL. Đánh giá định kỳ các tiếp xúc kẽ răng giữa phục hình implant và răng bên cạnh cũng được khuyến nghị. Tình hình lâm sàng sẽ quyết định xem mão răng implant có cần được sửa đổi/thay thế hay không, hoặc răng tự nhiên cần được phục hồi để bác sĩ lâm sàng thiết lập lại tiếp xúc giữa răng implant và răng bên cạnh. Các tác giả đề xuất phục hình cố định bằng vít do dễ tháo ra hoặc phục hình cố định bằng xi măng với xi măng tạm và hộp Whitehead.
Theo Ren và cộng sự, độ chặt tiếp xúc gần (proximal contact tightness – PCT) tăng gấp 3 lần được ghi nhận khi cấy ghép implant so với răng tự nhiên bên đối diện. Ren và cộng sự nêu rằng sự gia tăng ban đầu này trong PCT được cố ý thêm vào để thắt chặt tiếp xúc implant/răng, ngăn ngừa hình thành tiếp xúc hở trong tương lai. Giá trị PCT này giảm xuống mức răng đối bên sau 3 tháng do lực di răng. Có thể khó, nếu không muốn nói là không thể, kiểm soát lực PCT khi giao mão bắt vít. Khả năng xoay tự do của các thành phần implant-abutment và vị trí thẳng đứng không kiểm soát được của các cụm kết nối hình nón có thể làm tăng hoặc giảm PCT khi giao mão. Abutment hình nón bị lún theo thời gian có thể dẫn đến tăng PCT. Cần đánh giá lại khớp cắn khi tái khám và điều chỉnh nếu cần để ngăn ngừa tình trạng quá tải khớp cắn tiềm ẩn. Điều quan trọng cần lưu ý là có sự khác biệt giữa răng tự nhiên và răng trên implant về khớp cắn. Bác sĩ lâm sàng có trách nhiệm thông báo cho bệnh nhân về khả năng xảy ra ICL giữa răng trên implant và răng bên cạnh. Bệnh nhân phải nhận thức đầy đủ và ký vào giấy đồng ý có thông tin về các biến chứng có thể xảy ra.
5. Kết luận
Tất cả các bài báo được xem xét đều dựa trên các nghiên cứu hồi cứu ngoại trừ nghiên cứu của Ren và cộng sự, đây là một nghiên cứu hồi cứu đo độ khít của tiếp xúc bên mà không tham chiếu đến ICL. Cần phải điều tra thêm bằng các nghiên cứu hồi cứu để đánh giá mốc thời gian cho ICL. Bài báo này chủ yếu khám phá các nguyên nhân tiềm ẩn gây mất tiếp xúc bên. Mất tiếp xúc ở phía xa của phục hình implant có thể do thay đổi về khớp cắn, nhưng cần phải khám phá điều này và cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu các lý do có thể gây ra sự di xa. Cơ chế bắt vít cũng cần được nghiên cứu sâu hơn như là yếu tố góp phần. Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự xuất hiện của ICL. Cần phải nghiên cứu thêm để xác định các yếu tố gây ra ICL. Do là một hiện tượng đa yếu tố, nên có thể khó ngăn ngừa ICL. Một khí cụ duy trì chỉnh nha hoặc dụng cụ bảo vệ khớp cắn có thể hữu ích để ngăn ngừa ICL giữa phục hình trên implant và răng bên cạnh.
Nguồn: Varthis, S., Tarnow, D. P., & Randi, A. (2019). Interproximal Open Contacts Between Implant Restorations and Adjacent Teeth. Prevalence – Causes – Possible Solutions. Journal of prosthodontics : official journal of the American College of Prosthodontists, 28(2), e806–e810. https://doi.org/10.1111/jopr.12980
Tự học RHM
Donation: 0231000590245 – Vietcombank. Cảm ơn mọi người 😀
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/