Có nhiều biến số ảnh hưởng đến cách cảm nhận màu sắc. Ví dụ, màu của đại dương không thể mang một mô tả chung về màu xanh lam. Đại dương dường như có màu khác vào ban đêm so với lúc giữa trưa, với các hue (tông màu) khác nhau ở các độ sáng khác nhau. Khung cảnh xung quanh, chẳng hạn như bầu trời, bãi biển và thảm thực vật, có thể tạo ra sự tương phản ảnh hưởng đến cảm nhận về màu sắc của nước. Hơn nữa, những người xem khác nhau có thể cảm nhận đại dương có màu khác nhau ngay cả khi xem nó trong cùng điều kiện. Các quy tắc tương tự được áp dụng trong nha khoa trong các quy trình chọn shade. Điều kiện ánh sáng, môi trường và người xem đều đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và đánh giá màu sắc.
1. Sự chiếu sáng
Màu sắc có thể không được cảm nhận chính xác cũng như không được đánh giá chính xác nếu không có ánh sáng thích hợp. Điều quan trọng không chỉ là có đủ ánh sáng để đánh giá đúng màu sắc (Hình 3-1 và 3-2), mà còn cần đạt được chất lượng ánh sáng phù hợp. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng cường độ ánh sáng chính xác và nguồn sáng thích hợp. Tuy nhiên, ngay cả khi các biến số này được kiểm soát tốt, vẫn có những thách thức lâm sàng nhất định liên quan đến sự tương tác giữa ánh sáng và shade cần phải xem xét.


1.1. Cường độ ánh sáng
Cường độ ánh sáng là yếu tố phổ biến nhất làm điều chỉnh đường kính đồng tử, đây là yếu tố quan trọng trong việc chọn shade chính xác. Việc xác định chính xác màu sắc chỉ được xác định ở trung tâm của trường thị giác, tức là những gì được cảm nhận bởi hố thị giác (fovea). Hố này nằm ở trung tâm của võng mạc và chứa mật độ cao các tế bào hình nón, cung cấp thị lực lớn nhất và cảm nhận màu sắc chính xác nhất. Phần lớn phần còn lại được cảm nhận là “được tổng hợp” bởi vỏ thị giác của não. Do đó, mắt người có được kết quả đọc màu chính xác nhất khi đồng tử mở đủ để lộ hoàn toàn các tế bào hình nón trong hố mắt. Điều này đạt được bằng cách duy trì cường độ ánh sáng từ 150 đến 200 foot-candle, được xác định bằng đồng hồ đo ánh sáng (Hình 3-3), giúp phân tích và chọn shade chính xác.

1.2. Chiếu sáng tiêu chuẩn
Loại ánh sáng được sử dụng có thể tác động đáng kể đến nhận thức về màu sắc. Một hệ thống được tạo ra vào năm 1931 bởi Commission Internationale de l’Éclairage (CIE; tạm dịch là Ủy ban Chiếu sáng Quốc tế) đã phân loại các chất chiếu sáng dựa trên tác động của chúng đối với nhận cảm màu sắc. Hệ thống này được phát triển để cho phép các nhà sản xuất (các sản phẩm như sơn và mực) ghi rõ và giao tiếp màu sắc cho sản phẩm của họ. Trong báo cáo, CIE đã chỉ định ba loại nguồn sáng tiêu chuẩn là A, B và C, sau đó họ đã thêm một loạt nguồn D, một nguồn E giả định và một loạt nguồn huỳnh quang (F) không chính thức. Sau đây là tóm tắt ngắn gọn về đèn chiếu sáng từ A đến F:
A: Một nguồn sáng vonfram có nhiệt độ tương ứng khoảng 2.856 K, tạo ra ánh sáng màu vàng đỏ (Hình 3-4 và 3-5). Thường được sử dụng để mô phỏng các điều kiện nhìn dưới đèn sợi đốt (ví dụ: bóng đèn gia dụng).

B: Nguồn sáng vonfram kết hợp với bộ lọc chất lỏng để mô phỏng ánh sáng mặt trời trực tiếp với nhiệt độ khoảng 4.874 K (Hình 3-6). Ngày nay hiếm khi được sử dụng.

C: Nguồn sáng vonfram kết hợp với bộ lọc chất lỏng để mô phỏng ánh sáng mặt trời gián tiếp với nhiệt độ khoảng 6.774 K (Hình 3-7). Được sử dụng trong nhiều viewing booths vì ánh sáng mặt trời gián tiếp được coi là điều kiện xem phổ biến. Tuy nhiên, nguồn sáng C không phải là chất mô phỏng hoàn hảo ánh sáng mặt trời vì nó không chứa nhiều tia cực tím (cần thiết khi đánh giá huỳnh quang – fluorescence).
D: Một loạt nguồn sáng đại diện cho các điều kiện ánh sáng ban ngày khác nhau, được đo bằng nhiệt độ màu. Nguồn sáng D50 và D65 (được gọi như vậy vì nhiệt độ màu tương ứng của chúng lần lượt là 5.000 và 6.500 K) thường được sử dụng làm nguồn chiếu sáng tiêu chuẩn cho các gian hàng nghệ thuật đồ họa và tương ứng với độ phản xạ ánh sáng ban ngày hơi xanh (Hình 3-8). Nguồn sáng D65 gần giống với nguồn chiếu sáng C ngoại trừ việc nó mô phỏng tốt hơn ánh sáng mặt trời gián tiếp vì nó bao gồm một thành phần tia cực tím để đánh giá màu huỳnh quang tốt hơn.

E: Nguồn sáng lý thuyết có năng lượng bằng nhau ở mỗi bước sóng. Nguồn chiếu sáng này không thực sự tồn tại, nhưng là một công cụ hữu ích cho các nhà lý thuyết màu sắc.
F: Dãy nguồn sáng huỳnh quang. Vì đèn huỳnh quang có các đỉnh nhọn trong đường cong quang phổ của chúng, do đó không tuân theo định nghĩa về nhiệt độ màu nên chúng không được chính thức coi là nguồn chiếu sáng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vì các điều kiện xem sử dụng ánh sáng huỳnh quang là phổ biến, CIE khuyến nghị một số nguồn sáng nhất định để đánh giá màu sắc dành cho môi trường huỳnh quang.
Những nguồn sáng này được thể hiện trong phép tính màu dưới dạng dữ liệu quang phổ (Hình 3-9). Công suất phản xạ phổ của các nguồn sáng, là các vật thể phát xạ, thực sự không khác gì dữ liệu phổ của một vật thể phản xạ. Màu sắc, sắc độ và giá trị của các loại nguồn sáng khác nhau có thể được nhận biết bằng cách kiểm tra sự phân bố công suất tương đối của chúng dưới dạng các đường cong quang phổ (Hình 3-10 đến 3-13).



Khi thực hiện chọn shade, các bác sĩ lâm sàng nên sử dụng đèn chiếu sáng D50, cung cấp khả năng chiếu sáng gần nhất với ánh sáng mặt trời tự nhiên về chất lượng và số lượng chiếu sáng, do đó mang lại cơ hội tốt nhất để nhìn và chọn đúng shade.
1.3. Thách thức về ánh sáng trên lâm sàng
Các bác sĩ nha khoa từ lâu đã dựa vào cái gọi là ánh sáng hiệu chỉnh màu sắc khi đánh giá màu răng, tuy nhiên việc sử dụng ánh sáng đó không đảm bảo so màu chính xác. Như được thảo luận bên dưới, lý do cho điều này gồm hai phần: (1) xung đột về ánh sáng và (2) metamerism.
Xung đột ánh sáng
Phòng nha không tránh khỏi xung đột về ánh sáng. Ánh sáng chiếu qua cửa sổ trộn lẫn với ánh sáng huỳnh quang phát ra từ hành lang và ánh sáng được điều chỉnh màu sắc trong phòng nha. Giữa những xung đột ánh sáng khác nhau này, công việc của bác sĩ lâm sàng là phân tích các răng và xác định shade phù hợp chính xác. Các mẹo sau đây sẽ hỗ trợ quá trình đó.
Nếu bác sĩ lâm sàng hoặc kỹ thuật viên phòng lab có nguồn ánh sáng tự nhiên, thì tốt nhất nên thực hiện chọn shade vào lúc 10 giờ sáng hoặc 2 giờ chiều vào một ngày sáng sủa, trong lành khi có nhiệt độ màu lý tưởng là 5.500 K.
Đèn chiếu sáng hiệu chỉnh màu ở khoảng 5.500 K (đèn chiếu sáng D50) nên được lắp đặt khi chỉ có ánh sáng nhân tạo (tức là khi không có ánh sáng tự nhiên).
Máy đo nhiệt độ màu nên được sử dụng định kỳ để xác minh rằng nhiệt độ màu 5.500 K đạt được trong khu vực chọn shade (phòng điều trị hoặc phẫu thuật) (Hình 3-14).

Bụi bẩn nên được làm sạch thường xuyên khỏi các ống chiếu sáng và bộ khuếch tán vì sự có mặt của bụi có thể làm thay đổi số lượng và chất lượng của ánh sáng phát ra.
Metamerism
Ánh sáng hiệu chỉnh màu được thiết kế để phù hợp với bước sóng và lượng tương đối của ánh sáng khả kiến đến từ mặt trời; tuy nhiên, nụ cười của một người sẽ được nhìn dưới nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, khiến cho các phục hồi xuất hiện hoàn toàn khác nhau về hue, value, và chroma (Hình 3-15 đến 3-18). Giống như bản thân các phục hồi, các tab shade truyền thống sẽ khác nhau khi được xem trong các điều kiện ánh sáng khác nhau, gây khó khăn trong việc chọn shade.


Hiện tượng hai vật thể có vẻ giống nhau về màu sắc trong một điều kiện nhưng lại thể hiện sự khác biệt rõ ràng trong một điều kiện khác được gọi là hiện tượng metamerism. Điều này được biết đến trong 1 số ngành là “jacket and pants problem”. Những gì có vẻ như được kết hợp hoàn hảo dưới ánh đèn huỳnh quang của một cửa hàng quần áo có thể trông khác biệt đáng kể dưới ánh sáng tự nhiên. Hai đối tượng được gọi là một cặp metameric. Về mặt nha khoa, hiện tượng lệch màu xảy ra khi mão răng khớp với răng tự nhiên dưới ánh sáng nóng, nhưng khi quan sát dưới ánh sáng đèn huỳnh quang hoặc chỉnh sửa màu, mão răng có vẻ không khớp với răng tự nhiên. Điều này có thể xảy ra thường xuyên và những sai lầm thường có thể dễ thấy, dẫn đến việc phải quay lại thăm khám, bệnh nhân không hài lòng và thời gian trên ghế không hiệu quả. Tuy nhiên, cách chắc chắn duy nhất để tránh hiện tượng metamerism là đạt được sự phù hợp với đường cong quang phổ. Các cặp đối tượng màu có cùng đường cong quang phổ sẽ luôn khớp nhau bất kể ánh sáng mà chúng được nhìn thấy. Công nghệ tiên tiến trong nha khoa đã làm tăng đáng kể cơ hội đạt được sự phù hợp của đường cong quang phổ. Các cặp vật thể có màu không có cùng thành phần quang phổ có thể khớp hoặc không khớp trong các điều kiện ánh sáng khác nhau (Hình 3-19 và 3-20).

Mặc dù một số nhà sản xuất đã cố gắng chống lại hiện tượng metamerism bằng cách phát triển các vật liệu thể hiện hiệu ứng tắc kè hoa (bằng cách lấy màu của môi trường xung quanh), nhưng hiện tượng metamerism vẫn tiếp tục là một vấn đề trong nha khoa (Hình 3-21 đến 3-23). Để chống lại metamerism, bác sĩ lâm sàng có thể thực hiện lựa chọn và đánh giá shade trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Tuy nhiên, vì nhìn chung không thể tránh khỏi hiện tượng metamerism ở một mức độ nào đó, bác sĩ lâm sàng nên giải thích cho bệnh nhân rằng màu sắc của phục hình thay đổi đôi chút trong các điều kiện ánh sáng khác nhau là điều tự nhiên và đây là chuyện xảy ra hằng ngày, không phải lỗi.


2. Hiệu ứng tương phản
Hiệu ứng tương phản là hiện tượng thị giác có thể làm thay đổi đáng kể nhận thức về màu sắc, cũng như khả năng đánh giá màu sắc một cách rõ ràng, ngắn gọn và khách quan. Những hiệu ứng này tạo ra ảo ảnh quang học rất khó giải mã trừ khi người quan sát hiểu chúng. Các loại hiệu ứng tương phản khác nhau được mô tả sau đây và được tóm tắt trong Bảng 3-1.

2.1. Tương phản đồng thời
Sự tương phản đồng thời xảy ra khi hai màu được quan sát cùng một lúc. Khi nhận biết nhiều màu cùng một lúc, não sẽ cố gắng đạt được sự cân bằng hài hòa giữa các màu. Do đó, nhận thức về màu sắc bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố: (1) độ sáng tương đối xung quanh (màu sẽ có vẻ tối hơn khi môi trường xung quanh sáng hơn và ngược lại); (2) màu xung quanh (màu sẽ có vẻ dịch chuyển về phía màu xung quanh); và (3) độ bão hòa tương đối xung quanh (màu sắc sẽ có vẻ đậm hơn trong môi trường ít sắc độ hơn và ngược lại). Các hiệu ứng này được gọi tương ứng là độ tương phản value, độ tương phản hue và tương phản chroma.
Tương phản value
Việc đánh giá độ sáng bằng mắt thường không đáng tin cậy, chủ yếu là do độ sáng tương đối của một vật thể bị ảnh hưởng bởi độ sáng của nền hoặc môi trường xung quanh. Ví dụ: nếu nền xung quanh tối, một đối tượng sẽ sáng. Tuy nhiên, nếu cùng một đối tượng được đặt trên nền sáng hơn, thì nó được coi là tối hơn (Hình 3-24 đến 3-26). Điều này minh họa là độ sáng cảm nhận được có thể thay đổi, mặc dù hệ số phản xạ của vật thể là không đổi. Điều này là do võng mạc rất nhạy cảm với ánh sáng. Nó mở rộng và co lại để đáp ứng với các cường độ ánh sáng khác nhau khi chúng được não diễn giải. Nếu nền tối hơn vật thể, võng mạc phải thích ứng với vật thể tương đối sáng hơn, khiến não cảm nhận vật thể đó sáng hơn so với khi vật thể được nhìn bởi chính nó. Nếu nền sáng hơn đối tượng, hiệu ứng ngược lại sẽ xảy ra. Tuy nhiên, vì mắt thích nghi nhanh hơn nhiều từ bóng tối sang ánh sáng so với từ ánh sáng sang bóng tối, nên hiệu ứng của vật thể tối hơn trên nền sáng hơn sẽ luôn rõ ràng hơn.

Một ví dụ thực tế của hiện tượng này là khi phục hình được xem liền kề với mô nướu bị viêm (Hình 3-27 và 3-28). Màu đỏ (độ tối) của nướu (nền) làm sai lệch nhận thức về màu sắc, làm cho phục hình có vẻ sáng hơn so với thực tế. Kết quả là, mão có value quá thấp (tức là tối) có thể được chọn. Sai lầm trở nên rõ ràng khi các mô lành lại và thân răng có vẻ sẫm màu hơn các răng bên cạnh.

Để chống lại các hiệu ứng tương phản value trong phục hồi răng, nên chọn các màu tương đối nhạt hơn cho bệnh nhân có răng và mô mềm xung quanh sáng màu, trong khi nên chọn màu tối hơn cho bệnh nhân có sắc tố sẫm màu hơn ở răng và mô mềm, vì răng sẽ trông sẫm màu hơn với tông sáng hơn và sáng hơn với tông tối hơn.
Tương phản Hue
Một màu sẽ được cảm nhận khác đi khi được xem kết hợp với các màu nền hoặc màu liền kề khác có hue tương phản. Khi một màu được xem đồng thời với một màu khác, hue cảm nhận được của màu đầu tiên sẽ giống với màu bổ sung của màu thứ hai hơn. Ví dụ, một răng hoặc phục hình sẽ có màu hơi xanh trên nền màu cam và hơi tím nếu nền màu vàng (Hình 3-29 đến 3-31). Sử dụng hiệu ứng tương phản này, các bác sĩ nha khoa có thể chuẩn bị trước cho mắt của họ khi lấy màu bằng cách trước tiên nhìn vào màu bổ sung, sau đó nhìn vào màu răng. Điều này sẽ cho phép bác sĩ lâm sàng nhìn thấy màu sắc của răng hiệu quả hơn.

Phần lớn các màu răng thuộc họ màu cam. Để xem các tông màu cam chính xác hơn, các bác sĩ nha khoa có thể chuẩn bị trước cho mắt của họ bằng cách nhìn vào một màu xanh nhạt ngay trước quá trình chọn màu.
Tương phản chroma
Độ tương phản này tuân theo hiệu ứng tương tự như value và hue. Một đối tượng sẽ đậm hơn trên nền có chroma thấp và kém đậm hơn trên nền có chroma cao hơn (Hình 3-32). Ngoài ra, đối tượng càng gần hue và chroma của nền xung quanh thì nó càng trở nên ít nhìn thấy hơn. Đây là điều quan trọng cần nhớ trong quá trình kết hợp màu sắc; sử dụng nền có màu và chroma tương tự như màu của răng sẽ khiến việc phân biệt màu sắc trở nên khó khăn hơn (Hình 3-33 đến 3-35).


2.2. Tương phản kích thước
Kích thước của đối tượng cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc trực quan. Chẳng hạn, một đối tượng lớn hơn sẽ nhạt hơn một đối tượng nhỏ hơn có cùng màu. Tương tự như vậy, một vật sáng hơn sẽ có vẻ lớn hơn một vật tối hơn có cùng kích thước (Hình 3-36). Kiểu tương phản này giải thích cho thực tế là quần áo tối màu có xu hướng khiến một người trông nhỏ hơn và gầy hơn, trong khi quần áo sáng màu hơn có xu hướng khiến người đó trông to hơn và nặng hơn.

Nếu răng hoặc phục hồi có vẻ quá lớn, hãy cân nhắc giảm value (Hình 3-37 và 3-38). Nếu chúng quá nhỏ, value có thể tăng lên một nửa shade. Răng hoặc phục hình có vẻ sẫm màu hơn so với răng xung quanh do kích thước nhỏ hơn có thể được làm sáng bằng quy trình tẩy trắng hoặc làm trắng răng hoặc bằng cách thay thế phục hồi.

2.3. Tương phản không gian
Một vật thể gần người quan sát hơn sẽ có vẻ lớn hơn và sáng hơn, trong khi một vật thể lõm hơn sẽ có kích thước nhỏ hơn và tối hơn. Hiện tượng này thường thấy với các răng bị xoay và chồng lên nhau. Các răng bị lõm có vẻ sẫm màu hơn (Hình 3-39 và 3-40). Các răng phía sau cũng có vẻ sẫm màu hơn và bóng trong miệng càng góp phần tạo nên vẻ ngoài này.
Khi xác định độ đậm nhạt của phục hồi, bác sĩ lâm sàng nên duy trì khoảng cách với miệng của bệnh nhân để có được kết quả nhất quán. Để bù đắp cho sự tương phản về không gian, các răng lõm có thể được làm sáng hơn và các răng nhô ra có thể được làm sẫm màu hơn.

2.4. Tương phản liên tiếp
Sự tương phản liên tiếp xảy ra khi một màu được xem sau khi quan sát một màu khác. Nhận thức thị giác vẫn còn sau khi mắt đã rời khỏi đối tượng. Dư ảnh được phân loại là tích cực (tương tự) hoặc tiêu cực (khác nhau). Dư ảnh tích cực có cùng màu với nhận thức ban đầu; dư ảnh tiêu cực có màu sắc đối lập hoặc bổ sung cho nhận thức ban đầu. Dư ảnh tích cực xảy ra sau một tương tác trực quan ngắn, trong khi dư ảnh tiêu cực xảy ra sau khi tiếp xúc trực quan lâu với một đối tượng (Hình 3-41). Loại thứ hai là do sự cạn kiệt chất dẫn truyền thần kinh rodopsin trong tế bào hình nón của võng mạc khi nhìn chằm chằm kéo dài, khiến chúng ta không thể nhìn thấy màu sắc cụ thể đó.

Hiểu cách nhận thức màu sắc có thể có khả năng sai lệch do các hiệu ứng tương phản khác nhau cho phép bác sĩ lâm sàng chọn shade hiệu quả hơn. Khi bác sĩ lâm sàng hiểu rõ về cách các màu đối lập và liền kề có thể đánh lừa như thế nào, thì cơ hội để có được sự đối sánh màu chính xác có thể được cải thiện đáng kể.
3. Các ảnh hưởng đến từ người nhìn
3.1. Mù màu
Một người bị mù màu khó nhìn thấy màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương hoặc hỗn hợp của những màu này. Thuật ngữ color vision problem thường được sử dụng thay cho mù màu vì hầu hết những người bị mù màu có thể nhìn thấy một số màu. Mặc dù tình trạng này có thể được coi là hiếm gặp, nhưng khoảng 10% nam giới Hoa Kỳ (nhưng chỉ 0,3% nữ giới Hoa Kỳ) bị ảnh hưởng bởi mù màu. Hầu hết các khám mắt bao gồm kiểm tra mù màu (Hình 3-42 và 3-43).

Bệnh mù màu là do thiếu hoặc không có một hoặc nhiều trong ba loại sắc tố cảm quang có khả năng phát hiện màu đỏ, lục và lam. Những sắc tố này được chứa trong các tế bào cảm quang trong mắt người cho phép nhận biết màu sắc. Những tế bào này được gọi là hình nón và nằm ở trung tâm của võng mạc. Ảnh hưởng cơ bản của bệnh mù màu là các màu sắc xuất hiện khác nhau đối với hầu hết mọi người lại giống nhau ở những người bị mù màu. Nói cách khác, khiếm khuyết về thị lực màu sắc có nghĩa là khả năng phân biệt hue, saturation, và lightness bị giảm (mặc dù lightness ít bị ảnh hưởng hơn do các tế bào hình que (rod) chịu trách nhiệm cho phần phân biệt đó). Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với bác sĩ lâm sàng khi thực hiện so màu vì việc xác định hue, value, và chroma của phục hồi là rất quan trọng.
3.2. Tuổi
Lão hóa gây bất lợi cho khả năng chọn màu vì giác mạc và thủy tinh thể của mắt bị vàng theo tuổi tác, tạo ra màu vàng nâu và khiến việc phân biệt giữa màu trắng và màu vàng ngày càng trở nên khó khăn. Quá trình này bắt đầu từ 30 tuổi, trở nên rõ rệt hơn sau 50 tuổi và có ý nghĩa lâm sàng sau 60 tuổi. Sau 60 tuổi, nhiều người gặp khó khăn đáng kể trong việc nhận biết màu xanh lam và tím.
3.3. Mỏi mắt
Đôi mắt bị mỏi không thể cảm nhận màu sắc chính xác như đôi mắt tỉnh táo. Nhận thức thị giác bị tổn hại là hậu quả của sự mệt mỏi toàn thân, cục bộ và/hoặc tinh thần. Không có khả năng xác định chính xác màu sắc và chroma thể hiện rõ nhất trong thời gian bị mỏi; Ngoài ra, màu sắc có thể bị nhạt hoặc mờ. Quan sát shade liên tiếp (nghĩa là điều trị cho nhiều bệnh nhân cần đánh giá shade trong một ngày làm việc) có thể là một trong những nguyên nhân chính gây mỏi. Mỏi là nguyên nhân phổ biến nhất của chọn shade không chính xác.
Khi đánh giá nhiều shade liên tiếp, bác sĩ nên nghỉ một thời gian ngắn giữa các lần phục hình. Điều này sẽ giúp tránh các vấn đề liên quan đến cả độ tương phản liên tục và mỏi mắt, do đó đảm bảo thành công hơn trong việc chọn shade chính xác.
3.4. Dinh dưỡng
Thói quen ăn uống của một cá nhân đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Một số nhà khoa học cho rằng có mối liên quan giữa thoái hóa điểm vàng (một rối loạn vật lý ở trung tâm võng mạc [được gọi là điểm vàng] gây mất thị lực dần dần) và hấp thụ nhiều chất béo bão hòa. Cũng có bằng chứng cho thấy ăn trái cây tươi và các loại rau có lá màu xanh đậm có thể trì hoãn hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, việc bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin C và E đã được chứng minh là có tác dụng tích cực trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh trong một số trường hợp. Các khoáng chất và chất dinh dưỡng vi lượng khác như kẽm và lutein cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Dinh dưỡng của một cá nhân là yếu tố thiết yếu đối với sức khỏe tổng thể của cơ thể và chắc chắn mắt cũng không ngoại lệ.
3.5. Cảm xúc
Màu sắc có thể hoạt động như một ngôn ngữ. Ví dụ, ở nhiều nơi trên thế giới, màu đỏ tượng trưng cho sự tức giận hoặc đam mê, màu vàng tượng trưng cho niềm vui và màu xanh lam tượng trưng cho nỗi buồn. Không đi sâu vào sự phức tạp của mối liên hệ cảm xúc của con người với màu sắc, cần lưu ý bằng chứng khoa học sau đây, có ý nghĩa quan trọng đối với nha khoa.
Người ta thường biết rằng cảm xúc có thể ảnh hưởng đến đường kính đồng tử, gây ra sự giãn nở hoặc co thắt, và như đã nêu về cường độ ánh sáng và giá trị tương phản, đường kính đồng tử có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân biệt màu sắc. Ngoài ra, người ta đã chứng minh rằng trong quá trình thực hành thiền định, một đối tượng có thể được huấn luyện để kiểm soát các kiểu sóng não theo hướng có lợi cho một số sóng nhất định; khi thiền định, mọi người báo cáo sự xuất hiện của quầng sáng màu xung quanh các vật thể, cũng như những thay đổi khác của nhận thức thị giác. Do đó, bất kể màu sắc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một người như thế nào, thì tâm trạng hoặc trạng thái tinh thần ban đầu của người quan sát có thể là một yếu tố quan trọng trong việc xác định màu sắc.
3.6. Thuốc
Việc lạm dụng ma túy, rượu và caffein không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán mà còn ảnh hưởng đến nhận thức về màu sắc (Bảng 3-2). Ngoài ra, nhiều loại thuốc kê đơn và thậm chí không kê đơn có liên quan đến tác dụng phụ về thị giác. Thuốc có thể tác động lên bất kỳ phần nào của hệ thống thị giác từ vỏ thị giác đến võng mạc. Giống như tất cả các tác dụng phụ của thuốc, chúng khác nhau ở mỗi người. Một số tác dụng phụ không thể đoán trước và cũng không rõ ràng đối với người dùng thuốc. Viagra, một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn cương dương, nổi tiếng là khiến thị lực có màu xanh lam, khiến người ta khó phân biệt giữa xanh lam và xanh lục. Do những phát hiện này, Cục Hàng không Liên bang hiện yêu cầu tất cả các phi công của hãng hàng không thương mại không được sử dụng Viagra 12 giờ trước giờ bay.

Mối quan tâm đặc biệt đối với các nha sĩ nữ là các tác dụng phụ do thuốc tránh thai gây ra, tức là các khiếm khuyết phân biệt màu đỏ xanh hoặc vàng-xanh. Chúng cũng có thể gây ra màu xanh lam, và có một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong thời gian dài sẽ làm giảm nhận thức về màu sắc của xanh lam và vàng.
3.7. Khác biệt giữa 2 mắt
Sự khác biệt hai mắt là sự khác biệt về nhận thức giữa mắt phải và mắt trái. Nó thường trở nên rõ ràng khi khám mắt khi một người có thể nhìn biểu đồ thị lực tốt hơn bằng một mắt so với mắt kia. Cũng không có gì lạ khi các xét nghiệm mù màu được tiến hành trong quá trình khám mắt định kỳ để xác định tình trạng khiếm khuyết của bệnh nhân ở mỗi mắt. Mặc dù sự khác biệt về màu sắc giữa hai mắt của một người là tương đối nhỏ, nhưng người ta nên nhận thức được điều đó và nếu cần, hãy bù đắp cho nó. Để kiểm tra sự khác biệt về màu sắc của hai mắt, hai vật thể được đặt cạnh nhau dưới ánh sáng đồng nhất. Chúng có thể trông khác nhau, ví dụ, cái bên phải có vẻ hơi sáng hơn cái bên trái (Hình 3-44). Sự khác biệt về màu sắc của 2 mắt tồn tại nếu đối tượng ở bên phải vẫn có vẻ sáng hơn khi thay đổi vị trí.
Đặt các tab so màu ở trên hoặc dưới (chứ không phải bên cạnh) răng cần so màu sẽ giúp loại bỏ sai số do sự khác biệt của hai mắt (Hình 3-45).


4. Lựa chọn vật liệu phục hình
Việc lựa chọn vật liệu phục hồi là vô cùng quan trọng để đạt được shade chính xác. Độ trong tương đối của răng và vật liệu được chọn phải trùng khớp (Hình 3-46 đến 3-48). Răng tẩy trắng có thể đặc biệt khó khớp (Hình 3-49). Điều này là do màu sắc của chúng không rõ ràng: Hue có màu trắng; chroma thấp (nghĩa là có ít độ bão hòa của màu sắc); và value cao (tức là sáng). Value là tham số rõ ràng duy nhất có thể được giải quyết; tuy nhiên, nó liên quan đến độ trong/độ mờ. Một số vật liệu có độ trong cao hơn (ví dụ: ceramic tổng hợp), trong khi những vật liệu khác có độ mờ cao hơn (ví dụ: zirconia và alumina); do đó, việc xác định các phẩm chất vốn có của vật liệu là bắt buộc khi định lượng shade (Bảng 3-3).



Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù có thể chọn đúng vật liệu phục hình và shade, nhưng vẫn có khả năng xảy ra lỗi do sự không nhất quán và các biến thể của vật liệu, điều này rất khó kiểm soát. Hơn nữa, sửa soạn răng không đúng cách, ví dụ, các cùi răng mài hạ thấp không chính xác, có thể góp phần tạo nên màu sắc không chính xác. Tuy nhiên, nếu tuân theo giao thức được đề xuất, các lỗi do những vấn đề này sẽ được phát hiện trong phòng lab trong quá trình xác minh shade và sửa chữa trước khi phục hình được trả lại để thử lâm sàng.
Bộ 3 quang học: Fluorescence, opalescence, và translucency
Đối với các bác sĩ lâm sàng thực hành nha khoa phục hồi thẩm mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sứ thì huỳnh quang (fluorescence) là một tính chất vật lý quan trọng. Về bản chất, răng (cụ thể hơn là ngà răng) có màu huỳnh quang vì chúng phát ra ánh sáng khả kiến khi tiếp xúc với tia cực tím (Hình 3-50 đến 3-52). Sứ có các tác nhân làm cho phục hồi trở nên huỳnh quang. Huỳnh quang làm tăng vẻ tự nhiên của phục hồi và giảm thiểu hiệu ứng metameric.


Opalescence là khả năng của vật liệu trong có màu màu xanh da trời dưới ánh sáng phản xạ (reflected light) và màu đỏ cam trong ánh sáng xuyên (transmitted light). Hiệu ứng opalescent dựa trên đặc tính trong của răng tự nhiên. Dưới ánh sáng trực tiếp, các bước sóng ngắn hơn của quang phổ khả kiến (tức là bước sóng màu xanh lam) được phản xạ từ các hạt mịn của men tự nhiên và sứ nha khoa, làm cho màu răng trắng có vẻ hơi xanh, trong khi các bước sóng dài hơn (tức là bước sóng màu đỏ cam ) được hấp thụ (Hình 3-53). Tuy nhiên, trong transillumination, ánh sáng xuyên qua răng tự nhiên có màu cam do các bước sóng dài hơn bị phản xạ ở bề mặt và ngược lại, các bước sóng ngắn hơn, màu xanh lam bị hấp thụ (Hình 3-54 và 3-55). Hiệu ứng này, được biết đến trong vật lý quang học là hiệu ứng Tyndall, được gọi là opalescence của răng tự nhiên. Cả opalescence và huỳnh quang đều chịu trách nhiệm cho độ sáng nội tại của răng tự nhiên mà các bác sĩ lâm sàng và KTV cố gắng bắt chước khi chế tạo các phục hình. Tương tự như vậy, tính tự nhiên được truyền tải thông qua độ trong (Hình 3-56).


Định nghĩa Opalescence
Opalescence là một hiện tượng quang học trong đó ánh sáng bị khúc xạ và tán xạ nhiều lần khi đi qua một vật liệu có cấu trúc tinh thể không đồng nhất. Điều này dẫn đến hiện tượng ánh sáng phản chiếu lại các hướng khác nhau, tạo ra hiệu ứng óng ánh hoặc lấp lánh.
Điều cần thiết là tránh độ đục quá mức dẫn đến phục hồi trông thiếu sức sống, cũng như độ trong quá mức dẫn đến phục hồi trông quá xám và tối.
Tẩy trắng
Hầu hết mọi người nói rằng họ muốn có hàm răng trắng. Tuy nhiên, màu trắng được mô tả một cách khoa học là phản xạ hoàn toàn tất cả các bước sóng ánh sáng nhìn thấy được, điều này ngụ ý độ đục không mong muốn của răng. Trong bối cảnh nha khoa thẩm mỹ, màu trắng là màu răng lý tưởng đề cập đến độ sáng hoặc độ trong của răng hoặc phục hình. Khi răng được tẩy trắng, độ sáng (value) tương đối của răng được tăng lên, làm cho răng trông trắng hơn. Do đó, tẩy trắng răng không nhất thiết phải làm cho răng trở nên đục và phản quang hơn; thay vào đó, các sắc tố màu bên trong bị loại bỏ, cho phép răng trở nên trắng hơn nhưng vẫn giữ được độ trong cao (Hình 3-57 đến 3-59). Thông thường, quá trình tẩy trắng được thực hiện thông qua việc bôi một loại gel có chứa chất oxy hóa (ví dụ, carbamide-peroxide). Các gốc oxy giải phóng từ gel thâm nhập vào men răng và oxy hóa nhiều chất tạo màu tối trong lớp ngà răng có thể có nguồn gốc bên trong hoặc bên ngoài. Cấu trúc của răng được giữ nguyên, trong khi value của răng tăng lên.


5. Kết luận
Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến đánh giá màu sắc của bác sĩ nha khoa. Khi sử dụng các kỹ thuật so màu truyền thống, có một số biến số mà bác sĩ nên xem xét. Ví dụ, những thay đổi về ánh sáng phẫu thuật, mỏi mắt và các hiệu ứng tương phản khác nhau có thể tạo ra ảo ảnh quang học. Ngoài ra, các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai là một vấn đề đối với các bác sĩ nữ và tỷ lệ mù màu cao ở nam giới Hoa Kỳ cũng là mối quan tâm không kém. Mặc dù không bác sĩ nha khoa nào có thể đọc màu sắc một cách hoàn hảo và không có ca phẫu thuật nha khoa nào không gặp vấn đề, nhưng sự hiểu biết thấu đáo về các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc cho phép bác sĩ nha khoa bù đắp cho chúng theo yêu cầu để đạt được shade chính xác nhất có thể.
6. Tổng kết
Ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc chọn shade. Màu sắc có thể xuất hiện khác nhau dưới ánh sáng phòng khám so với trong ánh sáng tự nhiên. Các bác sĩ nên được chuẩn bị để bù đắp cho hiện tượng này.
Các hiệu ứng tương phản khác nhau (value, hue, chroma, areal, spatial, successive) có thể tạo ra ảo ảnh quang học cản trở việc đánh giá màu chính xác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các hiệu ứng như độ tương phản màu sắc có thể được sử dụng để cải thiện nhận thức về màu sắc.
Sức khỏe tổng quát của một cá nhân có liên quan đến sức khỏe của mắt, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức về màu sắc của người quan sát.
Khi các bác sĩ nha khoa già đi, nhận thức về màu sắc của họ bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc lựa chọn vật liệu phục hồi đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định shade.

Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/