Khiếm khuyết cấu trúc răng có thể là hậu quả của nhiều yếu tố, và sâu răng là nguyên nhân chủ yếu, với tỷ lệ mắc ước tính trên 90% dân số toàn thế giới. Các yếu tố khác như xói mòn, mài mòn, cọ mòn, gãy có thể góp phần làm mất mô cứng. Những tình huống này có thể làm tăng nhạy cảm, đau, ảnh hưởng đến mô tủy, sâu răng thứ phát, các vấn đề về nha chu và khớp cắn (trồi răng đối, cản trở khớp cắn, v.v.). Tất cả điều này tạo ra nhu cầu phục hồi răng, trong đó phục hồi gián tiếp bán phần là giải pháp thay thế xâm lấn tối thiểu cho mão răng thông thường. Chúng có kết quả thẩm mỹ tốt, ổn định màu sắc, tương thích sinh học và tỷ lệ tồn tại lâu dài cao. Chương này sẽ trình bày cách mài sửa soạn răng cho phục hình gián tiếp, các quy trình thực hiện để che ngà tức thì (IDS), tối ưu hóa khoang răng, sửa soạn lại, lấy dấu và phục hồi tạm, gắn xi măng.
Phục hồi bán phần được phân loại theo vùng được khôi phục. Có một số loại phục hồi gián tiếp được thực hiện phổ biến nhất là:
- Inlay – không che các múi mà chỉ giải quyết vấn đề không liên quan đến khớp cắn
- Onlay – mở rộng trên cả mặt nhai chịu lực và không chịu lực, bao phủ ít nhất một múi
- Overlay – bao phủ toàn bộ bề mặt nhai
- Endocrown – có thể được thực hiện trên các răng đã được điều trị nội nha, nơi chúng bao phủ toàn bộ bề mặt nhai kéo dài đến lối vào ống tủy
1. Mài sửa soạn răng
Ý tưởng chính: Việc mài sửa soạn răng cho phục hình gián tiếp phải đạt được hình dạng càng đơn giản càng tốt, với các góc tròn, không lưu giữ, không có thành men mỏng, đảm bảo độ dày của phục hình đủ để chịu được tác động của lực cắn.
Trước khi bắt đầu mài sửa soạn răng cho phục hồi gián tiếp, cần đánh giá bằng cách quan sát kiểm tra, sử dụng thám trâm và kiểm tra bổ sung (kiểm tra sức sống tủy, chụp X quang).
Khi đánh giá răng chuẩn bị phục hồi gián tiếp, chúng tôi đánh giá các khía cạnh sau:
- Đường viền ban đầu của khoang và lập kế hoạch cho hình dạng tương lai sẽ đạt được sau khi sửa soạn. Các ĐHT cuối cùng của việc chuẩn bị cho phục hồi gián tiếp phải được đặt phía trên nướu. Ở mặt bên, tránh đặt giới hạn ở điểm tiếp xúc vì lý do vệ sinh và phòng ngừa lâu dài.
- Độ dày của các thành còn lại. Thành trục còn lại dày ít hơn 1,5 mm không đủ mạnh và phải được loại bỏ để đạt được sự bảo vệ múi răng.
- Các tiếp xúc với răng đối. Chúng phải được xác định bằng giấy cắn để tránh tiếp xúc giữa răng đối diện với đường chuyển tiếp răng – composite (Hình 9.1).
- Nên loại bỏ phần tiếp xúc bên với răng lân cận (Hình 9.2).


1.1. Điều trị tiền phục hình: Nâng ĐHT lên trên nướu
Quy trình này nhằm mục đích định vị lại các ĐHT lên trên nướu. Các khía cạnh được cải thiện nhờ việc định vị ĐHT trên nướu là:
- Lấy dấu
- Sự khít sát ĐHT của phục hình
- Cách ly bằng đê cao su để gắn xi măng
- Gắn xi măng
- Làm sạch vật liệu dán dư
- Hoàn thiện sau khi gắn xi măng và kiểm tra chất lượng sau cùng
Ở khu vực mà các ĐHT đã được di chuyển lên trên nướu bằng composite, việc seal overlay sẽ không được thực hiện trên men răng mà trên composite. Để có tiên lượng tốt lâu dài trong những trường hợp như vậy, tỷ lệ giữa vùng men răng và vùng composite phải được đánh giá cẩn thận (Hình 9.2).
Mài sửa soạn răng cho phục hình gián tiếp đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với phục hình trực tiếp.
Việc sửa soạn được thực hiện bằng mũi khoan kim cương ở tốc độ cao. Có thể sử dụng mũi khoan hình trụ đầu tròn hoặc hình bầu dục. Độ thô được khuyến nghị cho mũi khoan là trung bình hoặc nhỏ và việc chuẩn bị phải được hoàn thành ở tốc độ thấp bằng cách sử dụng đài cao su.
Khuyến cáo chung cho việc mài sửa soạn răng sau cho phục hình gián tiếp:
- Thành phân kỳ để đạt được một khoang không lưu giữ.
- Các góc bên trong được làm tròn, hình dạng sửa soạn càng đơn giản càng tốt.
- Độ dày của phục hồi phải tương đối ổn định ở khoảng 1,5-2 mm, tùy thuộc vào loại vật liệu được sử dụng (Hình 9.3).

- Mài men 90° (Hình 9.4) hoặc vát cạnh.
- Vát (chamfer) trên các múi chức năng và butt finish trên các múi không có chức năng.
- Các bờ của phục hình được đặt bên ngoài vùng tiếp xúc với răng đối.
- Các cạnh phục hình phải nằm trên men ở toàn bộ chu vi để có được độ bám dính tối đa.
- Loại bỏ các vùng lưu giữ và múi không được ngà răng nâng đỡ bằng cách lót vùng lẹm.
- Các cạnh của cùi răng phải nằm trên nướu để có thể cách ly đê cao su cho bước gắn xi măng.
- Loại bỏ các miếng trám cũ không phù hợp trên răng và mở rộng việc mài sửa soạn ở những khu vực này.
1.2. Chuẩn bị múi và tạo cánh én
Việc hạ mặt nhai phải đảm bảo độ dày đồng đều và đủ để inlay có độ dày cần thiết để chịu lực theo khuyến cáo của vật liệu. Các múi được nâng đỡ bởi các thành thẳng đứng, mỏng, dày ít hơn 1,5 mm sẽ dễ gãy. Do đó, chiều cao của những thành này có thể giảm xuống để inlay trải dài lên trên và che phủ chúng. Quy trình này được gọi là bảo vệ múi. Việc giảm chiều cao của múi phải cung cấp không gian cho độ dày vật liệu đủ để chịu được lực nhai.
Hướng dẫn giảm chiều cao của múi:
- Khoảng 1,5-2 mm đều trên bề mặt nhai và múi chức năng.
- Chiều rộng của cánh én phải ít nhất là 2 mm.
- Gờ phía bên của cùi răng phải cách các răng liền kề ít nhất 0,5 mm.
- Đối với các răng sống, độ bảo vệ múi cần thiết là khoảng 2mm.
- Đối với các răng đã được điều trị nội nha, mức bảo vệ múi răng cần thiết là khoảng 3 mm.
Khó khăn có thể phát sinh | Giải pháp |
Giữ cho thành trục quá mỏng để đạt được “xâm lấn tối thiểu” | Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng lâu dài, do đó cần bảo vệ múi |
Sửa soạn mặt bên nằm dưới điểm tiếp xúc | Ở những vùng khó tiếp cận này, sử dụng mũi khoan oval có thể giúp tạo bờ 90 độ |
2. Che ngà tức thì (IDS) và tối ưu hóa thiết kế khoang răng
Ý tưởng chính: Ngà răng mới cắt (mài) sẽ dễ bám dính hơn, vì vậy nên phủ chất dán ngay. Quy trình này được gọi là che ngà tức thì (IDS) và có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một hệ thống keo dính all-in-one hoặc bằng cách sử dụng kết hợp cả hệ thống keo dán và vật liệu composite lỏng.
Che ngà tức thì sau khi sửa soạn xoang để phục hình trực tiếp được chỉ định trong mọi trường hợp, sau những nghiên cứu ban đầu của Bertschinger năm 1996 và nhằm mục đích:
- Hạn chế mài quá mức
- Bảo vệ tủy và ngà răng và giảm nhạy cảm trong khoảng giữa các lần hẹn
- Cải thiện độ bám dính ngà răng của phục hồi vĩnh viễn
Sự nhiễm bẩn bởi miếng trám tạm có thể làm giảm độ bám dính của phục hình cố định vào vùng ngà răng. Chất lượng của chất dán sẽ tăng lên nếu đạt được sự bít kín ngà tức thì, bất kể hệ thống keo được sử dụng. Hơn nữa, sử dụng hệ thống dán xoi mòn và rửa ba bước hoặc kết hợp hệ thống dán với lớp composite lỏng được sẽ cải thiện đáng kể độ bền liên kết lâu dài. Sự giảm độ nhạy sau phẫu thuật sau khi che ngà tức thì là chủ đề của nhiều nghiên cứu, với kết quả còn chưa rõ ràng.
Ban đầu, quy trình này chỉ bao gồm việc bôi một lớp keo lên ngà răng. Các bước để che ngà tức thì bằng chất dán như sau:
- Xác định vùng ngà răng bị lộ
- Khử khoáng bằng axit orthophosphoric 37% trong 5-15 giây
- Rửa và thổi khô
- Bôi và làm khô keo để có được lớp keo đều mà không bị thừa
- Trùng hợp sơ bộ trong 20 giây
- Áp gel ức chế oxy (glycerin) và trùng hợp sau cùng trong 10 giây nữa
Bất kỳ lớp lót quang trùng hợp nào cũng có thể được áp dụng để che ngà tức thì (Hình 9.5). Hơn nữa, giai đoạn này có thể được kết hợp với giai đoạn tiếp theo – giai đoạn tối ưu hóa thiết kế khoang. Lớp lót được áp dụng cho toàn bộ bề mặt ngà răng cũng giúp loại bỏ các vùng lẹm còn sót lại. Bạn có thể sử dụng vật liệu composite lỏng (cổ điển hoặc bulk), GIC được sửa đổi bằng nhựa, hoặc các biến thể của chúng: giomers, compomers, v.v.

Khó khăn có thể phát sinh | Giải pháp |
Nếu việc sửa soạn được thực hiện mà không có đê cao su, có thể sẽ khó cách ly | Cách ly với đê cao su trong giai đoạn sửa soạn và che ngà |
Áp sealant 1 cách chính xác | Chúng được đặt từng lớp mỏng và chỉ trên ngà |
2.1. Tối ưu hóa thiết kế khoang đã sửa soạn
Ý tưởng chính: Tối ưu hóa thiết kế cùi răng cho phục hình gián tiếp là nhằm mục đích loại bỏ các vùng lẹm, di chuyển 1 vài vùng ĐHT nhất định của khoang và làm sạch viền men răng khỏi các vật liệu phục hồi có thể vô tình được đặt trên cùi răng.
Trong nhiều trường hợp, việc che ngà tức thì bằng chất dán, sau đó là bôi composite lỏng vào vùng ngà răng có thể tối ưu hóa hình dạng khoang răng bằng cách lót các vùng lẹm (Hình 9.6). Nếu tình trạng lâm sàng yêu cầu, trong giai đoạn này, bờ nướu của sửa soạn có thể được di chuyển về mặt nhai bằng cách thêm vật liệu composite lỏng hoặc đặc. Khi sử dụng composite, sau quá trình trùng hợp ban đầu trong 5 giây, nên áp chất ức chế oxy (ví dụ: glycerin) trước lần trùng hợp sau cùng.

Sasse và cộng sự. (2015) cho thấy trong nghiên cứu của họ rằng việc sử dụng vật liệu composite để tối ưu hóa hình dạng khoang răng có ảnh hưởng nhỏ đến khả năng chống gãy của phục hình sứ. Trong bước này, phải liên tục kiểm tra xem vùng men răng có sạch sẽ hay không (Hình 9.7). Bước này được hoàn thành bằng cách sử dụng mũi khoan kim cương mịn.
Khó khăn có thể phát sinh | Giải pháp |
Có thể còn vùng lẹm | Dùng gương và quan sát từ nhiều góc độ |
Vật liệu tràn ra ngoài vùng ngà | Chúng phải được loại bỏ bằng mũi khoan nếu được đặt trên men |
3. Sửa soạn lại, hoàn thiện bờ sửa soạn và xác định vị trí chịu ứng suất cho Onlay
Ý tưởng chính: Sửa đổi hình dạng các cạnh của các xoang đã chuẩn bị nhằm mục đích tăng độ bám dính và thẩm mỹ đồng thời mang lại lợi ích cơ học.
Việc chuẩn bị góc 90° của góc cavo-superficial cho onlay/overlay được sử dụng vì một số lý do, chẳng hạn như dễ sửa soạn, lấy dấu và chế tạo.
Người ta đã chứng minh rằng các vấn đề thường gặp nhất khi phục hồi gián tiếp là sự đứt gãy và mất liên kết. Vì vậy, các kỹ thuật làm việc đã được phát triển để khắc phục những vấn đề này.
Mài các cạnh men răng bằng cách tạo một góc xiên mở rộng sẽ tạo ra sự di chuyển lực căng vào bên trong răng, do đó làm tăng khả năng chống gãy và mài mòn cơ học. Một thiết kế như vậy, trong đó tất cả các cạnh bên ngoài của cùi răng được di chuyển về phía cổ răng (Hình 9.8), đảm bảo sự phân bố lực căng hướng tâm đồng nhất về phía tâm răng. Do đó, nó làm giảm độ mỏi theo chu kỳ của giao diện dán. Kiểu chuẩn bị này, hơi phẳng, với hình học đơn giản, đảm bảo việc lưu giữ phục hình do độ bám dính chứ không phải do hình dạng khoang.

Những lợi ích lâm sàng của việc di chuyển các gờ của sửa soạn (Hình 9.9) như sau:
- Cải thiện độ bám dính bằng cách tăng bề mặt men có sẵn để bám dính và cắt vuông góc trụ men.
- Cải thiện thẩm mỹ bằng cách đạt được sự chuyển tiếp dần dần giữa răng và phục hồi gián tiếp
- Việc định vị lại đường viền của cùi răng về phía chóp làm giảm sự khác biệt về mức độ giữa các đỉnh múi và nền, đơn giản hóa việc mài sửa soạn.
- Tăng khả năng chống gãy của răng.

Khó khăn có thể phát sinh | Giải pháp |
Tạo vát ở vùng khó tiếp cận (mặt bên) | Dùng mũi khoan oval hoặc bỏ qua bước này ở mặt bên. Vát ở mặt ngoài và trong là đủ. |
Khi không thể kiểm soát vùng nhìn thấy, vát có thể quá lõm – nhiều men bị loại bỏ | Sử dụng kính phóng đại có thể giúp kiểm soát bước này |
4. Lấy dấu và phục hình tạm
Ý tưởng chính: Lấy dấu cổ điển hoặc kỹ thuật số được thực hiện tương tự như bất kỳ quá trình phục hình nào. Các khay cung phần tư hoặc toàn bộ được sử dụng để lấy dấu silicone và máy quét quang học trong miệng được sử dụng để lấy dấu kỹ thuật số.
4.1. Kỹ thuật làm việc
Hai độ nhớt khác nhau của silicon được sử dụng và nha sĩ có thể quyết định lấy dấu trong một hoặc hai bước. Lấy dấu hai bước có thể dẫn đến kết quả tốt hơn.
Putty silicone đầu tiên được sử dụng và sau đó loại bỏ các vùng lưu giữ. Silicone lỏng được bôi lên trên cùi răng và kẽ răng, đồng thời dùng một tia khí nhẹ để giúp cao su thẩm thấu và phân bổ vào tất cả các khu vực (kẽ răng, rãnh nướu, cùi răng). Sau đó, việc bôi silicone lỏng tiếp tục cho đến khi răng và các vùng lân cận được bao phủ hoàn toàn.
Để lấy dấu trong một bước, silicone lỏng được bôi theo cách tương tự, và trên hết, silicone putty được đặt vào khay lấy dấu. Trong phục hồi gián tiếp, vị trí trên nướu của các cạnh giúp đơn giản hóa kỹ thuật lấy dấu, bất kể cách lấy dấu.
Lấy dấu kỹ thuật số được thực hiện bằng máy quét quang học trong miệng (Hình 9.10) theo trình tự quét do nhà sản xuất chỉ định. Hình ảnh về cùi răng có thể được đánh giá trong tất cả các mặt phẳng (Hình 9.11). Hầu hết các phần mềm đều đánh giá các giới hạn của việc sửa soạn (Hình 9.12), hình thái thu được (Hình 9.13), khoảng cách đến răng đối và các thông tin cần thiết khác để chỉnh sửa việc sửa soạn hoặc tạo ra thiết kế onlay.


4.2. Phục hình tạm
Ý chính: Khi cần hai buổi điều trị trở lên, răng đã sửa soạn phải được phục hình tạm để ổn định vị trí và bịt kín phần răng đã sửa soạn. Việc ổn định vị trí là cần thiết vì răng đã sửa soạn mất tiếp xúc với các răng kế cận và răng đối sau khi mài.
Nếu quá trình gắn xi măng được thực hiện trong một thời điểm khác với quá trình mài thì cần phải phục hồi tạm (Hình 9.14). Vật liệu quang trùng hợp nhựa composite, chẳng hạn như composite che đê cao su, được sử dụng phổ biến nhất cho mục đích này, nhưng cũng có những vật liệu composite tạm thời được thiết kế đặc biệt cho mục đích này (Hình 9.15). Vật liệu nền Eugenol không được khuyến khích. Việc phục hồi tạm phải lấp đầy khoảng kẽ răng để ngăn chặn sự di chuyển của răng, các răng lân cận và mắc thức ăn. Vật liệu tạm phải tiếp xúc khớp cắn với răng đối diện để ngăn chặn sự trồi răng.
Khó khăn có thể phát sinh | Giải pháp |
Cùi răng khô và đặt chất cách ly đê có thể dẫn tới khó loại bỏ do có độ bám dính cao | Tránh làm khô quá mức sau khi IDS với composite. Điều này làm cho chất cách ly đê (cũng là 1 dạng composite) bám dính chắc vào cùi răng |
Miếng trám tạm bị rớt làm thay đổi vị trí răng, răng kế cận và răng đối. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc đặt phục hình. | Sửa lại phục hình hoặc lấy dấu lại. Lần này cần làm phục hình tạm kỹ hơn và BN cần quay lại phòng khám ngay nếu bị rớt phục hình tạm |

5. Gắn xi măng
Ý tưởng chính: Việc gắn các phục hình gián tiếp được thực hiện dưới sự kiểm soát độ ẩm hoàn hảo bằng cách dùng đê cao su, sử dụng vật liệu xi măng quang trùng hợp hoặc quang trùng hợp kép.
Xi măng phục hồi gián tiếp là điều tối quan trọng để đạt được thành công lâu dài với việc bịt kín và lưu giữ. Điều này liên quan trực tiếp đến đặc tính của vật liệu làm phục hồi gián tiếp. Do đó, tùy thuộc vào vật liệu, bề mặt bên trong của phục hồi cần được xử lý bằng axit hydrofluoric, phun cát và bôi silane.
Liên kết với men răng tốt hơn liên kết với ngà răng, và sứ mang lại liên kết tốt hơn với vật liệu nhựa composite. Chất lượng gắn xi măng răng tốt nhất hiện có thể đạt được đối với các phục hình gián tiếp làm bằng sứ thủy tinh lithium disilicate (ví dụ: e.max CAD/e.max Press Ivoclar Vivadent; Schaan, Liechtenstein), đây cũng là loại sứ được nghiên cứu nhiều nhất trong y văn.
5.1. Xi măng
Độ bền liên kết thay đổi tùy theo loại xi măng, nhưng loại xoi mòn toàn phần thường mang lại khả năng lưu giữ tốt nhất; hệ thống tự xoi mòn là loại xi măng trung gian và các loại xi măng tự dán có thể đạt được độ bám dính xấp xỉ bằng loại xi măng tự xoi mòn.
Mặc dù không có sự thống nhất về độ dày của lớp xi măng, nhưng khoảng cách 50-100 micron giữa việc sửa soạn và phục hồi cho phép các loại xi măng composite đạt được độ bám dính tốt giữa răng và phục hồi gián tiếp.
Các vật liệu được sử dụng thường xuyên nhất để gắn các phục hình gián tiếp là:
- Xi măng trùng hợp kép nền nhựa composite
- Vật liệu composite lỏng
- Vật liệu nhựa composite đặc được làm nóng
Quá trình trùng hợp của các vật liệu này phải tính đến khả năng ánh sáng xuyên qua phục hình. Nếu có thể đạt được hiệu quả trùng hợp bằng ánh sáng tốt (30-60 giây trên mỗi bề mặt), vật liệu phục hồi composite thông thường đã được làm ấm có thể được sử dụng để gắn. Nó có hệ số co thấp hơn xi măng trùng hợp kép, nhiều chất độn hơn và hệ số co thấp hơn. Việc làm nóng sơ bộ làm tăng tỷ lệ chuyển đổi trong quá trình trùng hợp. Việc sử dụng vật liệu composite để gắn xi măng phục hồi gián tiếp được nâng đỡ bởi một số nghiên cứu dài hạn . Hơn nữa, những vật liệu này dễ xử lý hơn và phần thừa có thể được loại bỏ dễ dàng hơn.
Đối với phục hồi trực tiếp và gián tiếp, chúng tôi khuyên bạn nên cách ly một nhóm răng để khôi phục lại các điểm tiếp xúc đúng cách. Các chỉ nha khoa được chỉ định để ổn định và định vị đê cao su. Sau khi loại bỏ phục hồi tạm và cách ly đê cao su, nên làm sạch khoang bằng cách phun cát để loại bỏ hoàn toàn vật liệu tạm, làm sạch tạp chất và tạo ra các vi lưu giữ. Sau đó, việc thử onlay có thể được thực hiện (Hình 9.16): kiểm tra các ĐHT, các điểm tiếp xúc.

Nha sĩ đánh giá sự thích ứng ĐHT (Hình 9.17) và mối quan hệ với các răng ở gần và xa, sự tồn tại của các điểm tiếp xúc chính xác. Việc điều chỉnh khớp cắn (khớp kín tĩnh và động) sẽ được thực hiện sau khi gắn xi măng và tháo đê cao su. Không nên thử inlay trước khi gắn xi măng vì có nguy cơ bị gãy. Onlay có thể được cố định bằng sáp trên các dụng cụ cứng (ví dụ: dụng cụ nhồi) hoặc có thể sử dụng microbrush dính (Hình 9.18). Quá trình gắn sứ onlay trải qua các bước sau:

- Bôi axit hydrofluoric 10% trong 20 giây đối với sứthủy tinh disilicate lithium (ví dụ: e.max) (Hình 9.19).
- Rửa và thổi khô kỹ.
- Đặt axit orthophosphoric 35-37% trong 10 giây để loại bỏ muối do axit hydrofluoric tạo ra (không phải tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra bước này) (Hình 9.20).
- Rửa sạch bằng nước và thổi khô.
- Silane (Hình 9.21).
- Chất dán (Hình 9.22).
- Xi măng (Hình 9.23 và 9.24).



Việc gắn các overlay composite bao gồm các bước sau:
- Thổi cát (50 micron nhôm oxit)
- Bôi axit hydrofluoric, nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều khuyến nghị điều này
- Silan
- Chất dán
- Xi măng
Việc chuẩn bị răng để gắn xi măng được thực hiện sau khi phun cát và cách ly Teflon với các răng lân cận (Hình 9.25) theo quy trình tương tự như đối với phục hình trực tiếp:
1. Cách ly đê cao su và làm sạch khoang bằng chổi và paste hoặc phun cát (Hình 9.25).
2. Xoi mòn men trong 30 giây (Hình 9.26).
3. Rửa sạch bằng nước.
4. Sấy khô (Hình 9.27).
5. Bôi primer để các sợi collagen thẩm thấu và hình thành lớp lai.
6. Dễ dàng làm khô.
7. Sử dụng chất dán lưỡng trùng hợp (Hình 9.28).
8. Đặt xi măng và onlay lên răng (Hình 9.29).
9. Tạo áp lực lên onlay và loại bỏ xi măng dư thừa khỏi mặt ngoài, miệng bằng bàn chải siêu nhỏ và kẽ răng bằng chỉ nha khoa và bàn chải siêu nhỏ. Lý tưởng nhất là quá trình trùng hợp được thực hiện với lớp chặn oxy (ví dụ: gel glycerin) (Hình 9.30 và 9.31).
10. Hoàn thiện các cạnh nếu có và kiểm tra các giới hạn giao diện (Hình 9.32).
11. Điều chỉnh khớp cắn sau khi tháo đê cao su (Hình 9.33).





Kết luận
Phục hồi gián tiếp bán phần có thể được coi là phương pháp điều trị được lựa chọn để phục hồi các lỗ sâu liên quan đến múi răng. Chúng có thể dự đoán trước, có đặc tính cơ sinh học tốt và bảo tồn được các mô răng còn lại. Từ quan điểm về vật liệu sẵn có để thực hiện những phục hồi này, không có vật liệu nào là tiêu chuẩn vàng. Sự lựa chọn phải được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, dựa trên các kết quả được công bố cho đến nay, sứ (sứ gia cố lithium disilicate) có thể được coi là giải pháp thay thế lâu dài đáng tin cậy nhất so với nhựa composite, vốn có đặc tính kém hơn theo thời gian.
Nguồn: Bud, M. (2024). Direct restorations: Clinical steps for working protocols. Springer.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/