Trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp điều trị nào, răng phải được đánh giá kỹ lưỡng. Mỗi răng phải được kiểm tra riêng lẻ và trong bối cảnh đóng góp của nó vào kế hoạch điều trị và phục hồi tổng thể. Đánh giá này bao gồm đánh giá nội nha, nha chu, cơ sinh học và thẩm mỹ. Việc lập kế hoạch phục hồi răng nội nha gồm tất cả các yếu tố lâm sàng và cơ sinh học cũng như các vật liệu và quy trình khác nhau.
(Trong bài viết mình sẽ dùng thuật ngữ lõi (core) nhằm chỉ những tái tạo trên thân răng để thay thế phần bị mất chất)
1. Đánh giá trước điều trị
1.1. Đánh giá nội nha
Việc kiểm tra trước khi phục hồi nên bao gồm việc kiểm tra chất lượng điều trị nội nha hiện có. Không nên đặt các phục hình mới, đặc biệt là các phục hình phức tạp, trên các răng trụ có tiên lượng nội nha không cao. Điều trị nội nha được chỉ định cho những răng có dấu hiệu X quang của viêm quanh chóp hoặc có triệu chứng lâm sàng của viêm. Việc phục hồi răng nội nha cần có chốt cần có khoảng đặt chốt, được chuẩn bị bằng cách loại bỏ gutta-percha khỏi ống tủy. Các ống tủy được trám bít bằng côn bạc hoặc vật liệu trám bít không phù hợp khác nên được điều trị nội nha lại trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp phục hồi nào. Bởi vì khả năng mô quanh chóp lành lại sau khi điều trị nội nha lại là khá cao nên cơ hội giữ được một răng được phục hồi tốt theo thời gian là rất lớn.
1.2. Đánh giá nha chu
Duy trì sức khỏe nha chu cũng rất quan trọng đối với sự thành công lâu dài của răng được điều trị nội nha. Do đó, tình trạng nha chu của răng phải được xác định trước khi bắt đầu điều trị và phục hồi răng nội nha. Các điều kiện sau đây được coi là quan trọng để điều trị thành công:
◼ Mô nướu khỏe mạnh
◼ Cấu trúc xương bình thường và mức độ bám dính tốt cho sức khỏe nha chu
◼ Duy trì khoảng sinh học và tác dụng của ferrule trước và sau giai đoạn nội nha và phục hồi
Nếu một hoặc nhiều điều kiện nói trên không được đáp ứng, do bệnh lý có sẵn hoặc khiếm khuyết về cấu trúc, thì sự thành công hoặc thậm chí tính khả thi của điều trị có thể bị ảnh hưởng, đôi khi cần phải nhổ bỏ những răng yếu và thay thế bằng implant nha khoa thay vì liệu pháp thông thường.
1.3. Đánh giá cơ sinh học
Tất cả các vấn đề trước đó, từ sâu răng hoặc chấn thương ban đầu đến điều trị tủy, đều ảnh hưởng đến tình trạng cơ sinh học của răng cũng như việc lựa chọn vật liệu và quy trình phục hồi. Tình trạng cơ sinh học có thể đưa đến quyết định nhổ những răng bị mất chất nghiêm trọng, không xứng đáng được điều trị rộng và có xác suất thành công thấp. Các yếu tố lâm sàng quan trọng bao gồm:
◼ Số lượng và chất lượng cấu trúc răng còn lại
◼ Vị trí giải phẫu của răng
◼ Lực nhai lên răng
◼ Yêu cầu phục hồi của răng
Răng có cấu trúc răng còn lại tối thiểu có nguy cơ cao mắc các biến chứng lâm sàng sau (Hình 23.4):

◼ Gãy chân
◼ Rò rỉ vùng chóp-cổ
◼ Sâu răng tái phát
◼ Bị sút hoặc mất lõi (core)/phục hồi
◼ Tổn thương nha chu do xâm lấn khoảng sinh học
Số lượng và chất lượng của nền răng còn lại quan trọng hơn nhiều đối với tiên lượng lâu dài của răng được phục hồi so với bất kỳ đặc tính vật liệu nào. Phải cân nhắc rằng không có vật liệu phục hồi nào có thể thực sự thay thế được ngà răng hoặc men răng và một lượng cấu trúc nguyên vẹn tối thiểu là bắt buộc để duy trì răng và tầm quan trọng chiến lược của nó đối với kế hoạch điều trị tổng thể. Sự hiện diện của các răng liền kề khỏe mạnh (để có thể làm cầu răng) hoặc lựa chọn implant là những yếu tố bổ sung cần được phân tích khi phục hồi các răng đã được điều trị nội nha.
2. Vị trí răng, lực nhai, và lực cận chức năng
Răng phải chịu lực dọc theo trục và không theo trục theo chu kỳ. Răng và các phục hồi liên quan phải chống lại các lực này để hạn chế những hư hại tiềm ẩn như mòn hoặc gãy. Mức độ và hướng của lực phụ thuộc vào vị trí của răng trên cung răng, sơ đồ khớp cắn và trạng thái chức năng của bệnh nhân. Trong hầu hết các sơ đồ khớp cắn, răng trước bảo vệ răng sau khỏi lực bên thông qua hướng dẫn trước bên. Trong bối cảnh hướng dẫn về phía trước rất dốc và độ cắn phủ sâu theo chiều dọc, các răng trước hàm trên đang chịu lực đưa ra trước và lực bên cao hơn từ các răng trước hàm dưới. Do đó, việc phục hồi các răng trước bị tổn thương với lực chức năng lớn cần được thiết kế để chống lại sự uốn cong. Các thành phần phục hồi răng nội nha phải mạnh hơn mức cần thiết đối với các răng đối đầu (có lực dọc).
Răng sau thường chịu nhiều lực dọc hơn, đặc biệt khi duy trì sự dẫn hướng của răng nanh và răng trước; chúng cũng chịu tải trọng nhai lớn hơn răng trước và việc phục hồi phải được lên kế hoạch để bảo vệ răng sau khỏi bị gãy. Trong trường hợp có lực cận chức năng, sự bảo vệ bởi các tiếp xúc phía trước có thể bị giảm hoặc mất đi và các răng sau phải chịu nhiều áp lực về phía bên hơn, tạo ra nhu cầu cao hơn về vật liệu phục hồi. Các tài liệu báo cáo rằng lực cắn trung bình thay đổi từ 25 đến 75 N ở vùng trước và từ 40 đến 125 N ở vùng răng sau, tùy thuộc vào loại thức ăn, tình trạng răng (có răng hoặc không có răng), giải phẫu và thói quen chức năng của bệnh nhân. Những lực đó có thể dễ dàng đạt tới 1000 N hoặc cao hơn trong trường hợp có lực cận chức năng, cho thấy mức độ phá hủy tiềm tàng của chúng đối với răng còn nguyên vẹn và thậm chí còn hơn thế đối với răng yếu, dễ gãy. Thói quen cận chức năng (nghiến răng và cắn chặt răng) là nguyên nhân chính gây ra mỏi hoặc chấn thương cho răng, bao gồm mòn, nứt và gãy răng. Răng bị mòn nhiều hoặc di chứng do cận chức năng, đặc biệt là đưa sang bên mạnh, cần các thành phần có đặc tính vật lý cao nhất để bảo vệ răng đã phục hồi khỏi bị gãy.
Nhìn chung, chiến lược hiện đại tập trung vào việc bảo tồn mô và sử dụng chất dán để ổn định phục hồi răng nội nha nhằm cải thiện chức năng ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định như giảm khả năng nâng đỡ răng, vật liệu thông thường không hề lỗi thời.
3. Đánh giá thẩm mỹ và yêu cầu của bệnh nhân
Răng trước, răng cối nhỏ và thường là răng cối lớn thứ nhất hàm trên cùng với nướu xung quanh tạo nên vùng thẩm mỹ của miệng. Những thay đổi về màu sắc hoặc độ trong của cấu trúc răng, cùng với các mô mềm hoặc kiểu sinh học mỏng, làm giảm cơ hội đạt được kết quả điều trị thẩm mỹ. Các biến chứng thẩm mỹ tiềm ẩn cần được xem xét trước khi bắt đầu điều trị nội nha. Ví dụ, chốt hoặc amalgam bằng kim loại hoặc sợi carbon tối màu được đặt trong buồng tủy có thể dẫn đến kết quả thẩm mỹ không thể chấp nhận được, chẳng hạn như phục hình trông có vẻ xám (đặc biệt với mão toàn sứ hiện đại, trong hơn) hoặc nướu bị đổi màu ở vùng cổ hoặc chân răng bên dưới. Tất cả các răng nằm trong vùng thẩm mỹ cũng cần được kiểm soát chặt chẽ vật liệu trám nội nha ở 1/3 thân răng và buồng tủy để tránh hoặc giảm nguy cơ đổi màu. Lựa chọn cẩn thận vật liệu phục hồi, xử lý mô cẩn thận và can thiệp nội nha kịp thời là rất quan trọng để bảo tồn hình dáng tự nhiên của răng chết tủy và nướu.
4. Vì sao chân răng bị gãy
Các kết cấu chịu tác dụng của lực thấp nhưng lặp đi lặp lại có thể bị gãy đột ngột mà không có lý do rõ ràng. Hiện tượng này, còn được gọi là hỏng do mỏi, xảy ra khi vật liệu hoặc mô chịu tải trọng theo chu kỳ. Độ mỏi có thể được đặc trưng như một hiện tượng phá hủy tiến triển xảy ra do sự hình thành và lan rộng của các vết nứt; Nhiều hư hỏng của răng hoặc vật liệu quan sát được trong miệng đều liên quan đến mỏi. Bởi vì răng phải chịu các chu kỳ dao động của chịu lực và không chịu lực trong quá trình nhai, nên có khả năng xảy ra hiện tượng mỏi ngà răng, chốt, lõi, viền thân răng hoặc các thành phần kết dính. Tải cơ học sẽ tạo điều kiện cho sự lan truyền của các vết nứt nhỏ tiến triển từ vùng thân răng đến vùng chóp răng.
Sự hư hỏng ban đầu của viền mão do tải trọng mỏi là không thể phát hiện được về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, khi đo trong ống nghiệm, thất bại sớm dẫn đến rò rỉ đáng kể bờ mão răng, làm hở giữa các răng, phục hồi và chốt. Đặc biệt ở những răng có cấu trúc răng còn lại tối thiểu, sự mỏi có thể khiến chốt nội nha bị cong hoặc gãy vĩnh viễn hoặc có thể khiến phức hợp fiber-matrix bị phân hủy.
Tình trạng mỏi của các răng chết tủy được phục hồi bằng chốt còn nghiêm trọng hơn vì có thể dẫn đến gãy toàn bộ chân răng. Chốt được đặt vào chân răng sẽ có chức năng vật lý giống như bất kỳ cấu trúc nào được neo trong vật liệu khác. Điều này có nghĩa là lực tác dụng lên chốt được truyền đến ngà răng với các mẫu đặc trưng tùy thuộc vào mô đun đàn hồi của cả chốt và ngà răng. Nếu chốt có mô đun cao hơn ngà răng thì nồng độ ứng suất nằm sát đáy chốt (Hình 23.3). Điều này thể hiện rõ trong các trường hợp lâm sàng gãy chân răng bắt nguồn từ chóp của một chốt cứng.

Khi độ cứng của chốt nội nha tương tự như ngà răng, áp lực không tập trung ở ngà răng liền kề với chóp của chốt mà bị tiêu tan bởi cả thân răng và chân răng (xem Hình 23.3). Một chốt đàn hồi cũng có thể ngăn chặn một cú va chạm bất ngờ bằng cách kéo giãn đàn hồi, làm giảm lực nhất thời tác động lên răng, nhưng một chốt quá đàn hồi sẽ trở nên quá linh hoạt để giữ lõi và thân răng khi răng không thể tự làm được điều đó. Một chốt đàn hồi bị quá tải sẽ bị hỏng với 1 lực nhỏ hơn so với một chốt cứng hơn. Điều này giới hạn mức độ biến dạng đàn hồi có thể được thiết kế vào một chốt.
5. Ferrule là gì?
Ferrule là một khái niệm quan trọng trong nha khoa nhưng đã không được chú trọng trong quá trình phát triển nha khoa dán hiện nay. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn quan trọng như trước khi có nha khoa dán. Nhưng ferrule là gì?

Ferrule là một dải bao quanh vùng bên ngoài của cấu trúc răng còn lại. Chiều cao của cấu trúc răng mà mão răng trong tương lai sẽ bám vào là cần thiết giúp tạo hiệu ứng ferrule; nó đã được chứng minh là làm giảm đáng kể tỷ lệ gãy ở răng được điều trị nội nha. Điều quan trọng đối với khái niệm này là thiết kế đường hoàn tất của mão, có thể là vát (chamfer) hoặc bờ vai. Vì vát không song song với trục dọc của răng, nên nó không đóng góp vào chiều cao ferrule. Do đó, khi sử dụng ĐHT vát, sẽ cần thêm 1mm chiều cao giữa mép ĐHT và mặt trên của cấu trúc răng còn lại. Do đó, sử dụng một mặt vát có thể không phải là thiết kế tốt nhất khi phục hình răng đã điều trị nội nha hoặc những răng có một phần cấu trúc răng bị mất đáng kể.
Khi không thể đoán trước được kết quả thì việc kéo dài thân răng cần được xem xét để tăng cấu trúc răng để đạt được ferrule, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào tình trạng nha chu của răng, và khi răng không thể có được ferrule thì nên xem xét nhổ răng. Ichim và cộng sự, đã phát biểu một cách ngắn gọn, “Nghiên cứu xác nhận rằng ferrule làm tăng sức đề kháng cơ học của phục hồi chốt/core /mão răng.”
6. Chiến lược điều trị
6.1. Quy tắc và hướng dẫn chung
Chốt, lõi và các chất gắn hoặc chất liên kết cùng nhau tạo thành nền tảng để nâng đỡ phục hồi của các răng được điều trị nội nha. Sự phát triển của phục hồi nền để làm giảm khả năng xâm lấn, sử dụng chất dán thay vì neo chặn cơ học và loại bỏ các thành phần bên trong chân răng trong một số trường hợp chọn lọc. Những khái niệm lâm sàng đang thay đổi này xuất phát từ sự hiểu biết được cải thiện về cơ sinh học răng và những tiến bộ trong vật liệu phục hồi.
Nền và các thành phần khác nhau của nó nhằm mục đích cung cấp sự bảo vệ tốt nhất chống lại sâu răng, gãy hoặc bong tróc phục hồi liên quan đến rò rỉ. Do đó, tất cả các thông số nói trên phải được phân tích một cách có hệ thống để lựa chọn phương pháp điều trị và vật liệu phục hồi tốt nhất. Nhìn chung, răng trụ cho cầu răng hoặc tháo lắp đòi hỏi nhiều tính năng bảo vệ và lưu giữ hơn so với mão đơn, do lực ngang và lực xoắn lớn hơn. Chiến lược xử lý cơ sinh học hiện đại này được tóm tắt trong Hình 23.5.


6.2. Răng trước có cấu trúc răng tốt
Răng trước có thể chết tủy do chấn thương mà không có hoặc có tổn thương cấu trúc rất nhỏ. Chúng thường không yêu cầu mão răng, lõi hoặc chốt; điều trị phục hồi được giới hạn ở việc bịt kín khoang tủy và trám composite trực tiếp. Sự đổi màu, bất cứ khi nào xuất hiện, được giải quyết bằng cách tẩy trắng răng chết tủy, hoặc, đối với những trường hợp không thể điều trị được hoặc tái phát, bằng các phương pháp phục hồi bảo tồn như dán veneer trực tiếp hoặc gián tiếp (Bảng 23.2)

6.3. Răng sau chết tủy có cấu trúc răng tốt
Kết quả là chết tủy ở các răng sau do chấn thương, sâu răng hoặc một quy trình phục hồi thì không nhất thiết dẫn đến vấn đề cơ sinh học quá mức và do đó, trong một số điều kiện nhất định, cho phép phục hồi bảo tồn.
Các sâu nhai hoặc gần/xa-nhai có thể được phục hồi bằng phục hình dán trực tiếp hoặc gián tiếp, miễn là thành còn lại đủ dày (các gờ gần và thành ngoài trong dày hơn 1,5 mm). Ba yếu tố lâm sàng bổ sung phải được phân tích để đảm bảo thành công là yếu tố cấu hình (yếu tố C), thể tích khoang và chất lượng ngà răng. Ví dụ, một khoang sâu loại I lớn với ngà răng bị nhiễm trùng và xơ cứng rõ ràng sẽ là một chống chỉ định đối với phương pháp điều trị trực tiếp, mặc dù thực tế là nó dường như nằm trong chỉ định của các kỹ thuật trực tiếp. Tuy nhiên, các lựa chọn bảo tồn phải luôn được phân tích dưới môi trường chức năng và khớp cắn. Chúng chỉ có thể được xem xét khi không có lực cận chức năng và có hướng dẫn trước, điều này hạn chế tải trọng chức năng tổng thể và các lực ngang hoặc lực uốn. Trong các điều kiện cơ sinh học kém thuận lợi hơn (ví dụ: hướng dẫn nhóm, giải phẫu khớp cắn dốc, nghiến răng, cắn chặt răng), một phương pháp bảo vệ với phạm vi bao phủ toàn bộ khớp cắn (onlay hoặc overlay) được yêu cầu để giảm thiểu nguy cơ hỏng do mỏi (xem Bảng 23.2).
6.4. Răng mất chất nhiều
Quyết định đặt chốt cũng như lựa chọn hệ thống chốt (cứng hay không cứng) một lần nữa phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của cấu trúc răng còn lại cũng như lực dự kiến được duy trì bởi răng này (Bảng 23.3). Nói chung, chốt cứng được chế tạo bằng vật liệu cứng (kim loại và sứ) được chỉ định cho những răng có cấu trúc răng tối thiểu và cần chốt để giữ lõi và mão răng. Bởi vì chốt cứng uốn và dịch chuyển ít hơn các loại chốt khác nên chúng được cho là hạn chế chuyển động của lõi và có thể làm đứt ĐHT mão răng và lớp đệm xi măng. Nhưng người ta phải nhớ rằng các chốt cứng sẽ truyền nhiều ứng suất hơn đến chân răng, bên cạnh chóp của chốt, khi được gắn xi măng thông thường. Nỗ lực gia cố một chân yếu bằng cách thêm một chốt cứng có thể làm cho chân yếu hơn do sự tập trung lực của một thanh cứng trong một vật liệu dẻo hơn. Do đó, độ bám dính đóng một vai trò quan trọng, bởi vì chốt được liên kết tốt có thể giúp phân bố lực đồng đều hơn trên toàn bộ cấu trúc răng còn lại.

Ở những răng có cấu trúc khỏe mạnh, chốt không cứng sẽ uốn cong theo răng dưới lực chức năng, làm giảm sự truyền lực đến chân răng và giảm nguy cơ gãy chân răng. Tất nhiên, độ uốn có liên quan đến đường kính chốt. Ở những răng bị tổn thương về cấu trúc, thiếu độ cứng cổ răng do hiệu ứng ngà răng và ferrule, việc uốn cong chốt quá mức có thể gây bất lợi cho seal ở viền và tuổi thọ của phục hình, do đó, chốt sợi thường bị chống chỉ định. Chốt sợi trắng hoặc trong thường được ưu tiên bên dưới phục hình toàn sứ, trong khi chốt sợi carbon đen chắc hơn, có thể phản chiếu qua nướu, cấu trúc răng hoặc phục hình sứ, thường được sử dụng trong răng được phục hồi bằng vàng hoặc sứ kim loại, cũng như trong phục hồi zirconia. Y văn phần lớn đã nhấn mạnh quá mức đến tác động của màu sắc chốt đối với tính thẩm mỹ phục hồi. Màu chốt bằng kim loại hoặc carbon có thể được che bằng nhựa đục và cùi giả bằng vàng được tráng sứ để nâng cao tính thẩm mỹ. Các quy trình như vậy có thể giúp đạt được cơ sinh học phục hồi lý tưởng hơn thông qua việc chế tạo các nền móng cứng nhắc nhưng có tính thẩm mỹ cao hơn. Các răng cửa bên trên và dưới, cùng với biotype cực mỏng, có lẽ là chống chỉ định thực sự duy nhất về mặt thẩm mỹ đối với chốt kim loại hoặc sợi carbon. Trong trường hợp răng cực kỳ dễ gãy thứ phát do sâu răng, hệ thống ống tủy chân răng quá rộng hoặc chưa trưởng thành, cấu trúc chân răng còn lại có thể được hợp nhất và gia cố bằng chất dán và composite trước khi đặt chốt có đường kính bình thường, tạo thành một khối gắn kết hoàn toàn.
Tóm lại, ở một răng bị hỏng cần được phục hồi bằng chốt không cứng, lý tưởng nhất là phải duy trì cấu trúc cổ răng từ 2 đến 3 mm để cho phép tạo ra một phục hình tổng thể có khả năng chống lại sự uốn cong. Răng có cấu trúc răng tối thiểu và hiệu ứng ferrule hạn chế cần có thêm độ cứng cổ răng từ một chốt cứng hơn để chống lại sự biến dạng. Trong trường hợp này, xi măng dán được ưu tiên hơn so với xi măng thông thường.
Răng trước mất chất nhiều
Việc phục hồi răng nội nha trở nên phức tạp hơn khi răng hoặc các cấu trúc nâng đỡ ngày càng bị ảnh hưởng. Một răng trước chết tủy đã bị mất cấu trúc răng đáng kể cần được phục hình bằng mão răng, được hỗ trợ và lưu giữ bằng lõi và có thể cả chốt. Khi chiều cao lõi thấp hơn một nửa hoặc khi thành răng còn lại cực kỳ mỏng (<1 mm trên hơn 3/4 chu vi răng), cần có một chốt để tăng khả năng duy trì, ổn định và gia cố nền móng. Hiện nay có nhiều chốt, bao gồm titan, nhựa gia cố bằng sợi và sứ. Dán hiện nay là chế độ được ưa thích khi gắn trừ khi rõ ràng có sự nhiễm lâu dài của ngà răng (ví dụ: với eugenol), khiến cho độ bám dính không đáng tin cậy.
Trong trường hợp thứ hai hoặc khi có ống tủy loe (cũng có thể khi có hiệu ứng ferrule hạn chế), cùi giả đúc bằng vàng vẫn được coi là những lựa chọn khả thi. Trên thực tế, trong môi trường cơ sinh học cực kỳ bất lợi này, phương pháp điều trị truyền thống này mang lại độ cứng cao hơn ở vùng cổ, điều này là bắt buộc để phục hồi ổn định. Ở đây, nền composite được gia cố bằng sợi có độ linh hoạt cao hơn có thể gây ra đặc tính cơ sinh học kém thuận lợi hơn, như được đề xuất bởi các nghiên cứu FEM (xem Hình 23.3 và Bảng 23.2). Nhổ răng và đặt implant hoặc cầu răng (đặc biệt đối với các răng cửa bên) cũng được xem xét trong tình huống này.
Trong vùng thẩm mỹ, chốt không được làm mất đi tính thẩm mỹ của cấu trúc thân răng, mão sứ hoặc nướu. Các quy trình phục hồi hiện tại cho phép chế tạo các phục hình thân răng bằng sứ có tính thẩm mỹ cao mà không có cấu trúc phụ bằng kim loại. Khi những phục hình như vậy được lựa chọn, điều đó thường ngụ ý việc sử dụng các chốt thẩm mỹ phi kim loại, có thể là chốt được gia cố bằng sợi gốm hoặc nhựa.
Răng sau mất chất nhiều
Các răng sau bị sâu nhẹ trong trường hợp có cận chức năng hoặc các răng cối nhỏ và răng cối lớn nhạy cảm cần được bảo vệ múi bằng phục hình onlay, endocrown hoặc mão răng toàn phần. Nhu cầu cùi giả đúc tùy thuộc vào số lượng cấu trúc răng còn lại. Khi các thành còn lại (mặt ngoài và mặt trong) cao hơn 3 đến 4 mm (tính từ sàn buồng tủy) và dày 1,5 đến 2 mm, độ ổn định của lõi và phục hồi được đảm bảo thông qua việc lưu giữ hoặc bám dính cơ học vĩ mô; khi đó, chốt không cần thiết (xem Hình 23.5). Với chiến lược điều trị hiện nay, chốt đã trở thành ngoại lệ chứ không phải là quy tắc cho việc phục hồi các răng sau chết tủy.
6.5. Quy trình bổ sung
Phẫu thuật kéo dài thân răng nha chu hoặc trồi răng chỉnh nha có thể làm lộ thêm cấu trúc chân răng để cho phép phục hồi một răng bị hư hại nặng. Tuy nhiên, trong cung cười, việc kéo dài thân răng có thể bị hạn chế bởi những hậu quả bất lợi về mặt thẩm mỹ (giảm bám dính vùng kẽ răng); Về cơ bản, việc kéo dài thân răng mặt ngoài chỉ có thể được coi là một chỉ định tiềm năng. Ở răng sau, việc kéo dài thân răng bị giới hạn bởi giải phẫu răng và vùng chẽ hoặc do mất cấu trúc xương, làm phức tạp việc đặt implant trong tương lai.
Liên quan đến việc trồi răng chỉnh nha, chiều dài chân răng và giải phẫu là những yếu tố hạn chế của thủ thuật này; Chân răng ngắn hoặc giải phẫu hình nón là chống chỉ định của việc trồi răng chỉnh nha. Một lần nữa, khi không thể dự đoán trước được sự phục hồi chức năng lâu dài, thì nhổ răng có thể tốt hơn là theo đuổi những nỗ lực quá sức để phục hồi một răng cực kỳ yếu bằng các quy trình phức tạp, tốn kém và không thể đoán trước.

Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/