1. Giới thiệu
Nạy được sử dụng để truyền lực làm lung lay răng (luxation), tạo điều kiện cắt đứt dây chằng nha chu dọc theo các vùng bề mặt của chân răng. Luxation cũng có thể mở rộng không gian giữa chân răng và xương ổ răng xung quanh, bằng cách cắt đứt dây chằng nha chu và đẩy chân răng ra khỏi bề mặt xương ổ răng. Sự mở rộng này làm tăng mức độ tự do chuyển động của răng bên trong ổ. Tuy nhiên, lực tác động lên xương ổ răng có thể gây gãy xương ổ răng, hoặc gây hoại tử các tế bào xương lót ổ, do hoại tử áp lực hoặc chèn ép. Lực tác động lên xương ổ răng trong quá trình lung lay răng có thể được giảm thiểu bằng cách cắt nhỏ các phần răng sao cho các phần tử răng riêng lẻ truyền ít lực hơn đến xương ổ răng trong quá trình làm lung lay răng.
Bài báo này trình bày các kỹ thuật nạy để làm lung lay răng, giải thích cách chia răng và loại bỏ xương để tối ưu hóa hiệu quả và giải thích cách sử dụng kính hiển vi kết hợp với đèn chiếu sáng đội đầu, đồng trục, không tạo bóng giúp tối ưu hoá trong việc làm lung lay răng.
2. Kỹ thuật
2.1. Vị trí nạy
Nạy phải được đặt sao cho mặt bụng của đầu nạy tiếp xúc với (các) điểm cứng trên phần răng, trong khi mặt lưng tiếp xúc với (các) điểm cứng trong miệng, sao cho nếu một lực có độ lớn và hướng cụ thể được đặt vào răng, răng sẽ chuyển động dần dần, nhưng lực sẽ không đủ để làm hỏng (các) điểm tiếp xúc, sẽ làm mất lực đòn bẩy. Vị trí hữu ích của nạy thường được mô tả là “điểm nạy – purchase point”, mặc dù thuật ngữ này không chính xác vì đầu nạy phải đồng thời tiếp xúc với ít nhất hai điểm, một điểm ở lưng và một điểm bụng, để nạy răng lên. Việc cắt răng hoặc loại bỏ xương được cho là “tạo ra điểm nạy” cho đầu nạy, nhưng việc cắt hoặc loại bỏ xương chính xác hơn sẽ làm tăng các lựa chọn để đặt nạy, sao cho sự kết hợp khác nhau của các điểm tiếp xúc cứng ở lưng và bụng luôn có sẵn để làm lung lay răng.
Nếu các điểm tiếp xúc ở đầu nạy có cấu trúc yếu và có thể bị phá hủy bởi một lực lớn, hoặc nếu một răng lân cận phải được sử dụng làm điểm tiếp xúc với mặt lưng của nạy, thì chỉ nên đặt một lực nhỏ để làm lung lay răng. Đòn bẩy không lý tưởng này có thể dẫn đến chuyển động vi mô của răng, điều này chỉ có thể được phát hiện bằng kính hiển vi. Tuy nhiên, chuyển động vi mô này có thể dẫn đến chuyển động vĩ mô của răng hoặc cho phép xâm nhập sâu hơn về mặt vi mô của chóp nạy giữa răng và xương ổ răng, có thể mở ra đường tiếp cận với các điểm tiếp xúc đầu nạy khác và có thể gây ra thêm sự di chuyển vi mô cho răng.
Không khuyến khích việc lung lay răng trong khi sử dụng một răng khỏe mạnh làm điểm kê đầu nạy ở mặt lưng. Bác sĩ nên thử các vị trí và góc đầu nạy khác nhau để giảm thiểu sự di chuyển của các răng lân cận. Một mũi khoan 330 có thể được sử dụng để loại bỏ các tiếp xúc trên phần răng cần nhổ, điều này làm tăng mức độ tự do chuyển động của răng. Nó thường hữu ích khi nhổ răng sữa hoặc răng cối nhỏ cho mục đích chỉnh nha.
2.2. Lực nạy cơ bản
Một chuyển động lung lay răng cơ bản là kết quả của việc đặt một đầu nạy thẳng xung quanh chu vi của răng, sao cho mặt bụng tiếp xúc với số điểm tối đa trên chu vi răng và mặt lưng tiếp xúc với các điểm khác nhau trên xương ổ răng hoặc ít lý tưởng hơn là răng lân cận; trục nạy xấp xỉ trùng hoặc lệch góc với trục dài răng. (Hình 1) Sau đó, nha sĩ sẽ dao động mũi nạy với biên độ ngắn, chuyển động theo chiều kim đồng hồ sang ngược chiều kim đồng hồ trong khi đẩy nạy theo phương để cắt đứt dây chằng nha chu về phía chóp dọc theo chân răng, cho phép đỉnh nạy tiến sâu hơn để tăng lực đòn bẩy. Tay cầm nạy thẳng cũng có thể được di chuyển về phía chóp, sao cho đầu nạy truyền lực nâng trực tiếp lên trên. Mỗi điểm tiếp xúc của đầu nạy dọc theo chu vi của răng tác dụng một điểm đòn bẩy với vectơ xấp xỉ vuông góc với trục dài của răng. Chuyển động dao động theo chiều kim đồng hồ / ngược chiều kim đồng hồ của đầu nạy thẳng dẫn đến nhiều chuyển động đòn bẩy chính xác như vậy trên một đơn vị thời gian, làm quay phần răng bên trong xương ổ trên trục dài của răng.

Một chuyển động lung lay răng cơ bản khác là truyền một lực lên răng để răng di chuyển song song với đường cong của chóp trong ổ răng, hoặc song song với một đường cong tưởng tượng có lực cản nhỏ nhất. Nạy Cryer có đầu làm việc dày, cong, hình tam giác với đầu nhọn có thể truyền lực quay mạnh lên răng, trong đó chỉ có một điểm trên mặt bụng của đầu nạy tiếp xúc với răng và lực tác dụng chỉ dọc theo một trục vectơ quay cho mỗi chuyển động lung lay răng. Lực ma sát, hoặc lực lung lay răng với vectơ lực vuông góc với bề mặt răng, giữ cho đầu nạy tiếp xúc với răng.
Vì nạy Cryer thường chỉ tiếp xúc với một răng tại một điểm duy nhất, nó không có khả năng thực hiện dao động cơ bản được mô tả ở trên, vì chuyển động dao động này đòi hỏi nhiều điểm tiếp xúc dọc theo chu vi răng. Thay vào đó, nạy Cryer được sử dụng nơi đầu nạy có thể tiếp xúc với một khu vực tương đối rộng, vùng răng lộ và từ đó có thể tạo ra một lực quay. Mũi nạy Cryer thường được đặt vài mm bên trong ổ sao cho điểm đỉnh bụng tiếp xúc với răng và (các) điểm mặt lưng đẩy vào thành ổ răng, xương vách ngăn ổ răng, chân răng của chiếc răng được nhổ hoặc, ít lý tưởng hơn là răng lân cận. (Hình 2) Đầu rộng ở phía xa của nạy Cryer làm tăng xác suất mặt lưng tiếp xúc với các điểm cứng để tạo đòn bẩy, trong khi đầu nhọn hình tam giác ngắn tạo điều kiện thâm nhập vào ổ răng.

Nạy Cryer có thể làm lung lay chân xa RCL hàm dưới sau khi phần cổ của xương vách bị loại bỏ để lộ ra mặt gần của chân xa. Đầu nạy Cryer được đặt trên mặt gần để lung lay chân răng dọc theo một đường với lực cản ít nhất.
Nói chung, các nạy có đầu làm việc uốn cong 45 ° đến 90 ° có chức năng giống như nạy Cryer. (Hình 3) Một nạy chóp với một tay cầm dài, mỏng và đầu làm việc cong với đầu nhọn hoặc cong về cơ bản cũng hoạt động thông qua một điểm tiếp xúc duy nhất, tác dụng vectơ quay lên răng. Một nạy Cryer hình tam giác thông thường có thể ít hữu ích hơn để nhổ chân răng nhỏ so với một nạy chóp vì đầu làm việc ngắn của nạy Cryer ngăn cản sự thâm nhập sâu vào ổ răng để loại bỏ chóp và đầu Cryer quá dày để khít giữa chóp chân răng và xương ổ răng.

Nạy thẳng cũng có thể truyền một lực quay lên răng, giống như lực truyền bởi nạy Cryer, di chuyển răng dọc theo một đường quay có lực cản nhỏ nhất. Ở đây, nha sĩ đặt nạy thẳng vào mặt bên của răng để làm lung lay răng, hướng lực nạy được đặt gần vuông góc với trục dài của răng, với mặt bụng của đầu làm việc của nạy tiếp xúc với mặt gần của răng được làm lung lay, và quay nạy. (Hình 4) Nạy thẳng tiếp xúc với nhiều điểm tiếp xúc hơn so với nạy Cryer. Tùy thuộc vào hướng quay, cạnh dài phía dưới đầu làm việc hoặc cạnh dài phía trên sẽ tiếp xúc với răng. Nếu cạnh phía chóp tác dụng lực lên răng được nhổ, thì mặt lưng có thể truyền một vectơ lực hướng về phía chóp đến răng lân cận. Nếu cạnh phía mặt nhai tác dụng lực lên răng được nhổ, thì mặt lưng của nạy có thể truyền một vectơ lực hướng lên tới răng lân cận. Góc của nạy có thể được thay đổi để truyền thành phần vecto lực ra phía ngoài, có khả năng làm quay răng ra phía ngoài với lực cản nhỏ nhất. Nha sĩ có thể bổ sung chuyển động quay này bằng chuyển động mũi nạy hướng về phía chóp, dao động chóp nạy.

Một chuyển động lung lay răng cơ bản khác là đưa đầu nạy vào ổ răng, quay tay cầm nạy theo chuyển động dao động theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ và sử dụng cạnh dọc của đầu làm việc của nạy để tác động lực quay lên phần răng để xoay răng trên trục dài và đẩy phần răng ra khỏi thành ổ răng. (Hình 5) Kính hiển vi và hệ thống chiếu sáng đồng trục tạo điều kiện quan sát bên trong ổ răng để xác định xem độ lung lay răng có tiến triển hay không.

Một chuyển động nạy cơ bản khác diễn ra khi không xác định được điểm tiếp xúc mặt lưng của đầu nạy do khó tiếp cận răng. Trong trường hợp này, lực bằng tay không đòn bẩy được sử dụng để đẩy mặt bụng của đầu nạy vào một phần răng để truyền một vectơ lực vuông góc với trục dài của phần răng. Chuyển động này có thể không cung cấp nhiều lực bằng lực bẩy, nhưng có thể có hiệu quả nếu cần lực tối thiểu để loại bỏ răng hoặc nếu chuyển động tịnh tiến làm tách phần răng cần nhổ ra khỏi xương ổ răng để có thể sử dụng một nạy khác hiệu quả hơn đặt giữa răng và xương ổ. Đôi khi, phần răng có thể được khoan bằng một mũi khoan phẫu thuật để dịch chuyển phần răng đó, và sau đó mũi khoan được sử dụng để tác dụng một lực vuông góc với trục dài của răng.
2.3. Đầu làm việc của nạy
Các hình dạng, chiều rộng và độ cong khác nhau của các đầu làm việc của nạy ảnh hưởng đến điểm tiếp xúc ảnh hưởng đến chức năng của nạy. (Hình 6) Nếu tâm của đỉnh nạy quá nhô, khi đầu nạy được đặt giữa răng và xương ổ răng, các điểm kế bên tâm nạy có thể bị đặt ở cao hơn và không tiếp xúc với chu vi của răng. Ngoài ra, một đầu nạy nhỏ có thể có đường kính nhỏ đến mức ít điểm của nạy có thể tiếp xúc với răng. Do đó, các chuyển động dao động theo chiều kim đồng hồ-ngược chiều kim đồng hồ của đầu nạy sẽ có hiệu quả tối thiểu, vì điểm trung tâm của đầu nạy truyền các vectơ lực quay tối thiểu cho răng.
Độ cong của đầu nạy xác định xem nó giống với độ cong của răng như hế nào và ảnh hưởng đến số lượng điểm tiếp xúc giữa mặt bụng của đầu nạy và chu vi bề mặt răng. Sự tương hợp của độ cong đầu nạy với độ cong của chu vi răng đảm bảo rằng các điểm bên của đầu nạy truyền lực xoắn tới răng trong quá trình dao động. Nếu đầu nạy quá cong, nó sẽ nhỏ hơn độ cong của chu vi răng, dẫn đến bề mặt trên của răng chặn không cho đầu nạy khít giữa xương ổ răng và chu vi răng. Nếu không có độ cong ở đầu nạy, có thể chỉ tâm của đầu nạy mặt lưng tiếp xúc với răng, dẫn đến dao động hữu ích tối thiểu. (Hình 6)

Đường cong phía sau của toàn bộ đầu làm việc của nạy có thể cải thiện khả năng tiếp cận tới các phần răng nằm trên thành ổ hoặc đến mặt gần của chân RCL hàm dưới. Đầu nạy mỏng hơn, sắc hơn sẽ tạo điều kiện thâm nhập về phía chóp vào dây chằng nha chu xung quanh răng, mặc dù nếu đầu quá mỏng, chúng có thể bị bể. Nếu đầu quá dày, nó có thể không xuyên qua không gian mỏng giữa răng và xương ổ răng, hoặc không thể xuyên qua các khoảng quanh răng. Độ cong của đầu nạy có thể kéo dài từ 5 đến 10 mm theo chiều dọc của đầu làm việc của nạy, cho phép các mặt cong ở 2 bên của đầu làm việc tiếp xúc với một phần răng để tạo ra sự lung lay răng. (Hình 6)
2.4. Nạy thẳng nhỏ và nạy thẳng lớn
Cạnh nạy có thể chỉ có thể xuyên qua một vài milimét giữa xương ổ răng chắc khỏe và phần răng. Do đó, mỗi điểm tiếp xúc của nạy cung cấp đòn bẩy tối thiểu do khoảng cách đến chóp răng dài hơn, dẫn đến cánh tay đòn dài hơn, kém hiệu quả hơn. Do đó, cần có một số lượng lớn các điểm tiếp xúc để cung cấp đủ lực và đòn bẩy để làm lung lay răng răng. Ở đây, nạy thẳng lớn với nhiều điểm tiếp xúc dọc theo chu vi răng có thể hiệu quả hơn trong việc làm lung lay phần răng so với nạy thẳng nhỏ. Tuy nhiên, bất kỳ kích thước đầu nạy thẳng nào cũng có thể làm phần răng lung lay dần nếu đầu nạy tiếp xúc với nhiều điểm trên một phần đáng kể của răng.
So với nạy nhỏ, nạy lớn có thể cho một số lượng điểm tiếp xúc lớn. Do đó, tổng lực mà nha sĩ đặt lên nạy được chia cho nhiều điểm tiếp xúc, dẫn đến lực trên mỗi điểm tiếp xúc sẽ ít hơn. Lực trên mỗi điểm tiếp xúc ít hơn làm giảm nguy cơ lực sẽ đủ lớn để làm hỏng điểm tiếp xúc với mặt lưng của nạy hoặc bề mặt răng tiếp xúc với bề mặt bụng của nạy, dẫn đến mất lực đòn bẩy của nạy. Nếu cùng một lực tác dụng lên một nạy nhỏ có ít điểm tiếp xúc đầu hơn, thì lực trên mỗi điểm tiếp xúc cao hơn, có thể dẫn đến việc đầu nạy nhỏ làm gãy phần răng, nén hoặc làm hỏng điểm tiếp xúc mặt lưng hoặc làm tăng khoảng cách giữa các xương ổ và răng, dẫn đến mất tác dụng của lực đòn bẩy. Đặt một lực nhỏ hơn vào nạy nhỏ làm giảm lực trên mỗi điểm tiếp xúc, nhưng tổng lực tác dụng lên nạy nhỏ có thể không đủ để làm lung lay phần răng dần dần.
Một nạy thẳng nhỏ có thể được đặt vào không gian ôm sát giữa các răng để làm lung lay răng trong khi tác dụng lực tối thiểu lên răng lân cận. Sau khi nạy nhỏ đã làm lung lay phần răng và mở rộng không gian giữa răng và xương ổ răng, nạy lớn có thể được sử dụng để làm lung lay răng hơn nữa. Nếu chân răng liên kết chặt chẽ với xương ổ răng, nha sĩ đôi khi có thể sử dụng đầu thăm dò để tạo sự xâm nhập về phía chóp ban đầu giữa răng và xương ổ răng, sử dụng một nạy nhỏ để mở rộng đường tiếp cận ban đầu này, sau đó sử dụng dụng cụ lớn để lung lay răng.
2.5. Chia chân và loại bỏ xương ổ
Sự lung lay răng có thể yêu cầu tạo ra các khe giữa các chân răng hoặc trong một chân răng để cung cấp các điểm chèn đầu nạy và cho phép sự kết hợp của các điểm tiếp xúc giữa bụng và lưng của đầu nạy. Việc tạo ra một khe cho phép sự thâm nhập của dụng cụ vào ổ răng nhiều hơn, sao cho nạy tiếp xúc với răng gần với chóp chân răng hơn, điều này làm tăng lực đòn bẩy lên chân răng so với một điểm tiếp xúc với nạy mà ở cao hơn. Một mũi khoan phẫu thuật phải mỏng theo tiết diện để tạo điều kiện tạo ra một khe mỏng vừa khít với đầu nạy và có nhiều điểm tiếp xúc với bụng và lưng nạy để tạo đòn bẩy. Răng nằm sâu trong xương ổ răng chắc chắn, nơi đầu nạy không thể xuyên qua giữa răng và xương ổ răng, có thể cần phải cắt từ giai đoạn sớm nhất của quy trình nhổ răng do thiếu điểm cắm đầu nạy. Đôi khi có thể bắt đầu phân cắt bằng cách cắt bỏ thân răng ở nướu, nếu thân răng che khuất tầm nhìn và khả năng tiếp cận. Lý tưởng nhất là cấu trúc răng trên nướu sẽ được giữ lại để bắt kềm (nếu cần) để hoàn tất việc nhổ răng.
Với kinh nghiệm lâm sàng, nha sĩ có thể phát triển trực giác để xác định răng nào nên được cắt trong vòng vài phút sau khi bắt đầu nhổ răng. Nỗ lực nhổ một răng chưa được nong đôi khi có thể kém hiệu quả và tốn thời gian hơn, đồng thời gây khó chịu cho bệnh nhân so với nhổ cùng một răng đã cắt. Một răng có thể cần phải cắt hoặc loại bỏ xương nếu kềm hoặc lực đẩy không thể gây ra sự di chuyển răng tăng dần; nếu không thể sử dụng nạy mà không tác động lực quá mức lên răng bên cạnh; nếu chân răng bị dính khớp, đặc biệt là với các chân răng được điều trị nội nha và cần cắt trong chân răng để tạo khe đặt nạy; nếu chân răng bị xô lệch, thường xảy ra với răng khôn hàm dưới bị kẹt; hoặc nếu phần răng gần với dây thần kinh chính và nên được cắt ra để giảm thiểu ứng suất lên xương xung quanh dây thần kinh. Nếu chân yếu hoặc mỏng, việc cắt bỏ phần xương vách ngăn xung quanh chân và cắt chân qua vùng chẽ sẽ làm giảm nguy cơ gãy trong quá trình lung lay. Đôi khi cần phải loại bỏ xương theo chu vi xung quanh răng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của răng khi đáp ứng với các lực lung lay răng.
Lung lay các răng nhiều chân có thể cần lực lớn, từ đó tạo ra các mặt phẳng ứng suất trong xương ổ răng dẫn đến gãy xương hoặc dẫn đến hoại tử do chèn ép của các nguyên bào xương trong ổ răng. Về mặt lý thuyết, những mặt phẳng ứng suất này có thể vượt ra ngoài thể tích xương ổ răng mà nha sĩ đã gây tê, dẫn đến đau do kích thích dây thần kinh bên trong thể tích xương chưa được gây tê. Việc chia chân vùng chẽ, sao cho mỗi chân di chuyển độc lập với các chân khác để đáp ứng lại các lực lung lay răng, dẫn đến lực đẩy chân răng cần ít hơn và các mặt phẳng ứng suất nhỏ hơn được truyền đến xương ổ răng xung quanh.
Cần hạn chế việc loại bỏ xương để giảm sự mất thể tích của ổ răng và cần bơm rửa để ngăn ngừa hoại tử do nhiệt của xương. Loại bỏ phần cổ của xương vách làm tăng lực đòn bẩy, vì phần răng sau đó có thể được đẩy sang không gian đã từng bị xương vách ngăn chiếm giữ, với mức độ tự do chuyển động quay tăng lên. Xương vách ngăn bên trong ổ có thể cuộn quanh chân răng, có thể cản trở sự di chuyển của các phần răng trừ khi được loại bỏ.
2.6. Lung lay răng có mặt cắt hình elip
Việc cắt chân răng có tiết diện ellipsoid dẫn đến các phần răng còn lại có nhiều mặt cắt tròn hơn, tạo điều kiện cho sự quay trong ổ răng trên trục dài của chân răng để đáp ứng với lực lung lay răng. Răng cối nhỏ thường có mặt cắt ngang hình elip, và dễ lấy ra hơn nếu được cắt ra tại vùng chẽ và nếu nha sĩ loại bỏ xương ổ răng trong các hốc chân răng ở gần hoặc ở xa.
Chân trong của răng cối lớn hàm trên có tiết diện hình elip có thể bị cản trở do xương ổ răng uốn quanh các mặt bên của chân răng. Trong những trường hợp này, xương cong phía bên có thể được loại bỏ và có thể cắt chân trong theo hướng từ mặt nhai xuống chóp để tạo khe dọc. Một nạy thẳng được đặt trong khe lung lay 1 phần chân trong, các mảnh răng này cung cấp cả điểm tiếp xúc của đầu nạy ở lưng và bụng. Sự lung lay răng có thể làm cho một phần của chân bị nứt ra, tạo ra một khoảng trống giúp tăng sự tự do di chuyển cho các phần chân còn lại.
Một răng nanh có thể có một chân dài, có tiết diện hình elip và được bao bọc bởi lớp xương mỏng có thể bị gãy trong quá trình lung lay răng, do đó có thể cần phải dùng lực lớn để làm cho một răng nanh lung lay. Nha sĩ có thể cắt răng nanh bằng cách khoan một rãnh từ gần đến xa ở giữa răng, lý tưởng nhất là đến độ sâu của chóp răng nanh. Sau đó nha sĩ đặt nạy vào khe và dao động nạy theo chiều kim đồng hồ đến ngược chiều kim đồng hồ, có thể làm gãy chân răng thành một mảnh gãy rời với chóp răng nanh và một mảnh khác nối với chóp. Hy vọng rằng sự lung lay răng này sẽ không làm gãy xương hoặc chèn ép quá mức vào xương mặt ngoài. Có thể lấy mảnh không nối với chóp và mảnh còn lại sẽ có tiết diện tròn hơn và tăng độ tự do chuyển động bên trong ổ răng.
Tuy nhiên, một rãnh duy nhất từ giữa đến xa có thể không đủ để giúp nạy làm tách chân răng nếu các thành ổ răng chặn các mặt ngoài và mặt trong của răng nanh không cho dịch chuyển để tạo ra đoạn tách. Ở đây, có thể cần một lực lớn để làm gãy các mảnh răng nanh, có thể dẫn đến gãy tấm xương mặt ngoài. Để ngăn chặn điều này, một khe thứ hai có thể được khoan vào răng nanh theo hướng ngoài trong. Thao tác này cắt theo chiều dọc của chân răng nanh thành bốn mảnh riêng biệt, mỗi mảnh có mặt cắt ngang tương đối tròn, có thể tách hoặc lung lay trong khi tác dụng lực tối thiểu lên xương ổ răng và các thành ổ sẽ cản trở tối thiểu sự chuyển động của các mảnh trong ổ. (Hình 7)

Phần dính với chóp răng nanh hy vọng sẽ không bị gãy trong quá trình lung lay. Nếu xảy ra gãy, có thể dùng nạy chóp hoặc một nạy thẳng nhỏ, lý tưởng là có đường cong ra sau của đầu làm việc, để lung lay chóp răng nanh. Có thể cần phải cắt một số đoạn bằng mũi khoan phẫu thuật để loại bỏ xương xung quanh chóp chân răng và tạo một khe ở cổ của chóp chân răng để cho phép nạy thẳng hoặc nạy chóp tiếp cận được mảnh gãy. Đôi khi, có thể cần phải khoan để tiếp cận chóp chân răng qua một lỗ trong xương mặt ngoài, nằm gần ngang với chóp chân răng.
2.7. Lung lay chân răng sâu
Khi nhổ một chân răng bị sâu, phần thân răng có thể bị vỡ vụn dưới lực của nạy thẳng, dẫn đến mất các điểm tiếp xúc của đỉnh nạy. (Hình 1) Nếu sâu được loại bỏ cho đến khi chỉ còn lại cấu trúc răng cứng , cấu trúc này có thể nằm dưới nướu, có thể có bề mặt khớp cắn lõm xuống, do đó khó có thể đặt đầu nạy thẳng giữa chân răng và xương ổ răng. Tại đây, chân răng có thể được cắt theo chiều dọc để tạo ra một (hoặc hai) khe cho phép đưa nạy vào. (Hình 7) Phần xương ổ răng phía gần và / hoặc phần xa của chân răng có thể cần được loại bỏ để tăng mức độ của tự do di chuyển của chân khi phản ứng với lực lung lay răng. Nếu hai chóp chân răng sâu gần nhau cần phải nhổ, thì việc loại bỏ xương ổ răng giữa chúng sẽ cho phép đưa một nạy thẳng đến độ sâu mà cả mặt lưng và bụng nạy tiếp xúc với cấu trúc răng cứng để tạo đòn bẩy.
2.8. Ưu điểm của kính hiển vi
Độ phóng đại kính hiển vi từ 6 × đến 8 × hoặc lớn hơn, kết hợp với hệ thống chiếu sáng gắn trên đầu, đồng trục với trục thị giác của nha sĩ rất hữu ích cho việc làm lung lay răng răng. So với chiếu sáng trên cao, chiếu sáng đồng trục không có bóng, xuyên sâu vào các ổ răng hẹp, đảm bảo chiếu sáng các điểm chu vi răng và các chóp chân răng nằm bên trong ổ, đồng thời cho phép xác minh rằng chân răng được tách ra sau khi cắt. Kính hiển vi tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát xem việc định vị và đặt góc của nạy có dẫn đến những gia tăng về vi mô đối với độ lung lay của răng hay không; nếu không, điều này cho thấy cần phải có một nạy khác hoặc cắt thêm một phần răng hoặc loại bỏ xương cho đến khi độ lung lay răng tiến triển. Kính hiển vi tạo điều kiện thuận lợi cho việc định vị đầu nạy chính xác trong các tình huống mà đầu nạy chỉ có thể gây ra sự lung lay răng của răng nếu đầu này có thể được định vị chính xác để tiếp xúc với sự kết hợp cụ thể của các điểm tiếp xúc đầu nạy ở mặt lưng và bụng cực nhỏ. Kính hiển vi và hệ thống chiếu sáng đồng trục tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát để xác định xem một lượng nhỏ xương bên trong ổ răng dường như đang chặn một phần răng di chuyển theo một hướng cụ thể và sau đó quan sát xem việc loại bỏ xương này có dẫn đến cải thiện vi thể về độ lung lay của phần răng hay không.
3. Thảo luận
Hiệu quả của lung lay răng bị ảnh hưởng bởi hình dạng và kích thước đầu nạy, cường độ và vectơ lực tác dụng lên phần răng bởi đầu nạy, và sự phân cắt và loại bỏ xương trong vùng làm việc.
Nguồn: Mamoun, J. (2017). Use of elevator instruments when luxating and extracting teeth in dentistry: Clinical techniques. Journal of the Korean Association of Oral and Maxillofacial Surgeons, 43(3), 204. https://doi.org/10.5125/jkaoms.2017.43.3.204
Gặp lỗi trong việc tải hình ảnh minh họa bài viết
Bạn vào đây để xem lại bài nhé: https://tuhocrhm.wordpress.com/2022/01/31/su-dung-nay-nho-rang-nhu-nao-cho-dung/
Bài này mình viết trên web cũ nên khi qua địa chỉ mới nó bị lỗi dữ liệu ^^