Đây là 1 quyển sách đem lại nhiều ý tưởng mới mẻ và thuyết phục, giúp mình có động lực để ngồi thiền hơn, và mình cũng đã phải đọc lại lần 2 để đúc kết lại những ý tưởng chính của quyển sách.
Tác giả của quyển sách không phải là 1 thiền sư Phật giáo mà là 1 nhà báo với mối quan tâm về triết học, tâm lý học. Vậy nên quyển sách này không có quá nhiều định nghĩa, từ ngữ học thuật hay mang tính Phật học, chỉ đơn giản là ông chuyển thể những ngôn ngữ nhà Phật thành thứ mà ai cũng có thể đọc, có thể hiểu. Quyển sách có hơi dài, nhưng tóm gọn lại mình thấy nó hay ở 2 điểm.
Điểm thứ nhất, tác giả đã ứng dụng “thuyết tiến hóa” vào cách mà tâm trí chúng ta vận hành. Mọi suy nghĩ, cách hành xử, cảm xúc của chúng ta – đa số là hướng về chính bản thân (coi mình là cái rốn vũ trụ) – đều là do sự tiến hóa, chọn lọc tự nhiên. Chọn lọc tự nhiên chỉ có 1 nhiệm vụ – duy trì gene cho thế hệ sau, cho nên những hành vi, cảm xúc giúp chúng ta tồn tại sẽ được duy trì. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ mới, nơi mà sự giao tiếp trở nên bùng nổ, cách thức sinh sống của con người cũng khác thì “chọn lọc tự nhiên” đó đã đưa đến những bất lợi cho tâm sinh lý chúng ta.
Điểm thứ hai, tác giả đã đưa giả thuyết về “tâm trí module” trong tâm lý học vào quyển sách. Mô hình này nói rằng: khi tâm trí nghỉ ngơi, không “hoạt động” thì sẽ có 1 chế độ mặc định được bật lên. Chế độ đó sẽ ưu tiên những suy nghĩ nào chiếm vị trí quan trọng trong thời điểm hiện tại (ví dụ như kỳ thi, tình yêu, chuyện công sở,…) để đưa lên tầng ý thức – làm cho chúng ta suy nghĩ về điều đó. Thực sự, chúng ta có kiểm soát đc gì mình suy nghĩ không? Câu trả lời đáng buồn là không. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, suy nghĩ tự nó nảy sinh (ngoài tầng ý thức), chúng ta chỉ ý thức được khi chúng đã xuất hiện rồi. Chính vì thế các suy nghĩ “có vẻ như” tự dưng xuất hiện trong đầu chúng ta. Tâm trí module cũng nói rằng, chọn lọc tự nhiên thiết kế để các suy nghĩ gắn liền với cảm xúc (để phản ứng trước các tình huống nguy hiểm chẳng hạn), cho nên cảm xúc chính là chìa khóa để suy nghĩ “xuất hiện”. Kiểm soát được cảm xúc là kiếm soát được các ý niệm nổi lên!
Quyển sách đề cao các triết lý của Đạo Phật khi đã nhìn thấu được các quy luật này, và đưa ra giải pháp rất triệt để là “thiền”. Các luận cứ chứng minh cho “thiền” hiệu quả như nào thì đa phần vẫn chỉ là cảm nhận của tác giả và phỏng vấn các thiền sư lâu năm nên tính thuyết phục có thể chưa cao lắm. Nhưng việc giải thích của tác giả khi đạt được trạng thái “giác ngộ” – tức là làm cho các suy nghĩ không còn gắn bó với các cảm xúc nữa là 1 điểm mình thấy rất hay và dễ hiểu (chứ không còn mông lung như trước giờ hay nghe nữa).
Tóm lại, quyển sách đưa đến cho mình một góc nhìn rất khoa học về Phật giáo, làm mình có niềm tin hơn vào những lợi ích mà “thiền” mang lại. Đồng thời cũng giúp mình hình dung được là “thiền” sẽ đưa mình đến sự tĩnh tại bằng cách nào. Tuy nhiên đây không phải là 1 quyển sách dễ đọc (1 phần mình nghĩ các thuật ngữ chồng chéo khiến dịch giả khó dịch uyển chuyển được), hơi lan man và trùng lặp ở 1 số chương. Bạn nào thích tìm hiểu khoa học về Phật giáo và Thiền thì có thể tìm đọc ^^ mình đánh giá 8.5/10.