Phục hình nâng đỡ trên implant trong trường hợp tiêu xương hàm (do thay đổi sau nhổ răng) là một thách thức lớn đối với các bác sĩ răng hàm mặt. Lựa chọn vị trí lấy xương thích hợp, kinh nghiệm phẫu thuật và quan trọng nhất là phân tích vị trí nhận đã khiến việc ra quyết định trở nên phức tạp. Mục tiêu điều trị xương bị teo là đạt được hình dạng và kích thước giải phẫu bình thường để đặt implant. Teo xương biểu hiện từ một khiếm khuyết nhỏ, cục bộ đến một vùng mất răng rộng với sự mất xương theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung vào tăng thể tích theo chiều ngang trước khi phục hình. Xương khối tự thân đã được đề xuất là tiêu chuẩn vàng để tăng thể tích xương do nó có các tế bào tạo xương, protein hình thái và cấu trúc xương cơ học tự nhiên. Những tiến bộ gần đây trong kiến thức về sinh lý xương đã dẫn đến sự ra đời của các kỹ thuật tái tạo có kết quả tương đương với ghép xương tự thân. Tái tạo xương có hướng dẫn (GBR) với sự trợ giúp của nhiều chất thay thế xương, màng và các phân tử kích tạo xương giúp tăng thể tích các gờ xương ổ bị teo bằng các kỹ thuật bảo tồn hơn.
Các phương pháp thay thế, chẳng hạn như dời vị trí giải phẫu (tăng thể tích xoang và chuyển dây thần kinh sang bên), cấy implant gò má ở hàm trên và implant dưới màng xương in ba chiều, có thể bỏ qua ghép xương tự thân để phục hồi chức năng cho bệnh nhân mất răng. Mặt khác, sự kết hợp của các kỹ thuật tái tạo với các vị trí cho tại chỗ làm giảm bớt việc sử dụng các vị trí cho ngoài miệng đối với những khiếm khuyết lớn và giảm tỷ lệ nhập viện cũng như chi phí. Việc sử dụng kỹ thuật thích hợp để lấy xương từ các vị trí cho trong miệng và chuẩn bị thích hợp ở dạng xương vỏ hoặc dạng bột, có thể giúp tăng chiều rộng/chiều cao 4–6 mm. Teo rộng hoặc lớn vẫn cần một lượng xương lớn hơn và nên được lấy từ các vị trí cho ngoài miệng.
Mặc dù ghép xương khối tự thân không có mạch máu cho thấy khả năng tồn tại thấp hơn, có sự tiêu xương muộn, nhưng việc bổ sung các kỹ thuật tái tạo sẽ làm tăng kết quả sau khi đặt implant. Xương chậu trước và sau, hộp sọ và xương gờ xương là những vị trí cho ngoài miệng phổ biến được sử dụng để tăng thể tích xương dạng khối (block bone augmentation – BBA). Theo truyền thống, xương khối tự thân được cố định trên vị trí nhận ở dạng xương nằm bên trên, được gọi là ghép xương onlay (OBG). Với sự ra đời của GBR, tấm xương vỏ tự thân có thể được đặt trên vị trí nhận, được gọi là cọc lều xương vỏ tự thân (cortical autogenous tenting – CAT), để tăng chiều rộng hoặc chiều cao với khoảng trống lành thương được bảo vệ. Các khái niệm kỹ thuật mô xương như RhBMP-2, kết tập tiểu cầu, tế bào gốc trung mô và bio-printed scaffolds có thể thay đổi tương lai của BBA để trở nên bảo tồn hơn và tiết kiệm chi phí hơn cho bệnh nhân.
1. Đánh giá vùng nhận xương
Loại khiếm khuyết ở vị trí nhận có thể ảnh hưởng đến kết quả của tái tạo, có thể được xác định bởi vị trí, hình thái và kích thước của khiếm khuyết. Phần trước, sau của hàm trên và hàm dưới thể hiện chất lượng xương không giống nhau. Việc phân loại này dựa trên vị trí của các khiếm khuyết xương (phía trước, phía sau và sự kết hợp của cả hai vị trí) và kích thước của chúng (nhỏ, trung bình và lớn). Sự phân loại này được gọi ngắn gọn là hệ thống LMS: Vị trí, Hình thái và Kích thước của khiếm khuyết (Location, Morphology, Size). Tính chất xương vỏ và xương xốp của xương và sự khác biệt về chất lượng xương có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn vị trí cho. Xương nhận và cho từ cùng một chỗ sẽ tốt hơn trong quá trình ghép và rút ngắn thời gian phẫu thuật. Vị trí so với các cấu trúc giải phẫu quan trọng như dây thần kinh xương ổ răng dưới và xoang hàm phải được xem xét trong kế hoạch điều trị.
Các khiếm khuyết xương ổ răng cũng có thể được phân loại là các khiếm khuyết quanh implant, các ổ nhổ răng, các khiếm khuyết về hạ xoang hàm, và teo xương theo chiều dọc và ngang. Rõ ràng là các chiến lược tái tạo sẽ khác nhau do các đặc điểm giải phẫu và sinh học của các khiếm khuyết. Số lượng thành xương càng ít thì càng khó duy trì không gian để tái tạo xương. Diện tích bề mặt của vị trí nhận, nơi tiếp xúc với mảnh ghép xương là một yếu tố quan trọng trong giai đoạn tái tạo mạch máu, nó có thể giúp đơn giản hóa quá trình tăng sinh và biệt hóa của các tế bào tạo xương. Trong quá trình ghép xương trong xoang, bảo tồn ổ răng, nẻ xương và các khiếm khuyết hở cửa sổ, việc sửa chữa có thể được thực hiện thành công chỉ với vật liệu thay thế xương nhờ vào vùng nhận có nhiều thành. Các khiếm khuyết chiều ngang và dọc có hình thái phức tạp cần sử dụng các kỹ thuật phức tạp để thành công, chủ yếu là bằng xương tự thân.
Trong các khiếm khuyết theo chiều ngang, chiều rộng xương sẵn có có thể cung cấp không gian thuận lợi cho việc tăng thể tích gờ xương và GBR. Tăng thể tích các khiếm khuyết lớn hơn thì khó khăn hơn và chúng thường được tái tạo bằng các khối xương lấy ngoài miệng. Tuy nhiên, các vị trí cho trong miệng và các kỹ thuật tái tạo mới, sử dụng đồng thời các khối xương và chất thay thế xương, đã làm giảm nhu cầu về xương tự thân lấy từ các nguồn bên ngoài.
Tái tạo các khiếm khuyết xương ổ răng ở phía trước hàm dưới cũng giống như ở phía trước hàm trên, ngoại trừ sự hiện diện của mô nha chu mỏng và nẻ xương, khiến phẫu thuật nhạy cảm hơn ở vùng này. Ghép xương tự thân có thể thu được ở ba dạng: xương vỏ, xương xốp và xương vỏ – xốp. Ghép xương vỏ có thể chịu lực sớm, nhưng cần thêm thời gian để tái thông mạch máu.
Các vị trí phổ biến của ghép xương vỏ là hộp sọ, mào xương chậu, xương gờ xương, vùng cằm hàm dưới và mặt bên cành lên XHD. Ghép xương tự thân dạng xương xốp có thể làm tăng đáng kể sự hình thành xương mới, nhưng nhược điểm của nó là không có khả năng ổn định cơ học và tiêu nhiều hơn so với ghép vỏ xương. Các vị trí ghép xương xốp phổ biến là mào xương chậu trước và sau.
Ghép xương vỏ – xốp, thu được từ gờ xương, mào xương chậu và xương chậu, không chỉ mang lại sự ổn định cơ học mà còn tăng quá trình tạo xương. Tuy nhiên, quá trình tạo xương của chúng thấp hơn so với ghép xương xốp do có lớp xương vỏ.
2. Các kỹ thuật ghép xương khối tự thân
2.1. Ghép onlay (Onlay bone grafting – OBG)
Tái tạo ba chiều của các gờ xương bị teo có thể đạt được bằng cách ghép xương khối tự thân được lấy từ các vị trí cho ở ngoài hoặc trong miệng. OBG tuân theo các quy tắc sinh học giống như các kỹ thuật tái tạo khác. Một hình ảnh mô phỏng của OBG để tăng thể tích theo chiều ngang của một gờ xương bị teo được mô tả trong Hình 12.1. Độ ổn định ban đầu của mảnh ghép trên vị trí nhận là điều cần thiết và có thể đạt được bằng cách chèn mini vít hoặc thậm chí implant. Trong thời gian lành thương, khối xương ghép được thay thế nhẹ bằng xương mới hình thành. Quá trình này phụ thuộc vào quá trình tái thông mạch máu từ nơi nhận. Do đó, người ta cho rằng vị trí nhận nên được đục lỗ để cải thiện sự hình thành mạch và chuẩn bị các tế bào tạo xương. Tỷ lệ nhiễm bệnh tại nơi cho là nhược điểm chính của OBG tự thân. Nhược điểm lớn khác của OBG là sự hạn chế của xương khối tự thân. OBG là một thủ thuật nhạy cảm với kỹ thuật do thời gian điều trị dài, nguy cơ thất bại ghép và các biến chứng tại vị trí cho. Việc đặt implant đồng thời có thể được xem xét để rút ngắn thời gian điều trị, mặc dù các biến chứng ghép xương, bao gồm lộ mảnh ghép, nhiễm trùng và thất bại mảnh ghép, có thể dẫn đến thất bại implant. Tỷ lệ tồn tại của implant được cắm vào xương khối tự thân là 73,8–100% và 72,8–100%, và trong xương khối đồng loại là 95,3–100% và 93,7–100%.

2.2. GBR và ghép xương khối onlay
Bao phủ OBG bằng màng có thể làm giảm sự tiêu sau phẫu thuật. Các màng được sử dụng trong GBR phải có một số tính chất nhất định, bao gồm khả năng tương thích sinh học, ngăn chặn sự xâm nhập của tế bào, tính toàn vẹn với mô chủ, thao tác lâm sàng đơn giản và khả năng duy trì không gian.
Các khối xương có thể duy trì không gian thích hợp dưới màng, vì vậy có thể ngăn chặn sự sụp đổ của màng. Tuy nhiên, việc sử dụng các màng tiêu phổ biến hơn so với các màng không tiêu do các biến chứng mô mềm của chúng. Một điểm quan trọng cần lưu ý trong kỹ thuật GBR là tính ổn định của màng: tính ổn định của màng càng kém thì sự hình thành xương mới càng ít. Ngoài ra, việc màng tiếp xúc với khoang miệng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành xương mới. Trên thực tế, các màng tiêu kết hợp với các khối xương vỏ có thể hoạt động như một màng titan để bảo tồn không gian giúp ít lộ mô mềm hơn.
Khi sử dụng đồng thời OBG và GBR, các vật liệu thay thế xương sẽ lấp đầy khoảng trống giữa khối onlay và vị trí nhận, và cuối cùng được bao phủ bởi một màng. Trên thực tế, sự tiêu xương của khối onlay được bù đắp bằng vật liệu thay thế xương. Ở hàm trên phía trước, sử dụng khối khoáng xương bò kết hợp với xương hạt tự thân cho thấy mức tăng chiều ngang tối ưu khoảng 8,73 ± 0,82, với tỷ lệ tiêu là 7,03%, sau 6 tháng sau phẫu thuật. Việc cố định các khối xương được lấy từ vùng cằm hoặc vùng sau hàm, bao phủ trên các hạt xương dị loại và có màng collagen cho thấy sự tiêu nhỏ 0,36 mm trong thời gian lành thương 5,8 tháng. Barone và Covani đã lấy khối xương từ xương chậu và hạt xương dị loại để bổ sung theo chiều dọc hoặc chiều ngang cho các gờ xương hàm trên bị teo. Họ đã chứng minh rằng sự mất xương viền trung bình xung quanh implant nha khoa được đặt 4-5 tháng sau khi ghép xương là 0,05 mm ở cả các khiếm khuyết phía trước và phía sau (nhỏ hơn 5 mm). Boronat và cộng sự báo cáo rằng sự mất xương viền trung bình là khoảng 0,64 mm một năm sau khi chịu tải implant chỉ ở những khiếm khuyết ngang bằng cách sử dụng xương tự thân với nguồn trong miệng. Một biến chứng đáng chú ý được báo cáo trong kỹ thuật này là lỗ dò xuyên qua các khối xương bò không tích hợp ở mặt ngoài, sáu năm sau khi chịu tải trên implant .
2.3. Ghép cọc lều xương khối tự thân
Một xương khối tự thân mỏng từ các nguồn trong miệng được đặt trên vị trí nhận có thể hoạt động như một chất thay thế cho màng, nhằm tạo ra một không gian bảo vệ cho các hạt xương. Kỹ thuật này cũng được gọi là cọc lều xương vỏ tự thân (cortical autogenous tenting). Một mô phỏng CAT để tăng thể tích gờ xương theo chiều ngang được cung cấp trong Hình 12.2. Trong kỹ thuật này, vỏ xương hoạt động như một màng tạo xương, cung cấp một mái nhà bảo vệ cho không gian lành thương. Hơn nữa, áp lực của mô mềm được loại bỏ ra khỏi các hạt xương bên dưới bởi khối xương. Ghép xương cành lên và xương vỏ vùng cằm có thể được sử dụng cho kỹ thuật CAT với kết quả mong muốn.

Đối với quy trình này, nhiều lỗ thủng xương được tạo ra trên bề mặt vị trí nhận để cải thiện quá trình tái thông mạch máu và tạo ra hiện tượng tăng tốc quá trình lành thương. Trong tăng thể tích theo chiều ngang, mảnh ghép xương vỏ được cố định trên bề mặt vị trí nhận với khoảng cách 3–4 mm. Xương vỏ có thể được chia bằng cưa thành hai đoạn mỏng hơn và mỗi đoạn có thể được cố định ở mặt ngoài hoặc mặt trong. Không gian bảo vệ được tạo ra giữa vỏ xương và bề mặt của vị trí nhận được lấp đầy bằng các vật liệu thay thế xương như xương đồng loại, xương dị loại hoặc vật liệu xương tổng hợp, riêng lẻ hoặc kết hợp với các hạt xương tự thân theo tỷ lệ 1:1. Khi xương vỏ có độ dày hơn 2 mm, nó có thể được làm mỏng hơn bằng dụng cụ nạo xương, từ đó thu được các hạt tự thân. Các tế bào tạo xương trong vùng được lấy từ tế bào gốc trên bề mặt vị trí nhận, nguyên bào xương và tế bào xương trong mảnh ghép xương, và tế bào gốc trung mô ở lớp trong của màng xương dưới nướu.
Kỹ thuật CAT đa vùng hoặc CAT hai bên đã được giới thiệu để tái tạo các khiếm khuyết xương lớn hơn như khiếm khuyết loại B và C trong phân loại ABC. Một xương vỏ lớn được lấy từ cành lên XHD và chia thành hai hoặc ba phần, sau đó cố định ở mỗi bên của xương ổ bị teo. Khojasteh và cộng sự đã chứng minh rằng sự gia tăng gờ xương theo chiều dọc và ngang bằng kỹ thuật CAT đã được báo cáo lần lượt là khoảng 3,6 mm và 3,85 mm, điều này cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào đối với kết quả của kỹ thuật OBG được báo cáo bởi các nghiên cứu khác. Ví dụ, ít cần xương tự thân hơn là ưu điểm của kỹ thuật CAT so với OBG, sử dụng vật liệu thay thế xương, dẫn đến phẫu thuật đơn giản và nhanh chóng.
3. Kỹ thuật tái tạo trong ghép xương khối tự thân
3.1. Chất dẫn xuất từ tiểu cầu
Năm 1988, Marx đưa ra ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để tái tạo xương. Eskan và cộng sự đã nghiên cứu các tác động của việc bổ sung PRP vào mô ghép xương xốp đồng loại để tăng thể tích gờ xương theo chiều ngang bằng GBR, và đã chứng minh sự gia tăng đáng kể về cả chiều rộng của mào xương và tỷ lệ xương tồn tại so với nhóm đối chứng.
Tỷ lệ tiêu sau khi tăng thể tích giảm từ 34% ± 17% xuống 28% ± 17% khi PRP được thêm vào. Trong một nghiên cứu hồi cứu, Lorenzetti và cộng sự đã chứng minh việc quản lý các gờ xương bị teo với CawoodHowell loại IV bằng cách sử dụng các hạt xương dị loại, huyết tương giàu yếu tố tăng trưởng (PRGF) và màng có thể tự tiêu. Họ quan sát thấy xương phiến trưởng thành không có dấu hiệu viêm hoặc hoại tử sau 1 và 5 năm ghép xương. Trong ghép xương theo chiều ngang, Moussa và cộng sự đã đánh giá việc bổ sung fibrin giàu tiểu cầu (PRF) vào các khối xương khẩu cái tự thân ở hàm trên phía trước có kích thước dưới 4,5 mm và so sánh với việc chỉ sử dụng các khối xương. Họ đã chứng minh sự gia tăng đáng kể về chiều rộng của gờ xương ở cả hai nhóm sau 4 tháng, nhóm thử nghiệm cho thấy sự tiêu mảnh ghép ít hơn so với nhóm đối chứng, 0,8 ± 0,6 mm so với 1,6 ± 0,9 mm. Hơn nữa, sử dụng kết hợp PRF/L-PRF dạng tiêm (fibrin giàu bạch cầu và tiểu cầu) và vật liệu thay thế xương trong quá trình GBR đã chứng minh khả năng tăng thể tích theo chiều ngang và chiều dọc thuận lợi ở các gờ xương bị teo ở phía sau hàm dưới [50].
3.2. Tế bào gốc trung mô
Tế bào gốc được sử dụng nhiều nhất để tái tạo mô xương là tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương – tế bào gốc tủy xương (BMSCs). Khả năng biệt hóa của chúng thành các nguyên bào xương trong ống nghiệm và sự hình thành xương trong cơ thể sống đã được chứng minh. Khojasteh và Sadeghi đã báo cáo sự hình thành xương lớn hơn khi sử dụng ghép xương chậu kết hợp với các tế bào trích xuất từ khối mỡ má (BFPSCs) so với chỉ sử dụng ghép xương chậu (Hình 12.3). Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả tái tạo xương, bao gồm phương pháp cung cấp tế bào, thời gian ủ, khả năng sử dụng yếu tố tăng trưởng, sử dụng chất kết dính, biến đổi gen và kích thước của khiếm khuyết, đây là yếu tố quan trọng nhất. Trong các nghiên cứu của chúng tôi, khung tổng hợp đã chứng minh kết quả tốt hơn trong việc tái tạo xương với cùng phương pháp vận chuyển tế bào.


Sự kết hợp của MSC với PRGF như một chất kết dính với khung canxi photphat hai pha có thể tăng thể tích sự hình thành xương trong khe hở xương ổ lên đến 52%.
4. Ca lâm sàng
CASE 1
• Vị trí: Răng hàm trên
• Hình thái: Khuyết theo chiều ngang
• Chiều cao 10 mm, chiều rộng <3 mm
• Kỹ thuật: Ghép xương onlay (kỹ thuật tạo đường hầm)
• Vị trí cho: mặt ngoài cành lên XHD
Một khiếm khuyết ngang nhỏ (giới hạn ở một răng) có thể được điều trị bằng xương khối tự thân với kết quả có thể đoán trước được. Ở vùng thẩm mỹ, nơi đường rạch lớn có thể ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ, hai đường rạch dọc nhỏ (5–10 mm) có thể đủ để tiếp cận phẫu thuật (Hình 12.4A). Bóc tách đường hầm dưới màng xương đến sàn mũi cung cấp đủ đường vào để cố định khối xương. Tốt hơn là kéo mô mặt ngoài bằng băng mạch máu hoặc băng đàn hồi thăm dò lệ đạo để ngăn ngừa tổn thương mô mềm trong quá trình chuẩn bị và cố định mảnh ghép xương (Hình 12.4B). Trong trường hợp được trình bày, khối xương được cố định bằng hai vít nhỏ và L-PRF được đặt trên khối ghép (Hình 12.4C, D). Mô mềm lành nguyên phát và ít hoặc không thấy sẹo (Hình 12.4E, 2 tuần sau phẫu thuật; Hình 12.4F, 4 tháng sau phẫu thuật). Phẫu thuật lại sau 5 tháng sau phẫu thuật cho thấy sự tích hợp xương hoàn chỉnh (Hình 12.4G).

CASE 2
Vị trí: Răng hàm trên
• Hình thái: Khuyết theo chiều ngang
• Dài 12mm, rộng 3.5mm
• Kỹ thuật: Cắm cọc lều xương vỏ tự thân hai bên
• Vị trí cho: mặt ngoài cành lên XHD
Chiều dài của vùng mất răng là khoảng 10 mm. Một tấm vỏ xương mặt ngoài cành lên được cố định bằng kỹ thuật CAT hai bên (Hình 12.5A, B). Xương vỏ được chia thành hai phần và được cố định vào các mặt trong ngoài và trong của gờ xương. Sau 5 tháng, quá trình tái tạo xương mới thuận lợi cho việc đặt implant nha khoa (Hình 12.5C, D).

CASE 3
• Vị trí: Răng trước hàm dưới
• Hình thái: Khuyết theo chiều ngang
• Kỹ thuật: cọc lều xương vỏ tự thân hai bên
• Vùng cho: cằm
Trong trường hợp này chiều dài của gờ mất răng giống như trong trường hợp 2, vì vậy việc tái tạo thành công đã đạt được bằng cách sử dụng kỹ thuật CAT hai bên (Hình 12.6). Xương cằm đã được chọn làm vùng cho do gần khu vực cần tái tạo. L-PRF đã được sử dụng để che phủ các mô ghép. Sau 5 tháng, quan sát thấy sự ghép xương theo chiều ngang thành công. Đánh giá mức độ mào xương ở các răng lân cận cũng cho thấy sự tái tạo bám dính nha chu thành công.

CASE 4
• Vị trí: Răng trước hàm trên
• Hình thái: Khuyết theo chiều ngang
• Chiều dài 30mm, chiều rộng <2.5mm
• Kỹ thuật: Ghép xương onlay + cọc lều xương vỏ tự thân 2 bên
• Vị trí cho: Mặt bên của cành lên xương hàm dưới
Khoảng mất răng có chiều dài 4 cm và chiều rộng nhỏ hơn 3 mm ở phía gần và nhỏ hơn 2 mm ở phía xa của khiếm khuyết (Hình 12.7A). Đối với BBA, nên lấy nhiều xương vỏ hơn. Một tấm xương vỏ dài 40 mm được lấy từ cành lên (Hình 12.7B), được chia thành hai phần bằng nhau. Kỹ thuật CAT hai bên được sử dụng để tăng thể tích ở phần xa của khiếm khuyết và một OBG được chọn cho phần gần (Hình 12.7C).
L-PRF được chuẩn bị ở hai dạng rắn và lỏng từ 20 cc máu bệnh nhân (Hình 12.7D). Một sự kết hợp giữa khoáng xương bò và L-PRF lỏng được sử dụng để lấp đầy khoảng trống giữa xương vỏ và vùng nhận, và L-PRF rắn được sử dụng để che phủ vùng được tăng thể tích này (Hình 12.7E). Sau 5 tháng, toàn bộ chỗ khuyết cho thấy sự hình thành xương mới thuận lợi, thậm chí ở phần giữa được lấp đầy bởi chất thay thế xương (Hình 12.7F, G). Các xương vỏ cành lên được đặt ở phần trước và phần sau có thể hoạt động như những bức tường xương mới, giúp giảm thiểu kích thước khiếm khuyết ở phần giữa.

CASE 5
• Vị trí: Răng trước hàm trên
• Hình thái: Khuyết theo chiều ngang
• Chiều dài 60 mm, chiều rộng <3 mm
• Kỹ thuật: Ghép xương onlay (bên trái) + tái tạo xương có hướng dẫn (bên phải)
• Vị trí cho: Cành lên XHD
Trong trường hợp được trình bày, có một khiếm khuyết xương lớn theo chiều ngang ngang ở hàm trên, phía trước (Hình 12.8A), dài hơn 6 cm.
Một xương vỏ lớn được lấy (4 cm) không đủ để ghép xương. Các bác sĩ lâm sàng phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong những tình huống như bệnh nhân này, giữa việc lấy xương ghép từ các nguồn bên ngoài và các kỹ thuật thay thế như cấy implant gò má. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng tôi đã lấy được một xương vỏ lớn từ cả hai bên phải và bên trái của cành lên XHD (Hình 12.8B). Một tấm vỏ xương được nghiền để tạo thành mảnh ghép xương dạng hạt và trộn với L-PRF lỏng (Hình 12.8C). Sau đó, phía bên trái được điều trị bằng kỹ thuật OBG, và phía bên kia chỉ được tăng thể tích bằng phương pháp GBR (Hình 12.8D–H). Ở phía bên trái, xương vỏ được cố định bằng mini vít ở mặt ngoài, nhưng ở phía bên phải, một số mini vít (đường kính 1,5 mm, cao 10 mm) được đặt để cố định màng collagen (Hình 12.8I) . Các vít được khuyến nghị nên đặt theo hướng khác nhau để mang lại sự ổn định hơn cho không gian lành thương. Việc khâu đóng mô mềm được thực hiện không căng bằng các mũi khâu đệm dọc liên tục. Sau 6 tháng, đánh giá bằng chụp CBCT cho thấy đủ thể tích ở cả hai bên (Hình 12.8J). Mô mềm lành thương sau đó và được thấy là bình thường (Hình 12.8K). Phẫu thuật bộc lộ cho thấy có đủ xương mới khả dụng để đặt implant (Hình 12.8L, M).

6. Kết luận
Chương này đã xem xét các loại kỹ thuật phổ biến hơn bằng cách sử dụng mảnh ghép xương khối tự thân không có mạch máu cho các khiếm khuyết theo chiều ngang, theo chuyên môn lâm sàng của các tác giả. Hệ thống LMS đã được trình bày để xác định đúng khiếm khuyết ngang và đạt được kỹ thuật tái tạo có thể dự đoán được. Một số trường hợp tăng thể tích gờ xương theo chiều ngang ở các vị trí khác nhau với các kích thước khác nhau đã được trình bày với kết quả thuận lợi. Kế hoạch phẫu thuật hiệu quả nhất, kỹ thuật tái tạo, loại và số lượng xương ghép có thể được xác định với sự trợ giúp của kế hoạch phục hình trên implant.
Nguồn: Tolstunov, L. (2023). Essential techniques of alveolar bone augmentation in implant dentistry: A Surgical Manual. Wiley-Blackwell.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/