1. Nguyên lý
Việc đặt implant để phục hồi răng bị mất là một quy trình cần được thiết kế tốt với yêu cầu từ hai đến ba tháng tái tạo xương ổ răng sau khi nhổ răng và thêm sáu tháng lành thương không chịu lực để đảm bảo sự ổn định của implant trong giai đoạn đầu lành thương. Theo quy trình thông thường, đặt implant được thực hiện sau khi vị trí mất răng đã lành, điều này sẽ giải quyết bất kỳ nhiễm trùng nào và cho phép lành thương xương và mô mềm. Thời gian điều trị dài như vậy có thể là một nhược điểm đối với sự chấp nhận của bệnh nhân, và phương pháp thông thường đã bị thách thức trong những thập kỷ gần đây bằng cách giảm thời gian từ khi nhổ răng đến khi đặt và chịu lực của implant. Đặt implant ngay lập tức có thể giảm số lượng và thời gian can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhan, tuy nhiên điều này cần được đánh giá cẩn thận để đảm bảo khả năng thành công của thủ thuật.
2. Phân loại thời điểm đặt implant
Có nhiều mô tả khác nhau về thời gian thực hiện implant. Ví dụ, Esposito et al. trong một Tổng quan Cochrane đã mô tả cách phân loại như sau:
● Implant tức thời – implant được đặt trong ổ răng sau khi nhổ răng
● Implant tức thời – trì hoãn: implant được cấy vào sau vài tuần đến vài tháng để cho phép mô mềm lành lại
● Implant trì hoãn – implant được đặt sau khi xương đã lành một phần hoặc hoàn toàn.
Một phân loại mô tả thay thế được giới thiệu tại Hội nghị Đồng thuận ITI lần thứ ba bởi Hämmerle và đồng nghiệp dựa trên kết quả lâm sàng của quá trình lành thương, thay vì khung thời gian cứng nhắc (Bảng 11.1).

● Loại 1 – implant ngay lập tức tại thời điểm nhổ răng trong cùng một quy trình phẫu thuật
● Loại 2 – đặt sau khi lành mô mềm, nhưng trước khi hình thành 1 lượng xương đáng kể ở ổ nhổ răng. Thông thường là khoảng bốn đến tám tuần
● Loại 3 – đặt sau khi xương lấp đầy ổ nhổ răng, khoảng 12–16 tuần
● Loại 4 – đặt implant sau khi đã lành thương hoàn toàn, khoảng sáu tháng hoặc lâu hơn.
2.1. Implant tức thì
Gần đây hơn, các nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ thành công cao và kết quả thẩm mỹ đầy hứa hẹn đối với implant được đặt vào ổ nhổ răng. Ưu điểm của implant tức thì là thời gian điều trị ngắn, ít thủ thuật phẫu thuật hơn và thể tích xương có thể được duy trì một phần, do đó có thể mang lại kết quả thẩm mỹ tốt. Những bất lợi tiềm ẩn là tăng nguy cơ nhiễm trùng và hỏng. Sau khi đặt implant vào vị trí sau nhổ răng, có thể có khoảng trống giữa implant và thành xương. Có thể lấp đầy những khoảng trống này và nâng xương đồng thời với đặt implant. Có nhiều kỹ thuật để đạt được điều này nhưng vẫn chưa rõ khi nào cần nâng và đâu có thể là kỹ thuật nâng tốt nhất. Đặt implant tức thì được đề xuất để:
● bảo tồn hình dáng và đường viền mô mềm
● giảm số lượng cuộc hẹn phẫu thuật
● bảo tồn kích thước xương (mặc dù điều này đã bị bác bỏ)
● giảm thời gian điều trị, do đó cải thiện sự hài lòng và thoải mái của bệnh nhân
● giảm chi phí điều trị do ít cuộc hẹn hơn
● tối ưu hóa kết quả thẩm mỹ.
Người ta cho rằng đặt implant ngay lập tức có thể giúp giảm sự tự điều chỉnh của xương ổ răng, và do đó duy trì hình dạng ban đầu của gờ xương. Ngược lại, các tài liệu gần đây trong các nghiên cứu về chó và người của Araujo và cộng sự, Botticelli và cộng sự không ủng hộ điều này. Họ chứng minh rằng bất kể đặt implant ngay lập tức hay trì hoãn, việc nhổ răng dẫn đến việc điều chỉnh xương (mất chiều cao và chiều rộng của gờ xương). Botticelli và cộng sự đặt 21 implant vào ổ nhổ của 18 bệnh nhân. Họ đã ghi nhận sự tiêu xương theo chiều ngang khoảng 50% ở mặt ngoài và 30% ở mặt lưỡi của implant, tương ứng với sự giảm chiều rộng tổng thể là 2,8 mm. Covani và cộng sự đã phân tích sự lành thương của khoảng 15 implant được đặt ngay lập tức và nhận thấy khoảng cách ngoài trong trung bình được báo cáo tại thời điểm đặt (10,5 mm) giảm xuống còn 6,8 mm tại thời điểm phẫu thuật giai đoạn hai. Họ quan sát thấy rằng việc đặt implant ngay lập tức không thể ngăn cản tiêu xương theo hướng ngoài trong. Có khả năng là việc đặt implant ngay lập tức không ngăn cản sự tiêu của xương ổ răng sau khi nhổ răng. Sự mất xương rõ rệt hơn ở mặt ngoài có thể là do xương ở đây được cấu tạo bởi xương bó, trong khi khẩu cái chủ yếu là xương vỏ. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt nướu thường thấy khi ổ răng lành thương sau khi nhổ răng.
Vị trí lý tưởng của cấy ghép nha khoa là cần thiết để thành công về mặt thẩm mỹ và chức năng. Điều này đòi hỏi vị trí ba chiều chính xác của implant với việc duy trì đủ xương mặt ngoài implant. Việc đặt ngay lập tức trở nên khó khăn hơn do cần phải kiểm soát ổ nhổ răng, các xương ổ còn lại và mô mềm. Vị trí đặt theo hướng ngoài trong nên hướng 1–2mm về mặt lưỡi so với các răng bên cạnh. Implant có vị trí ngang hoặc nằm về phía ngoài với đường nối giữa cổ của các răng kế cận cho thấy sự tụt nướu nhiều hơn ba lần so với những implant có vị trí về phía trong với đường này (1,8mm so với 0,6mm). Việc căn chỉnh implant tức thời như này có thể phức tạp do tấm xương vỏ mỏng hơn rõ ràng trong các ổ nhổ, với xu hướng khoan xương bị trượt ra phía ngoài. Sự phức tạp cũng có thể phát sinh do bác sĩ cố gắng làm sạch các ổ nhổ răng với implant, dẫn đến sự nghiêng ngoài.
Nên sử dụng implant hình côn có ren với bề mặt nhám vừa phải. Các nghiên cứu gần đây về hoạt động bề mặt của vật liệu implant, chẳng hạn như xử lý tia cực tím và sử dụng khí nitơ để rửa vật liệu implant, đã nâng cao năng lượng bề mặt tự do và tính ưa nước của vật liệu implant. Điều này thúc đẩy quá trình tích hợp nhanh hơn và dẫn đến sự ổn định thứ cấp nhanh hơn.
Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến đặt implant ngay lập tức bao gồm khả năng nhiễm trùng, sự khác biệt giữa kích thước ổ nhổ răng và implant dẫn đến hình thành khoảng trống và có thể hình thành mô xơ, cũng như vi dịch chuyển implant trong quá trình lành thương nếu nó chịu lực tức thì hoặc đặt abutment healing. Ngoài ra còn có những lo ngại về mặt thẩm mỹ với sự tụt của rìa nướu, đặc biệt là ở những bệnh nhân có type nướu mỏng. Để cải thiện kết quả thẩm mỹ và bù đắp cho sự tiêu theo chiều ngang của xương sau khi nhổ răng, việc ghép mô mềm rời đã được đề xuất để hỗ trợ nâng đường viền và tăng độ dày của mô cũng như sự sừng hóa. Những mảnh ghép này thường được lấy từ niêm mạc vòm miệng hoặc vùng lồi củ.
Các nghiên cứu tiền cứu của Cornelini và cộng sự, Fugazzotto, Covani và cộng sự, và Kan và cộng sự cũng như các nghiên cứu hồi cứu đã báo cáo tỷ lệ tồn tại cao trên 95% đối với implant đặt ngay lập tức. Trong một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây của Cosyn và cộng sự, tỷ lệ tồn tại của implant thấp hơn đáng kể khi đặt implant ngay lập tức (94,9%) so với việc đặt implant muộn (98,9%), và người ta thấy rằng tất cả đều là implant thất bại sớm.
2.2. Implant trì hoãn
2.2.1. Giải quyết nhiễm trùng tại chỗ
Răng thường phải nhổ vì bị nhiễm trùng cấp tính chảy mủ hoặc nhiễm trùng mãn tính dẫn đến phá hủy nhiều ổ răng. Trong những tình huống này, việc trì hoãn việc đặt implant trong bốn tuần hoặc hơn (đặt implant loại 2-4) sẽ cho phép giải quyết nhiễm trùng tại chỗ. Không được đặt implant vào những vị trí bị nhiễm trùng vì điều này có thể dẫn đến biến chứng hoặc mất implant.
2.2.2. Thay đổi 3 chiều của gờ xương ổ răng
Việc nhổ răng dẫn đến những thay đổi về kích thước do sự tiêu và tái tạo của xương. Phần gờ xương mặt ngoài thường mỏng và được tạo thành gần như hoàn toàn bằng xương bó. Nguồn cung cấp mạch máu đến bó xương bắt nguồn từ dây chằng nha chu, và khi nhổ răng, điều này làm gián đoạn nguồn cung cấp máu và xương nhanh chóng tiêu. Trong một bài tổng quan có hệ thống về sự thay đổi kích thước mô mềm và cứng của xương ổ sau nhổ ở người, Tan và cộng sự nhận thấy rằng sáu tháng sau khi nhổ răng, tình trạng mất xương theo chiều ngang từ 29 đến 63% đã xảy ra và mất xương theo chiều dọc là 11–22%. Có sự giảm nhanh chóng trong ba đến sáu tháng đầu tiên, sau đó là giảm dần. Việc đặt implant sớm (loại 2), trong đó việc cắm implant trong vòng bốn đến tám tuần sau khi nhổ răng, cho phép chữa lành mô mềm với những thay đổi về kích thước tối thiểu. Cấy ghép có thể được đặt vào hình thái thuận lợi với ba hoặc nhiều thành xương với các thủ thuật nâng xương thường được tiến hành đồng thời. Việc đặt trụ implant sớm với quá trình lành xương một phần (loại 3) cho phép chữa lành ít nhất 12 tuần, mặc dù sự tiêu theo chiều ngang sẽ nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ không đủ chiều rộng của xương sau khi lành. Ở đặt implant muộn (loại 4) với hơn sáu tháng sau khi nhổ răng, đường viền mặt ngoài có thể bị phẳng hơn nữa do bị tiêu. Điều này có thể yêu cầu một cách tiếp cận theo giai đoạn, trong đó các quy trình tăng thể tích xương được thực hiện đầu tiên, sau đó là vài tháng lành vết thương trước khi đặt implant. Điều này thường thấy ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị mất răng do chấn thương vì phải có thời gian để xương trưởng thành trước khi tiến hành cấy ghép. Ở đặt implant loại 3 và 4, điều này cũng có thể xảy ra khi có các tổn thương lớn hơn như u nang hoặc nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của implant. Các quy trình bảo tồn xương cũng đã được khuyến nghị trong những trường hợp này để giảm thiểu sự mất xương bằng cách sử dụng chất làm đầy xương thay thế thấp (low substitution bone fillers).
3. Quy trình
Thực hiện khám toàn diện với đánh giá cẩn thận để đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến cách đặt, với cách đặt implant trì hoãn được chỉ định cho bệnh nhân có nguy cơ cao hơn với các yếu tố nguy cơ tại chỗ hoặc toàn thân.
3.1. Các yếu tố nguy cơ toàn thân
Các yếu tố nguy cơ toàn thân bao gồm tất cả các tình trạng y tế, thuốc, hút thuốc hoặc các bệnh có thể ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương và quá trình tích hợp xương..
3.2. Các yếu tố nguy cơ tại chỗ
Có thể có các yếu tố rủi ro về nha khoa, thẩm mỹ và giải phẫu cần được giải quyết trước khi tiến hành quy trình đặt implant. Chúng có thể bao gồm những điều sau:
● Số lượng và chất lượng xương: Việc đặt implant ngay lập tức đòi hỏi phải có đủ xương để cấy ghép nhằm đạt được sự ổn định sơ khởi.

● Định vị các đặc điểm giải phẫu: Phải xác định và tránh các đặc điểm như xoang hàm trên, lỗ răng cửa, lỗ cằm và ống XOR dưới.
● Độ dày của xương mặt ngoài: Người ta đã chứng minh được rằng độ dày của mào xương mặt ngoài ảnh hưởng đến lượng xương lấp đầy trong ổ nhổ răng khi đặt implant ngay lập tức. Sau bốn tháng, ở xương mặt ngoài dày từ 1 mm trở lên, lượng xương lấp đầy là 100% so với khoảng 75% nếu dày dưới 1 mm. Sự tiêu xương chiều dọc ở vị trí dày > 1 mm là −0,4 mm trong khi ở xương mặt ngoài dày <1 mm thì mất đi −1,2 mm. Với một mảng xương dày có bằng chứng về sự tiêu xương tối thiểu; tuy nhiên, độ dày xương ổ răng > 1 mm chỉ xảy ra 13% ở răng hàm trên trước và 41% ở vùng răng cối nhỏ hàm trên.

● Mô sừng hóa: Có thể chống chỉ định cấy ghép ngay lập tức với mô sừng hóa ít, vì có thể dễ dàng hơn để lập kế hoạch đặt implant trì hoãn với sự tăng sừng hóa khi mô lành sau khi nhổ răng.
● Rủi ro thẩm mỹ: Có một số yếu tố rủi ro giải phẫu nhất định có thể ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ. Chúng bao gồm mong đợi của bệnh nhân, biotype, điểm tiếp xúc, đường viền môi, hình dạng của răng cũng như chiều cao và độ dày của mào xương.
3.3. Vật liệu sinh học
Việc sử dụng xương tự thân và các chất thay thế xương khác có thể được sử dụng để lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào trong ổ răng để đẩy nhanh quá trình lành xương. Nếu ” jumping distance” nhỏ hơn 1,5 mm, có thể không cần đặt bất kỳ vật liệu nâng nào vào khoảng trống vì xương sẽ hình thành trên bề mặt implant. Nếu khoảng trống lớn hơn 1,5 mm, nên sử dụng các chất thay thế xương có tỷ lệ thay thế thấp (tái hấp thu) để tăng cường sự ổn định thể tích, kết hợp với việc sử dụng xương tự sinh để tăng tiềm năng tạo xương. Các vật liệu ghép hoạt động như một giá đỡ để duy trì thể tích mô cứng và mềm cũng như cục máu đông để chữa bệnh. Araujo và cộng sự phát hiện ra rằng việc đặt khoáng chất xương bò đã được khử protein với collagen (Bi-Oss® Collagen, Geistlich) vào khoảng trống mặt má khi đặt implant tức thời ở chó đã làm thay đổi quá trình chữa lành mô cứng và cung cấp thêm lượng mô cứng ở đường vào trước đó của ổ nhổ răng với mức độ tiếp xúc xương – implant được cải thiện.
3.4. Hình thái ổ nhổ răng
Hiểu được hình thái của ổ nhổ sau khi nhổ răng có thể cho phép tối ưu vị trí cũng như sự ổn định của implant. Số lượng chân, cấu hình và vị trí trong xương ổ có thể ảnh hưởng đến sự phức tạp của thủ thuật.
● Răng trước: Ở hàm trên thường bị lõm ở đỉnh xương mặt ngoài xung quanh vùng chóp chân răng, vì vậy việc đặt răng cần tránh làm thủng xương ở vùng này. Khoan xương ở răng tước hàm trên thường đòi hỏi phải được chuẩn bị vào thành trong của ổ nhổ răng. Do xương khẩu cái đặc, các mũi khoan xương có xu hướng bị lệch về phía ngoài, có thể dẫn đến sai vị trí của implant. Ngoài ra, bác sĩ lâm sàng cần đánh giá xem có xương ở chân răng hay không để có thể đạt đủ độ ổn định sơ khởi cho implant. Ở vùng trước hàm dưới, khoảng cách giữa các chiều thường bị hạn chế và thành xương mỏng có nguy cơ bị thủng xương mặt ngoài hoặc lưỡi.

● Vùng răng cối nhỏ: Hình thái của ổ nhổ răng cối nhỏ thường sẽ cho phép đặt ngay mà ít khó khăn. Tuy nhiên, cần phải đánh giá X quang cẩn thận để đánh giá xem xoang hàm trên hoặc lỗ cằm có ở gần hay không vì thường thì đặt implant ngay lập tức sẽ cần phải tác động đến xương phía chóp trong khi vẫn cần bảo vệ bó mạch TK và các cấu trúc quan trọng khác.
● Vùng răng cối lớn: Vị trí phục hình lý tưởng thường nằm ở trung tâm của ổ nhổ răng và thường được đặt vào vách ngăn giữa các chân răng. Có thể khó đạt được đường vào ban đầu do sườn xương nghiêng và việc sử dụng một mũi khoan tròn hoặc đầu nhọn / mũi khoan Lindemann có thể hỗ trợ. Nên tránh xoang hàm trên trừ khi thực hiện các thủ thuật nâng xoang kín. Không nên đặt implant vào ổ chân răng của răng cối lớn vì khi đó implant sẽ không nằm ở vị trí phục hình thích hợp.
3.5. Giao thức không lật vạt
Phương pháp không lật vạt có thể được thực hiện khi một răng đã được nhổ không sang chấn và cấy ghép được thực hiện ngay lập tức. Người ta gợi ý rằng kết quả thẩm mỹ có thể được cải thiện bằng cách không nâng vạt màng xương lên và không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp máu từ màng xương. Đặt implant không tạo vạt có thể giúp niêm mạc ít bị tụt và có thể ít mắc bệnh cho implant hơn. Tuy nhiên, đây là một quy trình phức tạp hơn vì việc khoan xương sửa soạn cho implant là vào giải phẫu dốc của cấu trúc xương khẩu cái hoặc vách ngăn ở các răng nhiều chân. Khả năng nhìn trực tiếp bị suy giảm vì đây là một kỹ thuật ‘mù’ và do đó đòi hỏi kinh nghiệm lâm sàng đáng kể. Nó được chỉ định khi có đủ thể tích xương trong một gờ ổ răng dày. Phẫu thuật có hướng dẫn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho kỹ thuật này với vị trí an toàn và có thể đoán trước được với ít nguy cơ biến chứng hơn. Cần phải nhớ rằng các hệ thống này vẫn có thể dẫn đến một số sai lệch so với kế hoạch và do đó, khi số lượng xương bị hạn chế, các kỹ thuật này nên được sử dụng một cách thận trọng.
3.6 Kinh nghiệm bác sĩ
Việc đặt implant ngay lập tức vào ổ nhổ răng có độ phức tạp cao hơn đáng kể, khiến việc đặt cấy ghép khó hơn so với vị trí đã lành. Điều quan trọng là có thể loại bỏ răng không sang chấn mà không làm tổn thương xương. Có thể có lợi thế khi thực hiện thủ thuật này mà không cần nâng vạt để giảm thiểu sự gián đoạn mạch máu, tuy nhiên điều này làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn trực tiếp. Ngoài ra, nhu cầu để đạt được sự ổn định sơ khởi đòi hỏi cấy ghép phải được đặt vào xương mà thường chỉ được tìm thấy ở phía chóp, và do đó, cần phải không sửa soạn/cô đặc xương tại vị trí khoan xương để gia tăng độ ổn định sơ khởi.
3.7 Các quy trình bổ sung với việc đặt Implant
3.7.1 Tăng thể tích xương đồng thời với đặt trụ Implant
Đây là một phương pháp phổ biến để đồng thời ghép ổ sau nhổ răng hoặc các khiếm khuyết gờ xương để giảm mức độ tiêu xương theo chiều ngang được thực hiện với đặt implant tức thời loại 1, sớm (loại 2 và 3) và muộn (loại 4). Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không thể ngăn chặn được việc mất kích thước ngang ngay cả khi đặt implant ngay lập tức. Nên đặt implant ngay lập tức ở hàm trên phía trước về phía khẩu cái của ổ răng, cho phép khoảng trống từ 2 mm trở lên ở mặt ngoài để tăng thể tích với chất độn xương thay thế thấp. Việc ghép bề mặt bên ngoài của một ổ nhổ răng còn nguyên vẹn với đặt implant ngay lập tức có thể là một thách thức khó khăn đối với khả năng tiếp cận, trong khi các quy trình loại 2 và 3 thường tạo khiếm khuyết dạng hố lõm có thể cho phép tăng đường viền bằng cách đóng mô mềm thích hợp. Bác sĩ lâm sàng phải đánh giá từng bệnh nhân để xác định xem có thể tiến hành ghép xương đồng thời hay sử dụng phương pháp tiếp cận theo giai đoạn trong đó phẫu thuật nâng xương được thực hiện sau năm đến sáu tháng lành thương.
3.7.2 Ghép mô mềm từ vùng lân cận
Ở vùng phía trước, việc sử dụng mô liên kết lấy từ khẩu cái có thể được sử dụng trên mặt ngoài của implant để tăng đường viền và / hoặc đóng nguyên phát trên ổ nhổ răng. Quy trình này gồm việc bóc tách màng xương ở chân vạt để nâng vạt lên trênvùng ghép, và phải cẩn thận để không ghép quá nhiều vì có thể khó đóng vạt chính xác hoặc vị trí có thể bị quá phồng. Việc sử dụng ghép mô mềm bổ sung cũng có thể hỗ trợ khi mô sinh học mỏng. Grunder và cộng sự báo cáo về 24 bệnh nhân được điều trị liên tiếp bằng implant đặt ở vùng trước hàm trên với một nhóm (12 người) được đặt implant ngay lập tức được thực hiện không lật vạt, trong khi nhóm thứ hai gồm 12 người được ghép mô liên kết dưới biểu mô bằng kỹ thuật đường hầm ở mặt ngoài. Thể tích mặt ngoài được đo trước khi điều trị và sau sáu tháng. Kết quả cho thấy mức hao hụt thể tích trung bình là 1,063 mm ở nhóm không ghép và ở nhóm ghép tăng nhẹ 0,34 mm.
3.8. Lựa chọn giao thức phẫu thuật thích hợp
Việc lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau sau khi nhổ răng dựa trên những ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp và kết quả điều trị mong muốn (Bảng 11.2).
Các triết lý điều trị phục hồi và phẫu thuật hiện tại phải đạt được sự cân bằng thích hợp giữa hiệu quả và khả năng dự đoán, với một phương pháp tiếp cận cá nhân được phát triển dành riêng cho từng vị trí.
Không có đủ bằng chứng để xác định ưu điểm hoặc nhược điểm có thể có của cấy ghép tức thì, cấy ghép sớm hoặc trì hoãn, do đó kết luận sơ bộ dựa trên một số thử nghiệm kém hiệu quả thường có nguy cơ sai lệch cao. Có ý kiến cho rằng cấy ghép tức thời có thể có nguy cơ thất bại và biến chứng cao hơn so với cấy ghép trễ; mặt khác, kết quả thẩm mỹ có thể tốt hơn khi đặt implant ngay sau khi nhổ răng.
Không có đủ bằng chứng hỗ trợ hoặc bác bỏ sự cần thiết phải thực hiện các quy trình ghép tại các implant đặt ngay lập tức trong các ổ nhổ răng sạch, và cũng không có kỹ thuật nâng xương và mô mềm nào ưu việt nhất.

4. Một số lời khuyên
● Đối với các quy trình đặt tức thời, hãy đảm bảo rằng việc căn chỉnh implant được thực hiện cẩn thận vì rất dễ làm cho mũi khoan bị trượt. Tay khoan phải được giữ chắc chắn, đặc biệt là trong các trường hợp liên quan đến hàm trên phía trước, nơi nên duy trì lực tác động lên mặt khẩu cái để ngăn nó bị trượt ra ngoài.
● Trước đây, có xu hướng sử dụng các implant lớn để đặt ngay lập tức vào ổ nhổ răng để đạt được độ ổn định sơ khởi và giảm khoảng cách giữa implant và thành ổ. Một nghiên cứu tiền cứu của Small và cộng sự nhận thấy rằng sự tụt nướu được quan sát thấy ở khoảng 88,7% ở các implant đường kính rộng, so với 48,6% đối với các implant có đường kính tiêu chuẩn. Implant có đường kính rộng cũng yêu cầu abutment lớn nên có thể làm mỏng niêm mạc rìa, tăng nguy cơ tụt nươu và kém thẩm mỹ.
● Trong implant ngay lập tức, tác giả khuyên nên làm đầy ổ nhổ răng bằng chất thay thế xương khi mũi khoan final đang nằm tại vị trí khoan trước khi cắm implant. Điều này đảm bảo rằng xương được đưa vào trong ổ răng, thay vì đặt một implant và sau đó phải thêm mảnh ghép giữa thành ổ và implant.
● Việc đặt các implant ngay lập tức cũng có thể tạo ra sự tiếp xúc của implant với sàn xương vỏ của mũi / xoang để đạt được sự ổn định sơ khởi tốt hơn.
Nguồn: Nguồn: K., H. C. C. (2021). Practical procedures in implant dentistry. Wiley-Blackwell.