Tiêu chí điều chỉnh khay cá nhân:
• Viền khay sẽ ngắn hơn 2-3 mm so với viền của hàm giả chính thức.
• Khay phải có hình dạng giống với dấu sau cùng (Hình 5.78a-c).

1. Kiểm tra khay lấy dấu hàm trên
Hàm trên đã được chia thành sáu vùng giải phẫu. Viền khay phải được xem xét bằng cách sử dụng các điểm tham chiếu này và dấu sau cùng phải được hoàn thành bằng cách sử dụng các tham chiếu này (Hình 5.79, 5.80 và 5.81). Khay lấy dấu sẽ được đặt vào miệng bệnh nhân và được kiểm tra và điều chỉnh theo vùng.

1.2. Vùng sau xương gò má (retrozygomatic)
Vùng retrozygomatic là phần mở rộng có chiều rộng lớn nhất. Không nên làm mỏng khay quá mức ở đây (Hình 5.82 và 5.83) vì sẽ khó ghi dấu được chiều rộng đúng. Hợp chất lấy dấu (compound) không chỉ cần được nâng đỡ về chiều cao mà còn về chiều rộng. Điều này thường bị bỏ qua trong quá trình làm khay lấy dấu. Nhiều khay lấy dấu hàm trên được làm với các viền sắc như dao không đủ để nâng đỡ vật liệu làm vành khít. Nha sĩ phải đặt ngón trỏ của họ vào vùng sau xương gò má và hướng dẫn bệnh nhân khép miệng lại (Hình 5.84). Việc khép miệng sẽ khiến mỏm quạ chuyển động về phía sau và cho phép nha sĩ cảm nhận được độ dư/thừa của khay lấy dấu.
1.3. Vùng mỏm quạ
Vùng này nên được mài chỉnh để tạo không gian cho mỏm quạ khi xương hàm dưới di chuyển từ bên này sang bên kia và há lớn. Vùng tương ứng với lồi củ phải được làm ngắn ra phía ngoài (Hình 5.85).
1.4. Vùng gò má
Khay cá nhân nên được mài chỉnh và phần xương gò má của khay được làm mỏng hơn vùng sau xương gò má. Chiều rộng của khay trở nên mỏng dần dần tiến về phía trước tới thắng má (Hình 5.86). Để xác định độ mở rộng thích hợp, có thể sử dụng ngón trỏ. Khay lấy dấu nên ngắn hơn khoảng 2-3 mm so với vùng tương ứng. Ở vùng này, có thể kiểm soát các đường viền bằng cách vén má, và các viền khay không được cản trở chức năng của thắng má.

1.5. Các vùng vành môi và thắng môi
Khay lấy dấu phải mỏng hơn vùng xương gò má và sau xương gò má và không được có dạng sắc cạnh ở vùng này. Viền phải được bo tròn với độ dày trung bình khoảng 2 mm (Hình 5.87). Bằng cách kéo cao môi lên trên khay lấy dấu, đáy hành lang được kiểm soát (Hình 5.88). Mặt ngoài của môi và má phải được sờ nắn để đảm bảo không bị mở rộng quá mức. Môi và má phải phẳng, vì phần mở rộng viền cồng kềnh sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Nha sĩ nên lùi lại và nhìn vào môi của bệnh nhân để đảm bảo rằng khay không nhô ra khỏi các mô trên khuôn mặt. Hoạt động tự do của thắng môi phải được đảm bảo bằng cách thao tác với thắng theo các hoạt động chức năng (Hình 5.89).

1.6. Vùng seal phía sau khẩu cái
Phần phía sau của khay phải được cắt sao cho vừa chạm đến đường rung, đường tưởng tượng chỉ ra vùng chuyển động của khẩu cái mềm. Đường rung được đánh dấu giữa khẩu cái mềm có thể di chuyển và không thể di chuyển bằng bút chì không phai bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói “Ah” (Hình 5.90). Đường được đánh dấu phải chạm đến rãnh chân bướm hàm ở cả hai bên. Phải kiểm soát bằng cách đặt khay vào miệng bệnh nhân (Hình 5.91).
2. Kiểm tra khay lấy dấu hàm dưới
Khay lấy dấu hàm dưới được chia thành mười vùng giải phẫu. Viền khay phải được xem xét với các điểm tham chiếu này và dấu sau cùng phải được hoàn tất với các vùng giải phẫu này (Hình 5.92, 5.93 và 5.94).
Việc lưu giữ và ổn định của dấu hàm dưới có liên quan trực tiếp đến khả năng thích ứng và chất lượng của khay lấy dấu hàm dưới. Việc đưa khay vào đúng cách là vô cùng quan trọng. Do phần lẹm của vùng sau cơ hàm móng (retromylohyoid), trước tiên khay phải được đặt hơi nghiêng về phía xa (khoảng 6 mm) và sau đó là đưa ra phía trước, vào đúng vị trí sau cùng. Ngoài ra, khi khay được lấy ra khỏi miệng, ban đầu, khay được kéo lên rồi đẩy ra sau và lấy ra khỏi miệng. Quy trình này rất quan trọng, đặc biệt là đối với chạy vành khít và lấy dấu sau cùng, để ngăn ngừa sự biến dạng của vùng sau cơ hàm móng. Tất cả các phần của khay được điều chỉnh tương ứng sau khi được kiểm soát trong miệng.

2.1. Rãnh cơ cắn và vùng mở rộng phía xa (Distal Extension Area)
Khu vực rãnh cơ cắn sẽ được mài chỉnh để tạo thành một góc thích hợp với buccal shelf. Góc này khoảng 45°; tuy nhiên, nó có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. Khu vực rãnh cơ cắn của nền hàm có góc so với buccal shelf do tác động của cơ cắn và giải phẫu xương của khu vực đó. Khi cơ cắn co lại, nó kéo vào trong và do đó định hình vật liệu lấy dấu theo hướng đó. Góc xa ngoài giữa rãnh cơ cắn và buccal shelf phải được bo tròn và rãnh cơ cắn phải hơi lõm. Nó không được làm dịch chuyển lớp mỡ má vàcho phép lớp mỡ ở vị trí không bị biến dạng, nằm trên rãnh cơ cắn của khay (Hình 5.95).

Phần mở rộng phía xa của khay lấy dấu được mài chỉnh theo sự kết hợp của các yếu tố giải phẫu và chức năng.
Yếu tố giải phẫu:
- Khay phải được điều chỉnh để che phủ gối hậu nha, điều này được thực hiện bằng cách xác định vị trí gối hậu nha và đánh dấu phía xa của nó bằng bút đánh dấu (Hình 5.96).

Yếu tố chức năng:
- Bệnh nhân được hướng dẫn há lớn để kéo căng dây chằng chân bướm hàm. Rãnh này thường dính vào phía xa gối hậu nha. Trong quá trình làm vành khít, rãnh đôi khi được ghi lại bởi vật liệu lấy dấu. Vùng mở rộng phía xa của khay chỉ nên tiếp xúc với rãnh chân bướm hàm khi miệng khép một phần.
2.2. Viền khay phía má và thắng má
Nền hàm phía má được điều chỉnh theo đường song song với gờ xương và ngắn hơn gờ chéo ngoài 2-3 mm (Hình 5.97). Gờ chéo ngoài và mép khay được sờ nắn trong miệng bằng ngón trỏ (Hình 5.98). Phải cảm nhận được gờ chéo ngoài và viền khay. Ngoài ra, phải sử dụng cách sờ nắn ngoài mặt để đảm bảo khay không mở rộng quá mức ở vùng này. Mô má phải phủ lên mặt ngoài của khay lấy dấu. Phải điều chỉnh vùng thắng má cho đến khi không còn sự cản trở khi thắng di chuyển trong phạm vi chức năng bình thường.

2.3. Viền khay phía môi và thắng môi
Vành môi của khay được điều chỉnh cho đến khi không cản trở cơ hoặc mô và cho đến khi khay ngắn hơn khoảng 2 mm so với đáy hành lang khi môi được vén nhẹ nhàng theo chiều ngang. Việc kéo môi lên hoặc xuống có thể cung cấp tham chiếu sai về vị trí đúng của đáy hành lang. Cần phải sờ môi để cảm nhận được sự mở rộng quá mức. Phải điều chỉnh thắng môi cho đến khi không có sự cản trở khi dây chằng được di chuyển theo bất kỳ hướng chức năng nào (Hình 5.99).
2.4. Viền phía lưỡi
Paste chỉ ra vùng bị nén là một phương pháp thực tế để xác định ranh giới phía lưỡi. Paste, dày 2 mm, được bôi lên bề mặt lưỡi của khay bằng bay trộn (Hình 5.100). Do độ đặc của paste, khay được đặt vào đúng vị trí và lấy ra khỏi miệng mà không bị biến dạng. Khi khay ở trong miệng, bệnh nhân được khuyên thực hiện một số động tác, chẳng hạn như ngậm miệng, nuốt, há nhẹ và liếm môi. Ranh giới phía lưỡi sẽ xuất hiện trên khay và khay được mài. Nếu paste chỉ thị tạo thành hình dạng rộng, cho biết ranh giới được chuẩn bị ngắn hơn, nha sĩ phải định hình lại khu vực này bằng vật liệu lấy dấu compound.

2.5. Vùng sau cơ hàm móng và cơ hàm móng
Bệnh nhân được hướng dẫn đưa lưỡi ra trước nhất có thể, trong khi nha sĩ giữ khay ở đúng vị trí (Hình 5.101). Vùng sau cơ hàm móng phải được điều chỉnh cho đến khi cơ hàm móng không còn đẩy khay lên. Để cảm nhận lực căng ở sàn miệng, ngón trỏ được đặt vào vùng này (Hình 5.102). Vùng này cũng có thể được kiểm soát bằng gương (Hình 5.103). Vùng sau cơ hàm móng phải mỏng và có đường viền để lưỡi có thể chuyển động tự do.
Mặt khay phải lõm để lưỡi nghỉ ngơi có thể ổn định khay trong quá trình lấy dấu. Có thể cần phải cắt thêm viền lưỡi của khay sau khi thêm compound trong quá trình làm vành khít. Ở vùng này, vùng mở rộng quá mức của khay có thể thấy được xuyên qua compound.
2.6. Khoảng nếp gấp dưới lưỡi và thắng lưỡi
Bệnh nhân được hướng dẫn đặt đầu lưỡi vào tay cầm của khay, tượng trưng cho vị trí của các cạnh cắn của răng cửa (Hình 5.104).
Trong khi lưỡi ở vị trí này, khay được điều chỉnh cho đến khi cách sàn miệng khoảng 1 mm. Khu vực thắng lưỡi được kiểm tra bằng gương, trong khi bệnh nhân được yêu cầu đưa lưỡi thẳng về phía trước và sang hai bên. Khay được điều chỉnh để có đủ không gian cho chuyển động của lưỡi.

Nguồn: Özkan, Y. K. (2018). Complete denture prosthodontics: Planning and decision-making. Springer.
Tự học RHM
Website: https://tuhocrhm.com/
Facebook: https://www.facebook.com/tuhocrhm
Instagram: https://www.instagram.com/tuhocrhm/