1. Tổng quan
Xi măng resin là vật liệu composite có độ nhớt thấp với sự phân bố chất độn và hàm lượng chất khơi mào được điều chỉnh để cho dày màng thấp và thời gian làm việc, đông kết phù hợp. Chúng có nhiều ứng dụng, từ inlay đến cầu cố định, chốt và chỉnh nha. Chúng là vật liệu bắt buộc để dán các phục hình sứ có độ bền thấp và phục hình composite gián tiếp, nhưng cũng có thể được sử dụng với các phục hình đúc, đặc biệt trong những trường hợp cần thêm lưu giữ. Tiêu chuẩn ISO 4049 (2009) phân loại xi măng resin theo chế độ trùng hợp là loại 1 (tự trùng hợp), loại 2 (quang trùng hợp) hoặc loại 3 (trùng hợp kép). Hầu hết các sản phẩm thương mại đều được trùng hợp kép. Những vật liệu này cho thời gian làm việc thoải mái và trùng hợp theo đặc trưng của composite quang trùng hợp, đồng thời cũng đảm bảo mức độ chuyển đổi cao ngay cả ở những khu vực không có ánh sáng chiếu tới. Vật liệu loại 1 và loại 3 thường được trộn bằng tay hoặc trộn tự động (base và catalyst).
Vật liệu tự trùng hợp và trùng hợp kép có thể đục hoặc trong, và những vật liệu được chỉ định cho phục hình bằng sứ thường ở một số màu khác nhau. Vật liệu quang trùng hợp được chỉ định để dán các mặt dán sứ laminated veneers (xi măng thẩm mỹ) hoặc các mắc cài chỉnh nha. Một số xi măng resin thẩm mỹ được sử dụng để gắn veneer bao gồm paste “thử” có thể hòa tan trong nước, gốc glycerin để giúp lựa chọn màu.


2. Thành phần
Hầu hết xi măng resin có thành phần rất giống với thành phần của composite. Chất nền hữu cơ chứa các monome và oligome dimethacrylate. Các cao phân tử như Bis-GMA (Mw = 512 g / mol), UDMA (Mw = 480 g / mol), và Bis-GMA etoxyl hóa (Bis-EMA, Mw = 540 g / mol) được kết hợp với các phân tử nhỏ hơn thường có nguồn gốc từ ethylene glycol dimethacrylate (diethylene glycol dimethacrylate, Mw = 242 g / mol, và triethylene glycol dimethacrylate, Mw = 286 g / mol) để đạt được mức độ chuyển hóa cao với độ co rút thể tích tương đối thấp. Phần chất độn (filler) có thể thay đổi từ 30% đến 66% theo thể tích và chứa các thủy tinh silan hóa cản quang như bari, stronti hoặc zirconia, cùng với các hạt silica.
Kích thước chất độn trung bình có thể thay đổi từ 0,5 đến 8,0 μm. Xi măng microfilled cũng có sẵn, chứa silica với kích thước chất độn trung bình là 40 nm. Sắc tố và chất cản quang cũng có trong cả hai paste. Một số xi măng resin có chứa các monome độc quyền. Ví dụ MDP, một este axit photphoric có thể polyme hóa, với Bis-GMA. Một sản phẩm khác chứa 4-META và metyl metacrylat ở dạng lỏng, poly (metyl metacrylat) ở dạng bột, và chất xúc tác là tri-n-butylboran. Camphorquinone và một amin bậc ba có trong một paste để bắt đầu phản ứng quang trùng hợp. Benzoyl peroxide, chất kích hoạt tự trùng hợp, có trong paste catalyst. Amin này có chức năng như một phân tử cho proton và được coi là một chất gia tốc sản xuất các gốc tự do. Các amin thơm (chẳng hạn như etyl 4-đimetylaminobenzoat) được coi là hiệu quả hơn các amin béo [như 2 – (đimetylamino) etyl metacrylat].
Nồng độ của các monome có tính axit trong các vật liệu này phải được cân bằng đủ thấp để tránh tính hút nước quá mức trong polyme sau cùng nhưng đủ cao để đạt được mức độ tự xoi mòn và liên kết với ngà răng, men răng ở mức độ chấp nhận được. Sự polyme hóa gốc tự do của các monome có tính axit ở một mức độ nào đó sẽ giống tiềm năng kết dính của xi măng polyalkenoate, và nó cho phép kiểm soát hoàn toàn tỷ lệ của các comonomer có tính axit và không có axit. Đặc tính ưa nước quá mức có thể gây ra hiện tượng trương nở làm ảnh hưởng đến độ bền cơ học cũng như độ ổn định kích thước. Khi được trộn ban đầu, xi măng khá ưa nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thấm ướt và dính với bề mặt răng. Nhưng các vật liệu này trở nên kỵ nước hơn khi nhóm chức axit bị tiêu thụ thông qua phản ứng với canxi trên răng và nhiều loại ôxít kim loại từ chất độn ion có thể rửa trôi. Các chất độn được sử dụng bao gồm thủy tinh bari fluoroaluminoborosilicat, thủy tinh aluminosilicat canxi stronti, thạch anh, silica dạng keo, ytterbium florua và các chất độn thủy tinh khác. Sự hòa tan một phần bề mặt của thủy tinh hòa tan trong axit giúp trung hòa tính axit của nhựa và có khả năng cung cấp các ion natri, canxi, silicat và florua có thể tham gia vào phản ứng đông kết hoặc được giải phóng cục bộ.
Cần phải phân tách các vật liệu là để tránh tương tác axit-bazơ sớm giữa monome axit và ion glass cũng như cho phép tách các thành phần khơi mào phản ứng oxy hóa khử thúc đẩy quá trình hóa trùng hợp gốc tự do. Ngoài ra, để cung cấp khả năng tiếp cận cơ chế quang trùng hợp, amin bậc ba hoặc một số hợp chất cho điện tử khác được sử dụng làm chất khử quang phải được cách ly khỏi các monome có tính axit để ngăn chặn sự khử hoạt tính của photoinitiator cũng như quá trình polyme hóa tự phát dần dần giới hạn thời hạn sử dụng của monome khi có các nhóm chức axit và amin.
Sự hiện diện của amin trong mạng lưới composite đặt ra một số lo ngại về mặt lâm sàng. Đầu tiên, các amin bị phân huỷ theo thời gian, làm thay đổi màu của xi măng. Thứ hai, chúng trở nên bất hoạt khi tiếp xúc với các hệ thống dán có tính axit và khi quá trình trùng hợp diễn ra mà không có quang trùng hợp, ảnh hưởng có hại đến độ chuyển đổi có thể làm tăng nguy cơ bong dán. Điều quan trọng là phải chỉ ra rằng số lượng tương đối của chất khơi mào tự trùng hợp và quang trùng hợp khác nhau đáng kể giữa các nhà sản xuất. Do đó, một số vật liệu phụ thuộc nhiều hơn vào sự quang trùng hợp để đạt được mức độ chuyển đổi cao. Tương tự như vậy, một số vật liệu trùng hợp nhanh hơn trong điều kiện thiếu ánh sáng hơn những vật liệu khác.
3. Phản ứng đông và cấu trúc
Xi măng resin đông bởi quá trình trùng hợp gốc tự do, dẫn đến sự hình thành cấu trúc polyme liên kết ngang dày đặc bao quanh các hạt độn. Các gốc tự do được tạo ra bằng cách quang trùng hợp, trong đó camphorquinone ở trạng thái kích thích kết hợp với một phân tử amin để tạo ra một gốc tự do. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, các gốc tự do được hình thành do phản ứng oxy hóa khử của hệ amine-peroxide. Một liên kết chéo được hình thành khi một chuỗi lan truyền gặp một liên kết đôi cacbon chưa phản ứng trong một chuỗi polyme khác. Quá trình trùng hợp diễn ra cho đến khi tính linh động của các loại phản ứng bị hạn chế do độ nhớt ngày càng tăng của vật liệu và các gốc tự do không thể lan truyền xa hơn, bị mắc kẹt trong polyme. Mức độ chuyển hóa cuối cùng là khoảng 70% và phụ thuộc vào công thức chất nền, độ nhớt ban đầu và chế độ trùng hợp. Chuyển đổi thường cao hơn trong trường hợp xi măng trùng hợp kép, so với xi măng tự trùng hợp.
4. Đặc tính
Các monome giải phóng từ xi măng resin được biết là gây độc tế bào đối với tế bào động vật có vú. Xi măng resin trùng hợp kép cho thấy độc tính tế bào cao hơn ở giai đoạn đông kết sớm khi được thử nghiệm ở chế độ tự trùng hợp, so với các mẫu thử tiếp xúc với quang trùng hợp. Sau 7 ngày, xi măng trùng hợp kép nền Bis-GMA ít gây độc tế bào hơn so với kẽm polyacrylate, resin-modified glass ionomer và xi măng resin có chứa monome MDP.
Tính chất cơ học của xi măng resin được xác định bởi hàm lượng chất độn của chúng và mức độ chuyển hóa đạt được bởi chất nền hữu cơ. Theo quy luật chung, mức chất độn cao hơn và chuyển đổi cao hơn tương ứng với các đặc tính cơ học cao hơn. Mức độ chuyển đổi của xi măng trùng hợp kép là từ 50% đến 73% ở chế độ tự trùng hợp và 67% – 85% khi quang trùng hợp. Cường độ nén của xi măng xi măng trùng hợp kép và quang trùng hợp đã được báo cáo là từ 180 đến 300 MPa, do đó vượt trội hơn nhiều so với xi măng axit-bazơ. Độ bền uốn từ 80 đến 100 MPa, cao hơn giá trị tối thiểu theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 4049 (50 MPa). Mô đun đàn hồi có thể thay đổi đáng kể giữa các nhãn hiệu, nằm trong khoảng từ 4 đến 10 GPa, giá trị có thể so sánh với các loại xi măng khác. Đối với xi măng trùng hợp kép, cơ tính cao hơn một chút so với quang trùng hợp.
Độ dày màng được đo theo tiêu chuẩn ISO là từ 13 đến 20 μm, do đó nằm trong khoảng tối đa 50 μm theo yêu cầu của ISO 4049.
Độ hút nước và độ hòa tan của xi măng resin thấp hơn nhiều so với resin-modified glass ionomer cements. Tuy nhiên, viền xi măng có thể trở nên rõ ràng sau một thời gian dài sử dụng trên lâm sàng vì bị đổi màu. Độ co ngót của xi măng resin thay đổi từ 2% đến 5%.
Độ bền liên kết cắt ngay lập tức của xi măng resin đối với ngà răng thay đổi trong khoảng từ 12 đến 18 MPa. MDP có thể liên kết với các cấu trúc răng, sứ và hợp kim đúc bằng phản ứng giữa các nhóm phốt phát của nó với canxi hoặc với các ôxít kim loại. Tính toàn vẹn của giao diện dán bị thách thức bởi sự phát triển ứng suất trùng hợp. Ứng suất trùng hợp phát sinh do sự co của quá trình trùng hợp xi măng resin, cùng sự phát triển của tính đàn hồi. Nói chung, xi măng trùng hợp kép có các giá trị ứng suất trùng hợp cao hơn khi quang trùng hợp vì phản ứng trùng hợp nhanh hơn phản ứng tự trùng hợp. Sau khi xi măng resin đạt đến mức độ chuyển đổi tương ứng với điểm thủy tinh hóa của chất nền hữu cơ, tất cả sự co ngót sẽ góp phần tích tụ ứng suất. Khi ứng suất tại bề mặt tiếp xúc vượt qua độ bền liên kết của lớp kết dính với ngà răng hoặc men răng, sự bong dán và hình thành khoảng trống do sự co lại có thể xảy ra.
5. Xi măng resin Self-Adhesive
Xi măng resin self-adhesive là một loại xi măng gốc nhựa kết hợp xoi mòn, primer và bond trong một vật liệu duy nhất. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về các bước xoi mòn và liên kết riêng biệt, do đó đơn giản hóa đáng kể việc đặt các phục hình gián tiếp. Thế hệ đầu tiên của nhóm sản phẩm này được cung cấp dưới dạng công thức bột-lỏng phải được trộn bằng tay hoặc qua viên nang. Các thế hệ mới hơn được cung cấp dưới dạng hệ thống hai hỗn hợp có thể được tự động trộn. Các vật liệu hỗn hợp giải phóng florua ban đầu và có độ nhạy sau quy trình thấp. Những vật liệu này được chỉ định để gắn xi măng cho các phục hình và cầu răng đơn bằng hợp kim đúc, mão và cầu răng sứ-kim loại, sứ (trừ veneers) và các phục hình composite gián tiếp. Kết quả tốt cũng thu được khi dán các chốt đúc sẵn và gốm có độ bền cao.
5.1. Thành phần
Đặc điểm phân biệt của loại xi măng resin self-adhesive hai phần này so với xi măng resin cổ điển là sự bao gồm một phần của một hoặc nhiều monome axit có vai trò là xoi mòn mô răng trong khi liên kết với các monome khác để tạo nên sự kết dính. Hầu hết các sản phẩm thương mại đều chứa các monome có thể polyme hóa nền phốt phát và phốt pho. Ví dụ như 2-methacryloxyetyl phenyl hydro photphat (Phenyl-P), 10-MDP, Bis (2-methacryloxyetyl) axit photphat và dipentaerythritol pentaacrylat monophotphat (Penta-P) (meth) acrylat. Ngoài ra, các monome có nhóm axit cacboxylic như 4-META và pyromellitic glycerol dimethacrylate được một số nhà sản xuất sử dụng. Ngoài ra, các monome methacrylate phổ biến như Bis-GMA, glycerol dimethacrylate, UDMA và HEMA có mặt với tỷ lệ khác nhau. Chất độn trơ cũng có mặt cùng với chất kích hoạt ánh sáng.
Phần còn lại chứa nhựa polyme hóa không có axit và một lượng nhỏ chất độn trung hòa axit như thủy tinh fluoroaluminosilicat (được tìm thấy trong glass ionomers). Chất độn không hoạt tính và chất kích hoạt ánh sáng cũng có thể có tùy thuộc vào sản phẩm cụ thể. Tổng hàm lượng chất độn của xi măng là khoảng 70% khối lượng (khoảng 50% thể tích), thấp hơn đáng kể so với composite.
5.2. Phản ứng đông và cấu trúc
Cơ chế trùng hợp chính là thông qua quá trình trùng hợp gốc tự do, có thể là tự trùng hợp hoặc trùng hợp kép. Độ pH ban đầu của xi măng hỗn hợp là khoảng 2 để nó có thể xoi mòn răng. Các nghiên cứu in vitro cũng chỉ ra rằng các nhóm axit (photphat và cacboxylat) có thể liên kết với canxi trong hydroxyapatit để tạo thành sự gắn kết ổn định giữa lưới methacrylate và răng. Ở các giai đoạn sau, lượng axit còn lại được trung hòa bằng phản ứng giữa các nhóm axit photphoric và axit cacboxylic và thủy tinh kiềm.
Cấu trúc của vật liệu khi đông chủ yếu là polyme liên kết ngang, liên kết cộng hóa trị với các hạt độn bằng lớp silan. Một số ion bắc cầu giữa các nhóm cacboxylic và các ion do thủy tinh giải phóng cũng có thể có mặt.
5.3. Đặc tính
Về tính tương hợp sinh học, xi măng resin self-adhesive có tính độc tế bào cao hơn xi măng resin và xi măng gốc axit. Độc tính tế bào được giảm bớt khi xi măng được sử dụng ở chế trùng hợp kép.
Tính chất cơ học của chúng khác nhau giữa các nhà sản xuất nhưng nhìn chung, có phần thấp hơn so với các loại xi măng resin thông thường.
Một lợi thế đáng kể về mặt lâm sàng khi sử dụng xi măng self-adhesive là tỷ lệ nhạy cảm sau quy trình thấp. Điều này được cho là do ngà răng không cần phải được xoi mòn bằng axit photphoric. Việc kiểm tra tổng thể độ bền, độ cứng và độ mài mòn của một số loại xi măng resin self-adhesive thông dụng được báo cáo trong các nghiên cứu cho thấy rằng khả năng chống đứt gãy và mài mòn của chúng có thể tương tự, hoặc có thể thấp hơn một chút so với xi măng resin thông thường. Cường độ uốn nằm trong khoảng 50 đến 100 MPa và cường độ nén từ 200 đến 240 MPa.
Các giá trị trong phạm vi thấp hơn thường ở xi măng được thử nghiệm ở chế độ tự trùng hợp, trong khi các giá trị cao hơn nhận được khi quang trùng hợp. Độ dày màng từ 15 đến 20 μm. Liên kết với các cấu trúc răng được cho là xảy ra bởi sự liên kết vi cơ học và tương tác hóa học giữa các nhóm axit và hydroxyapatite. Độ bền liên kết cắt ban đầu đối với men thay đổi từ 3 đến 15 MPa, trung gian giữa xi măng resin và glass ionomers. Trên ngà răng, một số sản phẩm có độ bền liên kết tương đương với xi măng resin. Xi măng resin self-adhesive được thiết kế đặc biệt để tương tác với chất nền ngà răng với sự chuẩn bị bề mặt bổ sung tối thiểu. Tuy nhiên, liên kết với men không bền bằng việc sử dụng chất xoi mòn axit photphoric. Nếu có rìa men răng đáng kể, thường nên xoi mòn bằng axit photphoric ngay cả khi đang sử dụng các loại xi măng này. Chúng thể hiện giá trị độ bền liên kết tốt đối với hợp kim kim loại và sứ có độ bền cao.
Sự hiện diện của các nhóm axit không phản ứng làm tăng khả năng hấp thụ nước so với xi măng resin thông thường. Hàm lượng florua của chúng thấp (khoảng 10%) và, không giống như xi măng glass ionomer và xi măng resin-modified glass ionomer, sự giải phóng các ion florua giảm nhanh chóng theo thời gian. Tác dụng có lợi của florua trong xi măng resin self-adhesive chưa được chứng minh lâm sàng.
6. Keo dán Universal và 10-MDP là gì?
Thành phần của chất dán universal khác với các hệ thống self-etch (SE) hiện tại bởi sự kết hợp của các monome có khả năng tạo ra liên kết hóa học và vi cơ với răng. Hầu hết các chất dán này đều chứa các monome cacboxylat và/hoặc photphat đặc biệt, liên kết ion với canxi trong hydroxyapatit, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả liên kết. Tất cả các chất dán universal đều sử dụng các este photphat (R-O-PO3H2) làm monome chức năng. Trên thực tế, các este photphat tạo thành xương sống của hầu như tất cả các hệ thống universal hiện nay và cho phép chúng làm được nhiều việc. Các monome này có nhiều đặc tính tích cực, bao gồm khả năng liên kết hóa học với kim loại, zirconia, và với các mô răng thông qua việc hình thành các muối Ca++ không hòa tan. Ngoài ra, bản chất axit của chúng (chúng là các este của axit photphoric) mang lại cho chúng tiềm năng xoi mòn và khử khoáng các mô răng, điều này khiến chúng trở thành lựa chọn tốt để sử dụng trong các chất kết dính tự xoi mòn, xoi mòn chọn lọc, total etch. Este phosphat này là chất được sử dụng trong công thức của nhiều chất dán phổ biến hiện nay, đã thực sự được tổng hợp cách đây hơn 30 năm.
Vào đầu những năm 1980, các nhà hóa học tại Kuraray (Osaka, Nhật Bản) đã tổng hợp monome chức năng kết dính 10-MDP (methacryloyloxy-decyl-dihydrogen-phosphate). Một trong những ứng dụng thực tế đầu tiên của monome mới này là việc sử dụng nó trong xi măng nhựa Panavia ™ của công ty. Panavia tỏ ra đặc biệt tốt trong việc liên kết với kim loại, và thành công của nó đã dẫn đến việc sử dụng monome MDP trong hầu như tất cả các chất kết dính Kuraray sau này. 10-MDP có nhiều thuộc tính tích cực khiến nó trở nên phù hợp để sử dụng trong chất kết dính đa năng. Nó là một monome chức năng lưỡng tính đa năng với một đầu là nhóm methacrylate kỵ nước (có khả năng liên kết hóa học với các chất trám và xi măng nền methacrylate) và đầu kia là nhóm photphat phân cực ưa nước (có khả năng liên kết hóa học với mô răng, kim loại, và zirconia). Chỉ riêng thuộc tính này đã khiến nó được sử dụng trong chất kết dính “universal”. Hơn nữa, chuỗi carbon dài của monome khiến nó khá kỵ nước. 10-MDP là chất kỵ nước nhất trong số tất cả các monome chức năng thường được sử dụng trong chất kết dính nha khoa. Điều này có thể quan trọng về tính bền, vì sự thủy phân của bề mặt dán theo thời gian được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố liên kết. Nó có ý nghĩa rằng, một khi chúng được trùng hợp, các monome kết dính ngăn cản sự hấp thu của nước. Bản chất kỵ nước của 10-MDP cũng làm cho nó tương đối ổn định trong dung dịch, điều này quan trọng về thời hạn sử dụng. Ngoài ra, 10-MDP là một trong số ít monome được sử dụng trong nha khoa dán đã được chứng minh là thực sự liên kết hóa học với các mô răng thông qua liên kết ion với canxi có trong hydroxyapatite (Ca10 [PO4] 6 [OH] 2). Các muối MDP-canxi ổn định được hình thành trong quá trình phản ứng và lắng đọng trong các lớp nano tự hình thành với các mức độ và chất lượng khác nhau tùy thuộc vào hệ thống kết dính. Loại tương tác phân tử và tự tổ chức này, cùng với bản chất tương đối kỵ nước của 10-MDP được polyme hóa, giúp giải thích tại sao monome này tỏ ra rất hiệu quả trong việc tạo ra các bề mặt kết dính có khả năng chống phân hủy sinh học (J. Oxman, nhà hóa học, 3M ESPE, Personal Communication).
Khi bằng sáng chế của Kuraray về 10-MDP hết hạn (khoảng năm 2003) các nhà sản xuất khác bắt đầu khám phá tiềm năng của nó. Vào tháng 10 năm 2009, Bisco, Inc. đã giới thiệu một loại chất lót zirconia chuyên dụng, Z-Prime ™, sử dụng sự kết hợp của 10-MDP và biphenyl dimethacrylate (BPDM) trong công thức của nó (C. Suh, Bisco, Inc., Personal Communication). Việc sử dụng secondary ion mass spectrometry (SIMS) tại Đại học Northwestern đã cho thấy bằng chứng về liên kết hóa học thực tế giữa 10-MDP trong Z-Prime và zirconia và sản phẩm đã nhận được đánh giá rất tốt để sử dụng làm primer chuyên dụng cho zirconia. Hai năm sau khi giới thiệu Z-Prime, 3M ESPE đã giới thiệu chất dán “universal” đầu tiên (Scotchbond Universal), loại keo này cũng sử dụng 10-MDP trong công thức của nó (J. Fundingsland, 3M ESPE, Personal Communication). Sản phẩm này được tiếp nối ngay sau đó bởi Bisco’s All-Bond Universal®, cũng có monomer 10-MDP. Ngoài 10-MDP, các este phốt phát khác như PENTA-P (dipentaerythritol penta acrylate monophosphate) và GPDM (glycero-phosphate dimethacrylate) cũng có vẻ là những lựa chọn thay thế khả thi.
7. 10-MDP và zirconia
Trong một systematic review và meta analysis của Özcan & Bernasconi (1), họ đã kết luận rằng xi măng resin có chứa 10-MDP cho kết quả test với microtensile lẫn macrotensile tốt hơn so với xi măng nhựa thông thường, xi măng nhựa self-adhesive, xi măng glass ionomer.
Trong 1 bài review của Khan và cộng sự (2) cho thấy rằng bề mặt zirconia phủ silica được dán với phosphate monomer thì có ít biến chứng xảy ra nhất và cho giá trị dán hiệu quả nhất.
Để kiểm tra độ mỏi của zirconia nguyên khối với các loại xi măng khác nhau, Guilardi và các cộng sự (3) đã sử dụng các đĩa sứ và chất nền giống với ngà răng để thực hiện các bài test. Chúng được chia thành 8 nhóm, với có hoặc không có thermocycling – sự xoay vòng nhiệt (TC=5-55°C/12,000×):
- “cement” (RelyX Luting 2 – glass ionomer cement [Ion], [Ion/TC];
- RelyX U200 – self-adhesive resin cement [Self], [Self/TC];
- Single Bond Universal+RelyX Ultimate – MDP-containing adhesive + resin cement [MDPAD + RC], [MDP-AD + RC/TC];
- ED Primer II+Panavia F 2.0 – Primer + MDP-containing resin cement [PR + MDP-RC], [PR + MDP-RC/TC])).
Kết quả cho thấy nhóm đầu tiên có độ fatigue load thấp nhất (và nhóm 2 cũng tương tự). Các xi măng nhựa cho thấy fatigue perfomance cao nhất. Thermocycling ảnh hưởng tới các nhóm sẽ khác nhau. Sau chu kỳ nhiệt, nhóm 3 cho thấy giá trị cao nhất, tiếp đến là nhóm 4 và nhóm 2, cuối là nhóm 1. Các hệ tống dán có chứa MDP được dùng trước khi dùng resin cement cho độ fatigue load cao nhất sau các chu kỳ nhiệt, thể hiện tính ổn định và dễ dự đoán.
Để đánh giá ảnh hưởng của chất dán universal lên độ mạnh dán lâu dài với Zirconia, một nghiên cứu (4) đã sử dụng các ống polyethylene chứa đầy xi măng composite có chứa 10-methacryloyloxydecyl dihydrogen phosphate (10-MDP) được gắn kết dính với 60 tấm Y-TZP thiêu kết hoàn toàn (7 x 7 x 2 mm) có hoặc không có (kiểm soát) dùng chất dán có chứa 10-MDP (All Bond Universal, Bisco) – ABU; Clearfil Universal Bond Quick, Kuraray Noritake – CUB; Keo dán Universal Scotchbond, 3M – SUA) trên bề mặt zirconia. Các mẫu dán được bảo quản trong nước trong 24 giờ, 6 tháng hoặc 1 năm và được kiểm tra độ bền liên kết microshear. Dữ liệu được phân tích bằng ANOVA một chiều và thử nghiệm Tukey (p <0,05). Góc tiếp xúc được đo sau khi phủ keo để đánh giá khả năng thấm ướt bề mặt. Các mẫu được xử lý bằng chất dán được phân tích bằng quang phổ quang điện tử tia X (XPS) và khối phổ ion thứ cấp thời gian bay (ToF-SIMS) để xác định đặc tính hóa học. Kết quả cho thấy: việc sử dụng chất dán gốc 10-MDP đã cải thiện đáng kể độ bền liên kết của xi măng composite với zirconia khi so sánh với nhóm đối chứng (không sử dụng chất dán) (p <0,05). Việc lưu trữt rong nước trong một năm làm giảm đáng kể độ bền của liên kết đối với các mẫu có dán ABU và CUB, nhưng đối với các mẫu SUA thì không.
Với một vài nghiên cứu trên đây (đều lấy từ các tạp chí được xếp hạng Q1, Q2), chúng ta có thể tin tưởng phần nào đó vào keo dán và xi măng có chứa 10-MDP trong việc gắn kết với zirconia. Mặc dù cần thêm nhiều bài báo được thiết kế cụ thể để có thể đưa ra kết luận sau cùng, nhưng việc sử dụng xi măng resin và xi măng resin có chứa 10-MDP vẫn là rất hứa hẹn!
Nguồn:
- Sakaguchi, R. L., Ferracane, J. L., & Powers, J. M. (2019). Craig’s restorative dental materials. Elsevier.
- Özcan, M., & Bernasconi, M. (2015). Adhesion to zirconia used for dental restorations: a systematic review and meta-analysis. The journal of adhesive dentistry, 17(1), 7–26. https://doi.org/10.3290/j.jad.a33525
- Khan, A. A., Al Kheraif, A. A., Jamaluddin, S., Elsharawy, M., & Divakar, D. D. (2017). Recent Trends in Surface Treatment Methods for Bonding Composite Cement to Zirconia: A Reveiw. The journal of adhesive dentistry, 19(1), 7–19. https://doi.org/10.3290/j.jad.a37720
- Guilardi, L. F., Pereira, G., Giordani, J. C., Kleverlaan, C. J., Valandro, L. F., & Rippe, M. P. (2022). Cement Choice and the Fatigue Performance of Monolithic Zirconia Restorations. Operative dentistry, 47(4), 461–472. https://doi.org/10.2341/20-143-L
- Vasconcelos Monteiro, R., Dos Santos, D. M., Chrispim, B., Bernardon, J. K., Soares Porto, T., & De Souza, G. M. (2022). Effect of Universal Adhesives on Long-term Bond Strength to Zirconia. The journal of adhesive dentistry, 24(1), 385–394. https://doi.org/10.3290/j.jad.b3512333